Yêu buôn làng thông qua những trang phục thổ cẩm

Yêu buôn làng thông qua những trang phục thổ cẩm

Biên phòng – “Các họa tiết, sắc màu thổ cẩm gắn chặt với cuộc đời tôi ngay từ khi tấm bé. Được bà và mẹ hướng dẫn, chỉ dạy, tôi mới hiểu được giá trị về văn hóa, tinh thần của dân tộc mình trên những tấm dệt thổ cẩm. Nay, tôi muốn đưa những tấm dệt thổ cẩm trở thành những bộ trang phục độc đáo để mọi người biết tới” – đó là lời chia sẻ của Ka Pou Diễm, sinh năm 1982, dân tộc Mạ, hiện đang công tác tại Đài Phát thanh-Truyền hình Lâm Đồng.


Ka Pou Diễm (thứ hai từ phải sang) cùng các nghệ nhân dệt thổ cẩm và bà con trong buôn làng. Ảnh: Ngọc Ánh

Là phóng viên kiêm biên dịch viên tiếng Cơ Ho của Đài Phát thanh-Truyền hình Lâm Đồng, Ka Pou Diễm được đi nhiều vùng miền, buôn làng, được tiếp xúc nhiều người, nhất là bà con đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh. Vốn là người đam mê các sắc màu thổ cẩm ngay từ nhỏ, ngoài làm chuyên môn, Ka Pou Diễm dành thời gian tìm hiểu về các trang phục thổ cẩm của các DTTS như Cơ Ho, Mạ, Chu Ru… từ các làng nghề, địa phương có bề dày dệt thổ cẩm truyền thống như Đam Pao (xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà), K’Long (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng), Buôn Go (thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên), Đạ Nghịch (xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc)…

Thậm chí, Ka Pou Diễm còn xuống tận làng nghề Mỹ Nghiệp thuộc huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận để tìm hiểu dệt thổ cẩm của người Chăm. Từ những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy qua những chuyến thực tế, phóng viên Ka Pou Diễm muốn làm một cái gì đó để nâng tầm những tấm dệt thổ cẩm.

Năm 2020, Ka Pou Diễm đứng ra thu mua và gia công thổ cẩm. Các sản phẩm chủ yếu là những chiếc váy cưới, trang phục dạ hội, tiệc, lễ, Tết… bằng chất liệu thổ cẩm của các dân tộc Mạ, Cơ Ho, Chu Ru, Chăm… đã được Ka Pou Diễm tự thiết kế, cách tân trong việc tạo kiểu dáng, họa tiết, phối màu… phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Sau hơn 4 năm, các sản phẩm của Ka Pou Diễm được nhiều người biết tới. Không chỉ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, mà nhiều khách hàng ở các tỉnh Đắk Lắk, Bình Phước, Ninh Thuận biết tới các sản phẩm của Ka Pou Diễm. Năm 2023, Ka Pou Diễm bán ra thị trường trên 100 bộ, với giá từ 750 nghìn đồng đến 1,6 triệu đồng/bộ (giá cả phụ thuộc vào thiết kế của các bộ trang phục). Ngoài ra, Ka Pou Diễm còn cho thuê với giá từ 120 đến 500 nghìn đồng/bộ.


Ka Pou Diễm góp phần đưa “thời trang thổ cẩm” vươn xa. Ảnh: Ngọc Ánh

Khi được hỏi, tại sao Ka Pou Diễm lại có ý tưởng thiết kế, cách tân các bộ trang phục thổ cẩm truyền thống của các DTTS? Ka Pou Diễm trải lòng: “Tôi đi nhiều làng nghề dệt thổ cẩm, được tiếp xúc với các nghệ nhân, nhận thấy họ rất yêu nghề, yêu văn hóa của dân tộc mình nên cố gắng giữ lại nghề truyền thống dệt thổ cẩm. Nhưng một thực tế, các sản phẩm làm ra giá cả còn bếp bênh, chưa có chỗ tiêu thụ ổn định, thậm chí, thu nhập từ dệt thổ cẩm không tương xứng với công sức mà các nghệ nhân đã bỏ ra. Hơn nữa, các trang phục được dệt từ công nghiệp giá rẻ, lại bắt mắt nên được bà con DTTS chuộng hơn. Trước thực tế đó, tôi đã quyết định đứng ra thu mua thổ cẩm để thiết kế nên những bộ trang phục phù hợp với thị hiếu của khách hàng”.

Ngoài làm tốt công việc tại Phòng Biên tập tiếng DTTS, Ka Pou Diễm còn tranh thủ thời gian những ngày nghỉ để tăng thêm thu nhập cho bản thân và gia đình thông qua cửa hàng thổ cẩm và còn tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động là bà con đồng bào DTTS.

Từ ý tưởng và lòng đam mê những sắc màu thổ cẩm, Ka Pou Diễm đã biến ước mơ trở thành hiện thực. Những sản phẩm thổ cẩm không chỉ bó hẹp trong buôn làng, mà làm hài lòng người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Khi được hỏi thêm về ý định trong những năm tới, Ka Pou Diễm nở nụ cười thật đôn hậu, tự tin và trả lời: “Tôi rất muốn phát triển cửa hàng thổ cẩm của mình thành điểm du lịch cộng đồng của dân tộc Mạ, để giới thiệu quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình đến du khách gần xa biết tới”.

Ngọc Ánh – Thảo Linh