Trung tướng Phạm Huy Tập, Chính ủy Bộ đội Biên phòng (2012).
Quê ông đã nghèo, gặp hai trận lụt ấy, lại càng nghèo xác xơ. Nhà ông cũng như trăm ngàn gia đình khác trong vùng, nghèo như không thể nghèo hơn. Người dân ở vùng quê này thường truyền miệng nhau câu ngạn ngữ: “Oai oái như Phủ Khoái… xin ăn!”, để nhắc con cháu mai sau hãy luôn nhớ lấy mà phấn đấu vươn lên.
“Đất nghèo nuôi chí anh hùng!”. Cái nghèo của quê hương ông là thế, nhưng đây là một vùng giàu truyền thống yêu nước, chí khí quật cường. Hưng Yên quê ông từ lâu còn được vinh danh là vùng đất giàu tình người, một miền quê nghèo nhưng nhân dân rất hiếu học, sống ngay thẳng và cương trực. Trong suốt quá trình lịch sử của dân tộc, thời kỳ nào Hưng Yên cũng xuất hiện những bậc đại danh: Phạm Ngũ Lão, danh tướng thời Trần; Nguyễn Thiện Thuật, thủ lĩnh của Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, cuối thế kỷ 19. Đặc biệt, trong thời đại Hồ Chí Minh đã sản sinh ra những người con ưu tú như Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam; Nguyễn Lương Bằng, Phó Chủ tịch nước và nhiều vị tướng nổi tiếng của Quân đội nhân dân Việt Nam, như: Đại tướng Nguyễn Quyết, các Thượng tướng: Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Trọng Xuyên, Hoàng Minh Thảo.
Gia đình của Trung tướng Phạm Huy Tập cũng hòa vào dòng chảy chung của “thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Năm 1953, ông nội ông mất sớm, bà nội ở vậy nuôi 4 người con trong cảnh đói nghèo. Hoàn cảnh gia đình bên ngoại ông cũng tương tự. Năm 1964, ông ngoại mất khi đang còn trẻ. Bà ngoại ở vậy nuôi 10 người con trong cảnh thiếu trước, hụt sau. Khi miền Bắc được giải phóng, năm 1955, cụ thân sinh ra ông được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính của xã, đến năm 1960 được kết nạp Đảng và năm 1962 đi bộ đội. Năm 1988, cụ thân sinh ra ông nghỉ hưu với quân hàm Trung tá và chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Cơ yếu Quân đội. Người mẹ thân yêu của ông trong kháng chiến tham gia du kích, hội phụ nữ. Hòa bình lập lại, bà là Chủ nhiệm hợp tác xã, rồi làm Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Ninh cho đến năm 1989 thì nghỉ hưu.
Ông có 2 người chú và 4 người cậu đều tham gia quân đội, trong đó có 2 người là liệt sĩ, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Các cụ thân sinh ra ông có 5 người con (4 trai, 1 gái). Ông là con đầu. Những năm 80 của thế kỷ XX, gia đình ông, bốn bố con đều là bộ đội. Sau này, 2 em trai ông chuyển ngành. Em kế ông là Bí thư Đảng ủy – Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ (mất năm 2012); em thứ 3 hiện nay là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Gia đình ông, 3 thế hệ với hàng chục người tham gia Quân đội, một hình mẫu của Việt Nam thời kỳ oanh liệt hào hùng, nhà nhà, người người đều lên đường tòng quân giết giặc! Ngay cả bên vợ ông có 6 người (bố mẹ và 4 chị em gái) cũng có 2 người là bộ đội Cụ Hồ. Đặc biệt, cụ thân sinh ra vợ ông, sau cả chục năm tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ và chiến trường miền Nam, năm 1973 mới được ra Bắc. Ông là Đại tá, Phó cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tuổi thơ, cho đến khi học hết phổ thông, ông phải nếm trải biết bao khó khăn vất vả. Bố biền biệt đi xa. Mẹ bận công tác địa phương. Nhà nghèo, đông anh em lại là con cả trong gia đình, hằng ngày ông vừa đi học vừa tham gia công việc đồng áng, chung sức với mẹ chăm lo cuộc sống gia đình và nuôi dạy các em. Thuở cắp sách đến trường gian khổ nhọc nhằn là thế, nhưng ông là một học sinh vừa chăm ngoan, vừa học giỏi; là Liên đội trưởng Thiếu niên của trường cấp 1, cấp 2 và liên tục là lớp trưởng từ lớp 1 đến lớp 10. Năm 1969, khi đó ông đang là học sinh lớp 6, được nhà trường cử đi dự Đại hội cháu ngoan Bác Hồ của tỉnh Hải Hưng, trong đoàn cùng đi có một bạn nữ là học sinh lớp 4 (nhà ở Hà Nội, theo mẹ sơ tán về học ở quê ông). Bạn nữ ấy gặp lại ông trong những lần cùng đi thi học sinh giỏi, biết ông là con nhà bộ đội, nên đã dõi theo từng bước ông đi, từ trường phổ thông đến đại học, để rồi nhớ và yêu ông say đắm. Bạn nữ sinh thuở ấy chính là bà Lại Thị Kim Lan, vợ của ông bây giờ…
Ngoài việc học tập và giúp đỡ gia đình, tham gia lao động sản xuất ở địa phương, ông còn có một sở thích khác, đó là rất say mê đá bóng và chơi “đánh trận giả” với bạn bè cùng trang lứa. Nhiều lúc mải mê quá, ông hay bị bố mẹ la mắng, có lần còn bị thầy giáo phạt. Sau mỗi lần như vậy, ông cảm thấy có lỗi, lại càng cố gắng học tập tốt hơn, không để gia đình và thầy cô phải buồn lòng.
Những năm học phổ thông, nhất là khi vào học cấp 3, hoàn cảnh gia đình ông càng lúc càng khó khăn (ăn, mặc, học phí đều thiếu), nhiều khi nhìn bạn bè ông lại thấy tủi thân, tưởng chừng không thể vượt qua được. Có hôm bụng đói, trời rét, đi bộ 7, 8 km mới tới trường, chân ông như muốn khuỵu xuống giữa đường. Năm học 1972-1973, khi đang học lớp 9, ông đã làm hồ sơ đi học nghề ở Cộng hòa dân chủ Đức (thời kỳ đó, được đi Đức là niềm ao ước của nhiều người). Gần đến ngày lên đường sang nước bạn học tập, ông quyết định thay đổi và ở lại học cho xong cấp 3. Cả gia đình ủng hộ quyết định này, mọi người động viên ông tiếp tục học hành, phấn đấu để vào đại học. Năm 1974, tốt nghiệp cấp 3 (lớp 10/10), ông có giấy báo vào học tại Trường Công an Trung ương (sau này là Trường Sĩ quan An ninh và bây giờ là Học viện An ninh nhân dân – Bộ Công an). Cầm giấy báo đi học, ông sung sướng tự nhủ: Vậy là, “cái nghiệp” đã “chọn” và “giao” nghề cho ông, một người con hiếu học của vùng đất nghèo Khoái Châu, Hưng Yên!
Năm năm học tại Trường Sĩ quan An ninh nhân dân, ông luôn là học viên nghiêm túc, chịu khó học tập, rèn luyện, thi đua cùng bạn bè, tham gia nhiều hoạt động của lớp, của khóa và của trường, nhất là các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao. Ông là thành viên đội bóng chuyền của khóa và là cầu thủ trong đội bóng đá của trường. Bạn bè cùng khóa vẫn còn nhớ đến ông – một người vừa học khá, vừa cởi mở, gần gũi với thầy, cô và mọi người trong lớp. Nhưng một lần nữa, bất ngờ mới lại đến với ông: Cùng với 4 đồng chí khác sau khi tốt nghiệp, ông được phân công về Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang (sau này là Trường Sĩ quan Biên phòng – Học viện Biên phòng ngày nay) nhận công tác. Bốn tháng sau, ông lại được Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng ngày nay) điều về công tác ở Cục Trinh sát Công an nhân dân vũ trang (Cục Trinh sát Bộ đội Biên phòng ngày nay). Có lẽ đây là cái duyên với lực lượng Bộ đội Biên phòng mà sau này ông gắn bó suốt đời. Bởi vì, vào thời điểm đó, về nhận công tác ở lực lượng Công an nhân dân vũ trang là điều ông chưa hề nghĩ đến. Ông chấp nhận sự phân công của tổ chức như là sự “sắp đặt” trước của số phận. Trong số những người được điều động về Trường Sĩ quan Biên phòng nhận công tác, chỉ duy nhất mình ông được chọn về công tác tại cơ quan Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang vì đã được đào tạo chuyên ngành An ninh điều tra.
