Chị Lâm Thị Cam, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, tính đến phương án đi lao động ở tỉnh ngoài sau vụ thiệt hại lúa do hạn mặn
Trong khi nhiều người lao động cho rằng lương thấp và cơ hội kiếm được việc làm không dễ, nhiều doanh nghiệp cho rằng phần lớn lao động này không có chuyên môn, trình độ tay nghề thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu…
Chấp nhận xa nhà để có thu nhập cao
Chúng tôi gặp Phan Huỳnh Như (25 tuổi) và Phan Thiện Minh Quang (20 tuổi), hai người con của ông Phan Văn Tạc (ấp 7 An Điền Lớn, xã An Hiệp, Ba Tri, Bến Tre) tại một phòng trọ ở TP.HCM sau khi cả hai vừa trở về sau một ngày đi làm.
Như đang làm kiểm hàng cho một công ty Nhật ở Khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Quang là thợ máy cho một công ty Nhật khác ở KCN Long Hậu, huyện Cần Guộc, Long An.
Hai KCN ở gần nhau nên chị em có thể thuê chung một căn nhà trọ giá 1,7 triệu đồng trên đường Nguyễn Văn Tạo thuộc xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè.
Căn phòng rộng rãi 40m2, có một gác lửng giúp hai chị em có cuộc sống thoải mái hơn nhiều so với lúc còn ở phòng trọ tại KCN Giao Long (xã An Phước, huyện Châu Thành, Bến Tre) mà Như từng trở về làm việc sau mùa dịch COVID-19.
Thời điểm hạn mặn năm 2016 khiến gia đình mất trắng mùa lúa. Do đó, sau khi tốt nghiệp lớp 12 một năm sau đó, Như quyết định đi xin việc làm. Nhờ người dì giới thiệu, Như đã được một công ty Nhật nhận vào làm việc kiểm hàng tại quận Tân Phú, TP.HCM. Sau dịch Covid-19, Như quyết định tìm việc làm ở Bến Tre để “gần với gia đình”.
Như xin vào làm công ty may ở KCN Giao Long, dù cũng phải ở trọ nhưng chỉ cách nhà khoảng 40 cây số, nhớ nhà có thể về ngay.
“Em ở trọ trong cái phòng cũng nhỏ, lương có hơn 4 triệu đồng/tháng mà vào làm rồi thì không ngẩng mặt lên. Dây chuyền may cứ chạy liên tục, nhiều khi muốn đi vệ sinh cũng không được. Em cố làm được hơn ba tháng ở công ty thì muốn sụm lưng, xin nghỉ”, Như kể.
Có vốn tiếng Nhật vừa đủ giao tiếp trong thời gian học lớp xuất khẩu lao động vào trước dịch, Như hy vọng sẽ kiếm được việc khác tốt hơn. Nhưng quanh quẩn ở KCN Giao Long, mức lương lao động chỉ chừng 5 triệu đồng. Do vậy, khi nghe tin công ty Nhật ở TP.HCM mà Như từng làm đang cần người với lương hơn 8 triệu đồng/tháng, cô lại khăn gói lên TP.HCM.
“Em lên đây đã gần một năm. Tháng tới, công ty sẽ đưa em sang Nhật đào tạo ba tháng nữa”, Như cho biết.
Trong khi đó, sau khi bỏ học để vừa đi làm kiếm tiền vừa phụ gia đình làm ruộng, Quang, em trai của Như, được người quen giới thiệu vào làm tại một công ty ở KCN Long Hậu. Giờ hai chị em Như vẫn đều đặn gửi tiền về phụ giúp cha mẹ trả nợ cũ, còn lại tích lũy.
“Tụi em cũng từng loay hoay kiếm việc ở quê rồi nhưng không sống nổi. Trên này dù sao cũng nhiều việc hơn. Còn việc có lập nghiệp được ở TP.HCM luôn không thì còn xa lắm”, Như chia sẻ. Vậy nếu có việc ở Bến Tre mà mức lương ngang với công ty hai bạn đang làm, có về không? “Về chứ, ở gần cha mẹ thích hơn chứ!”, cả hai bạn đều cùng trả lời.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau tập huấn, giới thiệu việc làm cho các lao động nông thôn – Ảnh: T.HUYỀN
Thiếu lao động có tay nghề, cơ hội có việc làm thấp
Ông Võ Thanh Quang – nguyên giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng, hiện là phó Ban Dân vận Tỉnh ủy Sóc Trăng – cho biết địa phương này đang có khoảng 700.000 lao động, trong đó có khoảng 160.000 lao động đi làm ăn xa.
Trong đợt dịch COVID-19, có hơn 100.000 người trở về, chưa có số lượng thống kê chính thức nhưng bây giờ hết dịch số người này lại dắt díu nhau đi làm ăn xa.
Theo ông Quang, Sóc Trăng có KCN An Nghiệp đang hoạt động với hơn 50.000 lao động. Lương và các chế độ chung của các doanh nghiệp tại KCN này chỉ nhỉnh hơn mức tối thiểu quy định một chút.
Nhưng hầu hết công ty chỉ cần treo bảng tuyển là có ngay lao động. Điều này cho thấy người lao động ở Sóc Trăng chỉ cần có việc chứ không kén việc.
