Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông vẫn còn khá lớn, nhất là công nhân dệt may, giày da – Ảnh: C.TRIỆU
Thế nhưng nhà tuyển dụng lại than vì mãi không tuyển được người. Chưa khớp năng lực, mức lương, môi trường và cả địa điểm làm việc khiến đôi bên dùng dằng, tạo ra vòng luẩn quẩn tìm nhau giữa người và việc.
Nhu cầu lớn song cũng khó tuyển do các doanh nghiệp cùng địa bàn bắt đầu phục hồi, cần thêm nhiều lao động nên sự cạnh tranh rất lớn.
Chị VĂN THỊ HIỀN (trưởng nhóm tuyển dụng Công ty Elite Long Thành, Đồng Nai)
Khoảng cách năng lực và thu nhập
Anh Đặng Bảo Quốc – phụ trách tuyển dụng của Acacy (chuyên dịch vụ tuyển dụng) – cho biết đang cần tuyển nhiều vị trí cùng các mức lương khác nhau. Trong đó, nhân viên kinh doanh thị trường (23 triệu đồng), tư vấn bán hàng (12 – 15 triệu đồng), làm việc văn phòng (15 – 30 triệu đồng), nhân viên nhà máy (10 – 12 triệu đồng)…
Anh Quốc nói các bạn trẻ mong có thu nhập tốt, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trả mức lương cao nhưng ứng viên cũng phải xứng tầm.
Vấn đề là các bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm và đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Nhiều bạn có bằng cấp tốt nhưng lại ít giao tiếp, nhất là trong môi trường quốc tế không tự tin nêu ý tưởng của mình.
Chưa kể nhiều doanh nghiệp chú trọng yếu tố văn hóa công ty. Thế nên tính cách ứng viên có điểm nào đó không phù hợp văn hóa công ty cũng khó được tuyển.
“Các bạn trẻ gen Z có xu hướng ưu tiên thỏa mãn trải nghiệm cá nhân, không thích cảm giác bị người khác chèn ép dẫn đến hai bên không tìm được tiếng nói chung” – anh Quốc phân tích.
Anh Trung Hiếu – quản lý công ty thiết kế web, tiếp thị trực tuyến – chia sẻ người thất nghiệp vì không tìm được đúng việc mình mong muốn về lương, môi trường làm việc, chuyên ngành, khả năng phát triển. Nhiều bạn vẫn nói thà thất nghiệp chứ không vào làm start-up hay công ty gia đình mà chờ cơ hội ở tập đoàn lớn.
“Có những bạn chỉ muốn làm marketing chứ không làm sale, muốn làm văn phòng chứ không quản lý. Nhà tuyển dụng mong có người lao động kinh nghiệm nhưng chỉ muốn trả lương thấp. Hai bên không hợp thì sao tìm thấy nhau” – anh Hiếu bày tỏ.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng thay vì chăm chăm soi ứng viên có từng làm qua vị trí cần tuyển chưa, tại sao nhà tuyển dụng không tạo cơ hội cho ứng viên ở vị trí tương đồng có đủ kỹ năng và kiến thức. Chỉ cần hỗ trợ rõ ràng cho người mới có thể bắt nhịp công việc là ổn.
Mặt khác, nhiều ứng viên nói công ty yêu cầu dưới 30 tuổi là… vô lý! Trong khi có vị trí đăng tuyển không để mức lương hay chế độ gì, thậm chí tuyển trưởng phòng hành chính nhân sự mà lương có 10 – 12 triệu hoặc “tuyển trưởng phòng nhưng phải kiêm được luôn mớ việc của chuyên viên, nhân viên mà lương chỉ 12 – 15 triệu”.
Thực tế người lao động có thể chọn làm freelancer, bán hàng. Cùng lắm “ăn hết mấy tháng bảo hiểm thất nghiệp và khoản dự trữ cũng chừng cả năm”.
Nhu cầu tuyển lao động có chuyên môn tháng 5 tại TP.HCM – Nguồn: Cổng thông tin việc làm TP.HCM – Đồ họa: N.KH.
Rao lương cao, đến nơi mới té ngửa
Thất nghiệp ba tháng, áp lực tiền trọ, ăn uống khiến Ngọc Tú (25 tuổi, nhân viên kinh doanh, ở quận Tân Phú) không thể ngồi yên. Mỗi sáng, việc đầu tiên Tú làm là mở email, kiểm tra tin nhắn điện thoại.
Tìm việc online cũng khá nhàn, cần một bản CV chỉn chu rồi cứ thế gửi đi nhiều nơi, đợi phản hồi, không mất công chạy đi chạy lại. Nhưng đăng tuyển là một chuyện, đến khi trao đổi cụ thể lại là chuyện khác. Liên tiếp nhiều ngày, cô “rải” CV khắp nơi nhưng chỉ lác đác vài cuộc gọi, email trả lời.
“Ức chế nhất là đơn vị tuyển nhân viên kinh doanh cam kết thu nhập không dưới 17 triệu đồng. Lặn lội từ quận Tân Phú sang quận 7 phỏng vấn, hỏi đủ thứ rồi chốt lương 2 triệu đồng/tháng. Tui hỏi ủa sao rao cam kết không dưới 17 triệu thì nhận câu trả lời phần còn lại nếu siêng năng, bán hàng giỏi là được hoa hồng” – Tú hậm hực.
Ngọc Diễm (22 tuổi, nhân viên truyền thông, ở quận 8) lắc đầu ngao ngán vì loay hoay cả tháng nay chưa tìm ra việc dù cũng lùng sục khắp các trang mạng, cả liên hệ nhiều đơn vị tuyển dụng, dịch vụ việc làm. Diễm mới ra trường nhưng đến đâu cũng bị hỏi kinh nghiệm nên đành đi về.
“Mấy vị trí, mô tả công việc họ tuyển dụng tôi đều có thể làm nhưng CV không có dòng nào từng làm qua các vị trí đó nên bị loại” – Diễm phân trần.
Người lao động tìm hiểu thông tin tại sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai tổ chức – Ảnh: A LỘC
Bình Dương tuyển lao động phổ thông còn chậm
Nửa đầu năm nay, một số doanh nghiệp lớn tại Bình Dương bắt đầu tuyển thêm lao động nhưng chưa nhiều. Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bình Dương, từ đầu năm đến nay các doanh nghiệp đăng ký hơn 54.000 vị trí cần tuyển và trên 18.000 người đã nhận được việc.
Đại diện bộ phận nhân sự một số doanh nghiệp lớn cho biết khó tuyển đủ người, nhất là lao động phổ thông.
Một phần do việc làm chưa ổn định, ảnh hưởng mức thu nhập nên nhiều người vẫn ở quê chờ kinh tế khởi sắc hơn. Điểm sáng đến từ một số nhà đầu tư nước ngoài (FDI) có số vốn lớn tại Bình Dương nhưng nhu cầu sử dụng lao động phụ thuộc vào tiến độ giải ngân dự án.
Mới đây, Tập đoàn Pandora (Đan Mạch) khởi công nhà máy sản xuất đồ trang sức 150 triệu USD, sẽ tạo ra 7.000 việc làm khi hoàn thành.
Nhà máy quy mô hơn 1 tỉ USD của Tập đoàn Lego dự kiến đi vào hoạt động từ cuối năm nay đang bắt đầu tuyển người. Tuy nhiên, số lượng tuyển ban đầu chỉ vài trăm và dự kiến nâng lên 4.000 người khi toàn bộ nhà máy đi vào hoạt động.
Đồng Nai cần hàng ngàn lao động may mặc, giày da
Chị Văn Thị Hiền – trưởng nhóm tuyển dụng Công ty Elite Long Thành (Khu công nghiệp Lộc An – Bình Sơn, huyện Long Thành) – cho biết doanh nghiệp hiện cần tuyển khoảng 1.500 lao động (tăng 500 so với hai tháng trước).
Công ty đưa ra hàng loạt chính sách phúc lợi hấp dẫn như phụ cấp nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, miễn phí bảo hiểm tai nạn cho bản thân và gia đình, thưởng hiệu suất đến 8 triệu đồng tùy năng lực, hỗ trợ vé xe Tết, lương tháng 13…
Ông Đinh Sỹ Phúc – chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần TKG Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP Biên Hòa) – nói hiện công ty có khoảng 3.400 lao động và theo lộ trình sẽ tuyển thêm 2.500 người trong tháng 6 và 7.
“So với đầu năm, tình hình tuyển dụng có chậm lại song vẫn đảm bảo lộ trình đề ra vì có chế độ đãi ngộ, phúc lợi tốt nên việc tuyển dụng khá thuận lợi” – ông Phúc nói.
Tính từ đầu năm đến nay, 600 doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng khoảng 65.000 lao động, chủ yếu ngành may mặc, giày da. Ngoài các sàn giao dịch việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai kết nối với các trung tâm tuyển dụng cả nước, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp tại trung tâm.