Bà nội của cháu tôi mất, tài sản chia cho các con theo quy định của pháp luật. Bố cháu là con ruột của bà, nhưng sau khi đi lao động nước ngoài cách đây hơn chục năm đã biệt tích, không liên hệ gì với gia đình.
Vậy cháu của tôi có được hưởng phần di sản mà bố được hưởng thừa kế của bà nội cháu hay không?
Trả lời
Thừa kế theo pháp luật, theo Điều 649 Bộ luật Dân sự năm 2015, “là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định”.
Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp không có di chúc, di chúc không hợp pháp, những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản không được định đoạt trong di chúc; phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật; phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Khoản 1 Điều 651 của Bộ luật này quy định những người thừa kế theo pháp luật theo thứ tự sau đây:
“a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại”.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Theo khoản 3 của Điều này, “những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.
Tóm lại, cháu thuộc hàng thừa kế thứ ba của bà nội. Cho nên, cháu chỉ được thừa kế theo pháp luật nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước (bao gồm hàng thừa kế thứ nhất và hàng thừa kế thứ hai) do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Di sản của bà nội cháu đã được chia cho các con. Điều đó đồng nghĩa, hàng thừa kế thứ ba, trong đó có cháu không được nhận di sản thừa kế của bà nội.
Thông tin của bạn cho thấy bố cháu đi lao động nước ngoài cách đây hơn chục năm đã biệt tích, không liên hệ gì với gia đình. Trường hợp bố cháu được tuyên bố đã chết, về nguyên tắc cháu được hưởng thừa kế kế vị.
Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.
Theo khoản 1 Điều 71 của Bộ luật này, người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp sau đây:
“a) Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
b) Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
c) Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
d) Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật này”.
Tòa án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết. Quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố là đã chết để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Cụ thể, theo Điều 652 của Bộ luật này, “trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.
Thu Hường
Vũ Thị Thanh Tú