Hôm nay 15.6, trong sự kiện ra mắt giới thiệu chương trình đào tạo kỹ sư chuyên sâu “Generative AI Engineer Program” (trí tuệ nhân tạo tạo sinh, GenAI) của Trường Công nghệ Thông tin và truyền thông (CNTT-TT), ĐH Bách khoa Hà Nội, TS Đinh Viết Sang, Giám đốc chương trình đào tạo GenAI, đã giới thiệu một số thông tin thú vị về sự bùng nổ tăng trưởng mảng ngành GenAI.
Sinh viên Trường CNTT-TT, ĐH Bách khoa Hà Nội
Bùng nổ đầu tư cho GenAI
TS Đinh Viết Sang cho biết, GenAi là một mảng ngành AI, tập trung vào việc tạo sinh ra dữ liệu mới, bao gồm: văn bản, hình ảnh, âm thanh, video, mã nguồn lập trình và các thể thức dữ liệu khác…
Ứng dụng của GenAi đang thể hiện tích cực trong các ngành, nghề: nghệ thuật và thiết kế, sáng tạo nội dung; âm nhạc, giải trí, truyền thông; thương mại điện tử, marketting; tài chính ngân hàng; y học, chăm sóc sức khỏe; giáo dục và đào tạo…
Theo thống kê của Dealroom (một công ty quản lý cơ sở dữ liệu có trụ sở tại Hà Lan), đầu tư vào GenAI bùng nổ năm 2023, là 25 tỉ USD, gấp 5 lần so với năm 2022. Năm nay, trong quý 1 đầu tư vào GenAi là 7,5 tỉ USD. Dự báo cuối năm là 45 tỉ USD, gấp đôi năm 2023.
Báo cáo của Polaris Market Research (một tổ chức tư vấn và nghiên cứu thị trường ở New York, Mỹ) về thị trường GenAI cho thấy, người ta dự đoán tăng trưởng kép của thị trường GenAI trên thế giới sẽ đạt mức 34,2%. Với tốc độ tăng trưởng, năm 2032 thị trường GenAI toàn cầu sẽ có giá trị cỡ 200 tỉ USD (năm 2023 là 14,26 tỉ USD).
Theo đánh giá của Statista Market Insights (tổ chức cung cấp nền tảng dữ liệu và kinh doanh thông minh, được thành lập ở Đức) thì mức tăng trưởng quy mô thị trường GenAi tại Việt Nam cỡ 23%. Đến năm 2030 thị trường GenAi của Việt Nam sẽ có giá trị khoảng gần 1 tỉ USD.
TS Đinh Viết Sang nhận định, đứng trước sự bùng nổ của GenAI, những doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ của Việt Nam như Viettel, Vingroup, FPT, Việt NamG, Việt NamPT, CMD…, những ngân hàng hàng đầu như Vietcombank, BIDV, MBbank, Techcombank… đều đã có những bước đầu tư căn cơ xây dựng tiềm lực con người, hạ tầng và công nghệ liên quan đến lĩnh vực GenAI.
Cơ hội việc làm năm 2023 tăng 306%
TS Đinh Viết Sang cũng cho biết, theo đánh giá hồi tháng 9.2023 của CNBC (kênh tin tức kinh doanh hàng đầu thế giới), số lượt tìm kiếm việc làm về GenAI trên Indeed đã tăng gần 4.000% trong năm ngoái và số cơ hội việc làm về GenAI đã tăng 306% so với cùng kỳ tháng 9.2022.
Công việc yêu cầu kỹ năng GenAI có lương cao hơn 47% so với các công việc không liên quan tới GenAI, dù các công việc này đều trong lĩnh vực CNTT.
Thông tin của CNBC về mức lương của các việc làm trong lĩnh vực CNTT
Khảo sát của Deloitte (tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm toán, tư vấn tài chính toàn cầu) vào tháng 1.2024 ở thị trường nhân lực toàn cầu, cho thấy 45% CEO được khảo sát cho biết họ đang tích cực nâng cao và đào tạo lực lượng lao động của mình về AI; 44% đang tuyển dụng các công việc liên quan tới AI.
Tại Việt Nam chưa có thống kê nào về nhu cầu nhân lực riêng cho mảng ngành GenAi. Nhưng theo nhận định năm 2023 của TopDev (tổ chức tuyển dụng tại Việt Nam), năm 2025 Việt Nam cần tổng số 700.000 nhân lực CNTT, nhưng với tốc độ đào tạo như hiện nay thì lúc đó chúng ta sẽ thiếu 200.000 nhân lực.
Ở đâu đào tạo nhân lực GenAI?
TS Đinh Viết Sang chia sẻ, về tình hình đào tạo dữ liệu khoa học và trí tuệ nhân tạo nói chung, ngành GenAI là một ngành rất mới trên phạm vi toàn cầu. Tìm kiếm trên cơ sở dữ liệu Data Science Programs (một hệ thống dữ liệu về các khóa học về khoa học dữ liệu) cho thấy, hiện tại có trên 1.000 ĐH trên thế giới đào tạo về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.
Nhưng liên quan trực tiếp tới GenAi hiện tại có 2 trường: ĐH Bách khoa Hồng Kông đào tạo thạc sĩ liên quan đến GenAI, ĐH Golden Gate đào tạo tiến sĩ về GenAI trong quản trị kinh doanh. Cụ thể như sau:
Tại Việt Nam chưa có đơn vị đào tạo nào đào tạo về chương trình GenAI. Với sự kiện ĐH Bách khoa Hà Nội ra mắt giới thiệu chương trình đào tạo kỹ sư chuyên trí tuệ nhân tạo tạo sinh, GenAI, thì đây là lần đầu tiên một cơ sở đào tạo ĐH ở Việt Nam mở chương trình đào tạo kỹ sư chuyên ngành này.
Còn về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo thì hiện có khoảng 10 đơn vị tham gia đào tạo. Cụ thể như sau: