TP HCMCác giao dịch chuyển nhượng dự án liên quan đến bà Trương Mỹ Lan còn nhiều mâu thuẫn, hoặc ảnh hưởng việc bảo đảm quyền lợi cho trái chủ, nên tòa chuyển Bộ Công an tiếp tục xác minh, xử lý.
TAND TP HCM vừa công bố bản án, tuyên phạt án tù chung thân đối với bà Trương Mỹ Lan, 68 tuổi về 3 tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Rửa tiền; Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, liên quan đến các sai phạm trong giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát.
Tòa cũng đưa ra phán quyết về việc xử lý khối tài sản “khủng” đã bị kê biên, phong tỏa liên quan đến bà Lan trong vụ án. Tuy nhiên vẫn còn nhiều giao dịch mua bán dự án giữa bà Lan với các đối tác chưa được làm rõ, ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền lợi của nhiều bị hại mua trái phiếu, nên tòa chuyển cho C03 tiếp tục điều tra để xử lý.
Bà Trương Mỹ Lan tại tòa ngày 17/10. Ảnh: Trần Quỳnh
Dự án Khu tứ giác Bến Thành (The Spirit of Sài Gòn)
Kết quả điều tra đến nay xác định, trên cơ sở thỏa thuận giữa bà Lan và Tập đoàn Bitexco về việc chuyển nhượng dự án cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với giá 22.000 tỷ đồng (năm 2018), Công ty TNHH Saigon Glory được thành lập (Tập đoàn Bitexco sở hữu 100% vốn góp) là chủ đầu tư duy nhất. Bà Lan đã chuyển cho Tập đoàn Bitexco 15.712 tỷ đồng nhưng hai bên chưa thực hiện thủ tục chuyển giao công ty.
Theo HĐXX, hồ sơ vụ án thể hiện giữa bà Lan và lãnh đạo Tập đoàn Bitexco có thỏa thuận miệng về việc chuyển nhượng như trên. Biên bản xác minh và thu thập tài liệu tại SCB (21/6/2024) và biên bản xác minh của Tập đoàn Bitexco, hồ sơ bổ sung của C03, bảng thống kê nộp tiền của Bitexco, thể hiện Bitexco đã nhận 15.712 tỷ đồng.
Việc chuyển tiền được bà Lan giao cho Nguyễn Phương Hồng (phó tổng giám đốc SCB, đã chết) phụ trách theo dõi trên 2 máy tính. Trong đó, 10.140 tỷ đồng chuyển qua hình thức chuyển khoản, còn lại là tiền mặt.
Về nguồn thanh toán số tiền nói trên, qua xác minh tra soát các khoản vay của SCB phù hợp với mốc thời gian trên bảng kê thanh toán giữa nhóm Bitexco và bà Lan, có 4.100 tỷ đồng rút ra từ khoản vay SCB. Căn cứ lời khai của bà Lan và kết quả điều tra, tòa xác định 11.612 tỷ đồng còn lại là tiền của bà Lan, tiền bà Lan đi vay của các ngân hàng và tiền từ phát hành trái phiếu của Công ty Sài Gòn Glory. Tuy nhiên, do Nguyên Phương Hồng đã chết nên cơ quan điều tra không bóc tách được số tiền còn lại.
Tại tòa, bà Lan khai “có thỏa thuận miệng với chủ tịch của Bitexco” là sẽ tìm đối tác chuyển nhượng dự án với giá 22.000 tỷ đồng. Bị cáo đã nhiều lần chuyển cho doanh nghiệp này tổng cộng 7.000 tỷ để nhận chuyển nhượng dự án, và bà nói với chủ tịch Bitexco rằng “nếu có bên thứ ba vào nhận chuyển nhượng dự án thì phải hoàn trả số tiền này và 30% giá trị của 7.000 tỷ đồng”. Số tiền này bị cáo sẽ dùng để khắc phục hậu quả vụ án.
Trong khi đó, đại diện Bitexco trình bày, mặc dù về pháp lý Công ty Sài Gòn Glory thuộc sở hữu của Bitexco nhưng bị cáo Lan đã đưa người sang công ty để quản lý điều hành, sử dụng công ty này để phát hành trái phiếu 10.000 tỷ đồng và vay Techcombank 13.000 tỷ đồng. Các tài sản của dự án do ngân hàng quản lý theo hợp đồng thế chấp tài sản.
Cơ quan điều tra xác định, số tiền này do bị cáo Lan sử dụng vào mục đích cá nhân gây hậu quả của vụ án, để lại cho Công ty Glory và dự án khu Tứ giác Bến Thành khoản nợ là hơn 32.000 tỷ đồng – bao gồm nghĩa vụ thanh toán gói trái phiếu, trả nợ vay và các nghĩa vụ khác.
Do đó, để đảm bảo quyền lợi của các bên, đại diện Bitexco đề nghị tòa chấp nhận thỏa thuận giữa tập đoàn và các bên liên quan về phương án chuyển giao toàn bộ dự án cho Công ty bất động sản Phương Đông Hà Nội. Đồng thời, công ty này có nghĩa vụ đảm bảo thanh toán đối với các gói trái phiếu, khoản vay và không thu hồi khoản tiền 15.712 tỷ đồng.
Dự án Khu tứ giác Bến Thành. Ảnh: Trần Quỳnh
Quá trình tòa xét xử, ngày 1/10, C03 có văn bản cho rằng bà Lan mới chỉ chuyển 15.712 trên 22.000 tỷ đồng, việc chuyển nhượng chưa hoàn thành nên Bitexco vẫn là chủ sở hữu của Công ty Sài Gòn Glory. Xét về mặt kinh tế các bên chưa thực hiện các nghĩa vụ theo thỏa thuận, nên các bên có nghĩa vụ hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận. Theo đó, bà Lan nhận lại 15.712 tỷ đồng và giao lại dự án khu Tứ giác Bến Thành cho Công ty Sài Gòn Glory và Tập đoàn Bitexco. Cơ quan điều tra đề nghị tòa thu hồi số tiền nói trên.
Tuy nhiên, bà Lan đã sử dụng công ty phát hành trái phiếu sử dụng cho mục đích cá nhân và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đến nay không có khả năng trả nợ 23.000 tỷ nêu trên, phát sinh gốc và lãi 33.000 tỷ đồng – vượt quá số tiền bà Lan đã chuyển cho Bitexco.
Hồi tháng 8, đại diện gia đình bà Lan đã thống nhất để Bitexco đứng ra thực hiện chuyển nhượng Công ty Sài Gòn Glory và toàn bộ hiện trạng dự án, tài sản quyền nghĩa vụ của dự án cho Công ty Phương Đông Hà Nội. Đến nay bà Lan không đề nghị thu hồi số tiền đã chuyển cho Bitexco. Công ty Phương Đông Hà Nội đang thực hiện các thủ tục pháp lý cuối cùng để xử lý nghĩa vụ của các bên nêu trên, bao gồm trách nhiệm trả gốc và lãi của gói trái phiếu và khoản vay.
HĐXX cho biết, liên quan đến khoản tiền 15.712 tỷ đồng giữa bà Lan và Bitexco, hiện C03 đã chuyển tài liệu, hồ sơ cho VKSND Tối cao để xem xét trách nhiệm dân sự, hình sự theo quy định của pháp luật. “HĐXX xét thấy liên quan đến dự án này còn nhiều tài liệu chưa được làm rõ, còn mâu thuẫn với lời khai của bị cáo Lan, nên chuyển cho C03 tiếp tục xác minh làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật”, bản án nêu.
Khu Công nghiệp và Khu dân cư tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, Long An
Dự án được UBND tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 1.800 ha. Kết quả điều tra xác định, ngày 1/8/2022, 100% cổ phần của Công ty Tân Thành Long An (thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đã ký kết chuyển nhượng cho bà Võ Thị Kim Khoa với giá 30.000 tỷ đồng. Toàn bộ quyền sở hữu điều hành công ty và quyền đầu tư xây dựng phát triển dự án sẽ được giao cho bên nhận chuyển nhượng. Bà Khoa đã chuyển tiền đặt cọc là 1.750 tỷ đồng và trở thành chủ sở hữu Công ty Tân Thành Long An.
