Xuất khẩu lao động về, không tìm được việc phù hợp, phải đi làm ở vựa mít để bảo tồn số vốn vì chưa biết đầu tư thế nào.
Hiện nay, tôi thấy nhiều người trẻ và gia đình đứng trước lựa chọn khó khăn giữa việc theo học đại học hay xuất khẩu lao động (XKLĐ). Mỗi con đường đều có những điểm mạnh và yếu riêng, và việc lựa chọn đường nào không chỉ phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình mà còn cả tầm nhìn xa hơn về tương lai.
Tôi có đứa em họ, năm nay tuổi đã gần 40, em thường hay nói là đang gặp vô định sau chục năm đi XKLĐ rồi về nước. Em tích lũy được số vốn tiền tỷ trong tay – một số tiền có lẽ em sẽ không bao giờ có được nếu đi làm công nhân trình độ cấp 3 trong nước. Vậy mà sau vài năm, em cũng chưa biết mình sẽ làm gì với số vốn này, vì nếu rủi ro, là sẽ mất trắng chục năm thanh xuân đánh đổi.
Thời gian qua, em đi làm cho một vựa mít ở gần nhà, lương mỗi ngày trên dưới 100 nghìn đồng nhưng “có còn hơn không”, đỡ phải xài phạm vào tiền vốn và tiền lãi gửi ngân hàng số tiền kia.
Có một quan điểm cho rằng, đi XKLĐ chỉ mang lại tiền bạc mà không mang lại nhiều giá trị khác. Những người lựa chọn con đường học đại học, mặc dù phải đầu tư nhiều tiền bạc và thời gian, thường có được một nền tảng kiến thức và tư duy rộng mở hơn. Điều này giúp họ có cơ hội phát triển sự nghiệp bền vững trong tương lai.
Thực tế, bằng đại học không chỉ là một tấm giấy chứng nhận mà là một quá trình trau dồi kiến thức, kỹ năng, và trải nghiệm, tất cả những điều này sẽ tạo nền móng vững chắc cho thành công lâu dài. Những ai học trái ngành, vẫn luôn có cơ hội để thay đổi con đường sự nghiệp thông qua việc học tập thêm hoặc thực tập không lương.
Cũng có một số người chọn con đường đi XKLĐ vì mục tiêu kiếm tiền nhanh chóng. Mặc dù lương XKLĐ tại nước ngoài có thể nói là cao sau khi quy đổi, nhưng điều này thường đến từ việc sống tiết kiệm và chênh lệch tỷ giá.
Điển hình như đi XKLĐ ở Nhật, tôi thấy một số người chia sẻ rằng họ từ chối những buổi tiệc tùng có thể giúp họ gửi về nhà thêm vài triệu đồng. Tuy nhiên, việc tiết kiệm này không bù đắp được những cơ hội phát triển khác bị đánh mất.
Câu hỏi đặt ra là sau khi kết thúc thời gian lao động ở nước ngoài, những người này sẽ làm gì khi trở về quê hương? Không ít người đã trở về mà không có nghề nghiệp ổn định, cầm trong tay số tiền lớn nhưng lại không sẵn sàng chấp nhận công việc có mức lương thấp hơn.
>> Cân nhắc xuất khẩu lao động thay học đại học làng nhàng
Rất nhiều người sau khi về nước, không tìm được công việc ưng ý vì đã quen với mức lương cao ở nước ngoài, và kết quả là họ lại phải tiếp tục đi XKLĐ. Điều này dẫn đến một vòng luẩn quẩn mà không ít gia đình phải đối mặt.
Thậm chí, họ có thể rơi vào tình trạng lông bông, không tìm được hướng đi rõ ràng. Tiền bạc có thể tiêu hết, nhưng kiến thức và kỹ năng sẽ luôn tồn tại và giúp họ phát triển lâu dài.
Nhìn chung, mỗi người có con đường riêng và sự lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh của mình. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có cái nhìn xa hơn. Ví dụ, thay vì tốt nghiệp cấp III xong là đi XKLĐ ngay, có thể học cao đẳng nghề trước, khi có một nghề nhất định, dễ ra nước ngoài làm việc hơn, thu nhập cao hơn. Rồi sau này, khi về nước, có thể xin vào các xí nghiệp, công ty đúng với ngành nghề của mình.
Minh Hoàng