Xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng

Xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng

Biên phòng – Từ ngày 24 đến ngày 29/6, Quốc hội khóa XV bước vào tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 7. Sau 4 tuần làm việc tập trung, Kỳ họp thứ 7 đã hoàn thành nhiều nội dung quan trọng, trong đó, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023 và những tháng đầu năm 2024; giám sát tối cao, chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH); thảo luận các dự án luật, nghị quyết sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp…


Quốc hội thảo luận ở hội trường sáng 24/6. Ảnh: Phạm Thắng

Trong tuần làm việc cuối cùng này, Quốc hội thảo luận về các dự án luật gồm: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH); Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Địa chất và khoáng sản…

Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết về quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (trong đó, có nội dung về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 và giảm thuế giá trị gia tăng).

Sáng 24/6, dưới sự điều hành của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, đã có 24 ý kiến ĐBQH phát biểu, trong đó, đa số ý kiến đồng thuận cao về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục những vấn đề bất cập trong quá trình thực hiện pháp luật hiện hành về phòng, chống mua bán người.

Sáng 26/6, dưới sự điều hành của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, đã có 24 ý kiến ĐBQH phát biểu. Các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), sáng 26/6. Ảnh: Phạm Thắng

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa; chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể; bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền; chính sách về quản lý, bảo vệ di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, di tích lịch sử văn hóa tôn giáo; biện pháp bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam…

Chiều 26/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại hội trường về: Các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024. Đối với các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ, Quốc hội khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền để cải cách toàn diện tiền lương, lương hưu, trợ cấp theo chủ trương của Đảng; trước mắt cần triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả Kết luận số 83 của Bộ Chính trị đảm bảo thống nhất, công bằng, công khai, minh bạch, tăng thu nhập cho người hưởng lương và trợ cấp.

Các đại biểu đề nghị hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương, thu nhập, chế độ nâng lương, chế độ tiền lương gắn với tinh giản bộ máy, biên chế, vị trí việc làm; đồng thời đề nghị cùng với việc tăng lương thu nhập cần có biện pháp hiệu quả kiểm soát lạm phát, giá cả các mặt hàng thiết yếu đang có xu hướng tăng lên để đảm bảo ý nghĩa của việc tăng lương, tăng thu nhập.

Chiều 27/6, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật PCCC và CNCH. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Theo Thượng tướng Lương Tam Quang, việc xây dựng, ban hành Luật PCCC và CNCH là thực sự cần thiết để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý về công tác PCCC, CNCH. Bên cạnh đó, cần phải quy định đầy đủ trong dự thảo Luật PCCC và CNCH các nội dung về hoạt động CNCH đối với những sự cố, tai nạn thông thường xảy ra trong đời sống hằng ngày mà lực lượng PCCC và CNCH đang thực hiện và chưa đến mức áp dụng cấp độ phòng thủ dân sự; bao gồm, sự cố, tai nạn cháy, nổ, sập, đổ nhà, công trình, sạt lở đất, đá, có người bị mắc kẹt, tai nạn đuối nước và những sự cố, tai nạn thông thường khác chưa được quy định trong văn bản luật.

Việc xây dựng Luật này cũng sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan và khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành.

Hà Lê