Xử lý hành vi xúc phạm lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc

Trong khi cả nước đang hân hoan chào mừng kỷ niệm 79 năm Quốc khánh thì trên mạng có người đăng thông tin sai sự thật, xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc.
Xin hỏi, vi phạm đến mức nào thì người này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự?

Trả lời

Theo khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018, sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi sau đây bị nghiêm cấm về an ninh mạng:

“a) Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này;

b) Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

c) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;

d) Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

đ) Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng;

e) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội”.

Cụ thể, theo điểm c khoản 1 Điều 16 của Luật này, “xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc” là thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Vi phạm điều cấm của pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả, người có hành vi xúc phạm lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính:

Theo điểm b khoản 7 Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ, “cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia; xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi.

Mức phạt tiền nêu trên áp dụng đối với tổ chức. Nếu cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Thêm nữa, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung được quy định tại khoản 8 của Điều này. Đó là:

“a) Tước quyền sử dụng Giấy phép thiết lập mạng xã hội từ 22 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 5, 6 và 7 Điều này;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b, g, h và q khoản 3, điểm a khoản 4 và khoản 7 Điều này”.

Trường hợp bị xử lý hình sự:

Điều 331 Bộ Luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như sau:

“1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.

Tóm lại, xúc phạm lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc là hành vi bị nghiêm cấm. Người vi phạm có thể bị xử lý hành chính, thậm chí bị phạt tù tới 7 năm.

Ngoài ra, trường hợp chứng minh được người vi phạm có dấu hiệu chống phá Đảng và Nhà nước thì có thể phải chịu thêm nhiều tội danh khác thuộc Chương XIII của Bộ luật Hình sự.

Hùng Phi