Tại tòa, bị cáo Lan và phía bà Khoa thừa nhận có thỏa thuận chuyển nhượng dự án nói trên với giá 30.000 tỷ đồng, bà Khoa là người đại diện theo pháp luật của công ty. Giá trị chuyển nhượng của dự án đang thế chấp để đảm bảo cho nghĩa vụ 15.000 tỷ đồng của gói trái phiếu Tân Thành Long An, Vạn Trường Phát và gói trái phiếu Bông Sen 4.800 tỷ đồng.
Bị cáo Lan đồng ý điều chỉnh giá xuống còn 20.000 tỷ đồng. Giá trị này được khấu trừ đi nghĩa vụ trả nợ của hai gói trái phiếu 15.000 tỷ đồng, tiền đặt cọc và các nghĩa vụ tồn đọng khác (loại bỏ nghĩa vụ của gói trái phiếu Bông Sen). Bà Khoa phải chuyển 2.500 tỷ đồng cho bà Lan để khắc phục hậu quả vụ án ở giai đoạn hai này.
Trong đơn gửi tòa ngày 1/10, bà Khoa thống nhất điều chỉnh giá xuống còn 20.000 tỷ đồng, khấu trừ đi nghĩa vụ đối với gói trái phiếu 15.000 tỷ đồng, tiền đặt cọc và các nghĩa vụ tồn đọng khác. Bà Khoa chưa thống nhất được các nghĩa vụ tồn đọng khác của Công ty Tân Thành Long An nên chưa đồng ý chuyển số tiền 2.500 tỷ đồng cho bà Lan, và đề nghị thanh toán bằng tiền mặt hoặc sản phẩm tại dự án.
Theo HĐXX, sau khi xảy ra vụ án, các bên điều chỉnh giá từ 30.000 tỷ đồng xuống còn 20.000 tỷ đồng (do dự án bị UBND tỉnh Long An thu hồi một phần diện tích). Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá chuyển nhượng này không đúng theo tinh thần của dự thảo hợp đồng chung các bên ký kết ngày 11/8/2022. “Việc này, gây ảnh hưởng chung đến quyền bảo đảm liên quan đến việc phát hành các gói trái phiếu 19.800 tỷ đồng và thay đổi giá trị chuyển nhượng dự án so với thời điểm trước khi vụ án xảy ra”, tòa nêu.
Do đến nay hai bên chưa xác định được các nghĩa vụ tồn đọng theo thỏa thuận chung nên HĐXX chuyển cho C03 tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lý.
Tương tự, ngoài hai dự án này, việc chuyển nhượng dự án Khu đô thị Sing – Việt và một số tài sản khác, tòa cũng chuyển cho C03 tiếp tục xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện trạng khu dân cư lụp xụp, xuống cấp so với phối cảnh khu đô thị Sing – Việt. Ảnh: Đình Văn
Trong phạm vi giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát, tòa xác định bà Trương Mỹ Lan có vai trò chính cùng đồng phạm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt 30.000 tỷ đồng của 35.824 trái chủ thông qua việc sử dùng các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát phát hành trái phiếu.
Ngoài ra, các bị cáo còn có hành vi Rửa tiền – che giấu nguồn tiền có được do rút ruột SCB và một phần tiền từ phát hành trái phiếu, tổng cộng 445.747 tỷ đồng và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (4,5 tỷ USD – tương đương 106.730 tỷ đồng) thông qua các hợp đồng khống.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX xác định toàn bộ tiền chiếm đoạt 30.081 tỷ đồng từ hành vi phát hành trái phiếu đều được bà Lan sử dụng vào mục đích cá nhân, nên bà phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả. Tòa tiếp tục kê biên các tài sản của bà Lan và gia đình, có liên quan đến hành vi sai phạm, để đảm bảo cho việc thi hành án.
>> Mức án chi tiết của 34 bị cáo và hình phạt ở giai đoạn một vụ án
Hải Duyên