“Có điều chưa có nhiều việc làm nên họ chọn nơi có việc làm, đó là một sự chuyển dịch tự nhiên theo nhu cầu việc làm. Chỉ một vài công ty còn trống việc do cần chuyên gia, người trình độ chuyên môn cao, nhưng tìm dạng lao động này ở tỉnh cũng khó”, ông Quang nhận định.
Ông Trần Anh Trung – giám đốc Công ty thủy sản Anh Khoa, TP Cà Mau – cũng thừa nhận công ty thiếu hàng trăm lao động cho công việc của doanh nghiệp trên địa bàn này. Tuy nhiên, việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn do đặc thù công ty thủy sản là lao động phải có tay nghề. Khi có tay nghề, công nhân mới làm việc nhanh và đạt sản lượng tốt.
“Thời gian qua, việc tuyển lao động có tay nghề thủy sản rất khó do địa phương ít có ngành nghề đào tạo phù hợp. Bởi vậy, dù lao động tại địa phương nhiều nhưng chúng tôi chỉ tuyển được lao động công nhật. Việc tuyển lao động làm việc lâu dài và ổn định, chúng tôi khó cạnh tranh do người lao động có xu hướng dịch chuyển lên tỉnh trên làm lương cao hơn”, ông Trung nói.
Trong khi đó, ông Lâm Văn Bá – phó chủ tịch UBND thị xã Tịnh Biên, An Giang – cho hay Tịnh Biên có lao động dồi dào nhưng các công ty, doanh nghiệp trong tỉnh không lớn.
Do đó, nhiều người chọn làm ngoài tỉnh để có thu nhập cao, được tăng ca có thêm tiền. “Địa phương đang phối hợp với các doanh nghiệp đầu tư vào KCN Xuân Tô để ưu tiên tuyển người lao động tại chỗ trước”, ông Bá nói.
Ông Phạm Văn Phước – giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh An Giang – cho biết lao động ra ngoài tỉnh nhiều là do lương thưởng ở các tỉnh, thành phố lớn cao hơn lương tại địa phương. Cơ hội việc làm cũng cao hơn.
“Các KCN ở An Giang chưa hoạt động mạnh và ít đơn hàng nên rất khó thu hút lao động trở lại địa phương. Người lao động đi làm công nhân ngoài tỉnh có nhiều cơ hội hơn ở quê. Lỡ một khi bị sa thải cũng dễ tìm việc hơn, không lo thất nghiệp”, ông Phước nói.
Máy móc đang thay thế lao động trong nông nghiệp
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Triết – bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Trung, thị xã Tịnh Biên, An Giang – thừa nhận địa phương này đang có vài ngàn người đi lao động ở ngoài tỉnh.
Nguyên nhân là do máy móc đã thay thế con người trong ngành nông nghiệp, nhiều người dân thất nghiệp nên kéo nhau đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ để tìm việc làm. Sau một thời gian, bà con trở về quê xây cất nhà cửa rất hoành tráng.
“Muốn thu hút người lao động trở lại quê hương, phải xem lại cơ chế, lương thưởng ra sao để họ an tâm mới được. Đây là bài toán khó”, ông Triết nói.
Vẫn tìm cách bám trụ ở quê nhà
Do sản xuất bị ảnh hưởng khô hạn, xâm nhập mặn, nhiều gia đình ở Cà Mau cũng đã tính đường lên các tỉnh miền Đông Nam Bộ làm công nhân. Chị Lâm Thị Cam – xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời – cho biết bản thân ráng bám trụ lại với hai công đất của cha mẹ cho để trồng lúa.
Tuy nhiên, năm nay hạn mặn kinh khủng quá nên thất trắng không có lúa để ăn. “Vụ rồi tui làm lỗ vốn còn thiếu nợ hơn 5 triệu đồng, vụ tới đây không biết lấy tiền đâu trả nợ. Chồng tôi và đứa con trai cũng tính mưa xuống cày đất, sạ lúa cho tôi xong, ổng cùng con lên Bình Dương để làm hồ kiếm tiền gửi về chăm sóc mấy công lúa để có cái ăn và trả nợ”, chị Cam dự tính.
Ông Lý Văn Duẫn – TP Cà Mau – cho biết mình làm phụ hồ ở Cà Mau được khoảng 250.000 đồng/ngày.
Tuy nhiên, nghe nói ở Bình Dương làm phụ hồ cho các công ty xây dựng được khoảng 300.000 đồng/ngày và còn được đóng bảo hiểm nên hai cha con định lên đó làm thử vài tháng xem sao.
“Ngặt một điều là lên đó phải tốn thêm chi phí mướn nhà trọ, trong khi ở dưới này thì có nhà sẵn nên hai cha con đang dò hỏi kỹ các mối trên đó mới tính lại có đi hay không”, ông Duẫn nói.
Từng làm công nhân cho một doanh nghiệp ở KCN Bình Hòa, huyện Châu Thành, An Giang nhưng công ty đã cắt giảm lao động vào năm 2022, chị Nguyễn Thị Diệu Thảo – xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, An Giang – buộc phải lên TP.HCM tìm việc. Chị Thảo hiện đang làm việc cho một doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở TP Thủ Đức với mức lương 8-9 triệu đồng/tháng.
“Lúc trước tôi làm ở An Giang, lương từ 5-6 triệu đồng/tháng, còn lương trên đây cao. Ở TP.HCM làm có lương cao, cơ hội việc làm cũng rộng cửa”, chị Thảo nói.