Từng bước bỏ quy định về ngạch và cơ cấu ngạch công chức

Từng bước bỏ quy định về ngạch và cơ cấu ngạch công chức

Theo hồ sơ tài liệu thẩm định luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) mà Bộ Tư pháp vừa công bố, cơ quan chủ trì soạn thảo – Bộ Nội vụ – đề xuất đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo hướng lấy vị trí việc làm làm cơ sở để thực hiện công tác tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chế độ, chính sách.

Nội dung chính sách này bao gồm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về vị trí việc làm gắn với yêu cầu của ngành, lĩnh vực; từng bước bỏ quy định về ngạch và cơ cấu ngạch công chức; hoàn thiện cơ chế quản lý, sử dụng và trả lương đối với cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.

Nghiên cứu, bổ sung quy định cho phép cơ quan nhà nước được ký hợp đồng lao động đối với một số vị trí việc làm thực thi, thừa hành do công chức đảm nhiệm để tạo sự linh hoạt trong sử dụng nguồn nhân lực.

Từng bước bỏ quy định về ngạch và cơ cấu ngạch công chức- Ảnh 1.

Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)

Bộ Nội vụ cho rằng, việc thống nhất nguyên tắc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá công chức trên cơ sở vị trí việc làm sẽ giải quyết được bất cập hiện nay, đó là rất khó xác định thế nào là “kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế”.

Làm rõ tính khả thi của việc bỏ ngạch công chức

Tại phiên họp thẩm định, đại diện Bộ Tài chính đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình thêm tác động đến ngân sách đối với các nội dung tại dự thảo, bao gồm việc cho phép cơ quan nhà nước được ký hợp đồng lao động đối với một số vị trí việc làm, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức và một số chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức mất việc làm.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cũng đề nghị làm rõ cách thức xác định vị trí việc làm; tính khả thi, lộ trình thực hiện bỏ quy định về ngạch và cơ cấu ngạch công chức; tiêu chí xác định thứ bậc, trình độ nghiệp vụ, chuyên môn nếu bỏ ngạch công chức; các trường hợp cơ quan nhà nước được ký hợp đồng lao động…

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho rằng, dự thảo chỉ nên quy định những nội dung mang tính khung, nguyên tắc, thuộc thẩm quyền Quốc hội. Những nội dung mang tính biến động thì giao cho Chính phủ, Thủ tướng, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành và kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác cán bộ trong từng thời kỳ.

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động chính sách trên 5 phương diện: kinh tế, xã hội, giới, thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật; có thể lập thành bảng biểu để tính toán chi phí, lợi ích của từng giải pháp đề xuất…