Về Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang được ít ngày, ông cùng với anh em, đồng đội (tổng số mười bốn đồng chí từ Học viện An ninh điều về lực lượng Công an nhân dân vũ trang, có mười ba người là chiến sĩ công an nhân dân vũ trang được cử đi học, một mình ông là học sinh phổ thông) khoác ba lô lên biên giới phía Bắc. Ông được điều về công tác ở Đồn Biên phòng Lũng Cú, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Hà Tuyên (nay là Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang). Đầu năm 1980, ông được điều về công tác ở Phòng Trinh sát Việt – Trung, Cục Trinh sát Biên phòng. Tháng 8/1982, cấp trên cử ông đi học lớp Điệp báo Chiến lược ở Học viện Khoa học Quân sự (lúc ấy là Học viện T.500, Tổng cục II, Bộ Quốc phòng). Đến tháng 8/1985, ra trường, ông lại trở về công tác ở Cục Trinh sát, làm trợ lý Phòng Tình báo. Do yêu cầu nhiệm vụ, từ tháng 10/1986 đến tháng 3/1990, ông về công tác ở các Đội Điệp báo Chiến dịch tại tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng, là Đội phó, Đội trưởng, rồi Phó phòng Tình báo, Cục Trinh sát (năm 1988). Giữa năm 1990, ông được điều sang làm Phó phòng Tham mưu Tổng hợp, rồi quyền Trưởng phòng và Trưởng phòng vào năm 1992.
Trong khoảng từ năm 1993 đến đầu năm 1997, ông vừa làm vừa được cử đi học tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Tháng 7/1995, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó Cục trưởng Cục Trinh sát, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Tháng 3/1997, ông được bổ nhiệm làm Phó Chi huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk. Tháng 8/1998, ông đi học khóa đào tạo Chỉ huy Tham mưu cao cấp Binh chủng hợp thành (khóa 17), tại Học viện Quốc phòng, Bộ Quốc phòng. Chuẩn bị tốt nghiệp, Học viện Quốc phòng giao cho ông thực hiện một đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn quân sự, đó là “Nhân tố khách quan và chủ quan trong xây dựng nền tảng chính trị của Quân đội nhân dân ở các xã, phường biên giới và hải đảo”. Khi bảo vệ tốt nghiệp, ông đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá vào loại xuất sắc.
Tốt nghiệp Học viện Quốc phòng, tháng 8/2000, ông được bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục Trinh sát, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Tháng 9/2003, ông được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng. Ông tham gia Thành ủy Đà Nẵng hai khóa (nhiệm kỳ 18 và 19, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố). Từ tháng 8/2008 đến tháng 8/2009, ông tiếp tục đi học lớp chiến dịch – Chiến lược, khóa 4 tại Học viện Quốc phòng. Ông được phong quân hàm Đại tá năm 2002. Tháng 8/2009, ông được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và được phong quân hàm Thiếu tướng. Tháng 4/2012, ông được bổ nhiệm giữ chức Chính ủy Bộ đội Biên phòng và được bầu làm Bí thư Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (tháng 5/2012). Tháng 10/2013, được phong quân hàm Trung tướng.
Tôi là người may mắn được Trung tướng Phạm Huy Tập tiếp chuyện ngay tại phòng làm việc của ông. Hầu như ngày nào ông cũng bận rộn, kể cả ngày nghỉ cuối tuần. Hi hữu lắm ông mới có chút rảnh rỗi để trò chuyện với người cầm bút. Tâm sự với tôi, ông nói chầm chậm: Dù đi đâu và được phân công làm bất cứ việc gì, ông đều chấp hành nghiêm túc, không kêu ca, phàn nàn và đã làm là hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, từ công tác ở cơ quan đến đơn vị cơ sở. So với bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp cùng lứa, cùng thời, ông là người đi nhiều và trải qua nhiều cương vị, trên các địa bàn khó khăn, gian khổ, từ biên giới phía Bắc đến miền Trung, Tây Nguyên.
Ông tâm sự: “Chiến tranh đã qua đi, mình được ăn học và lớn lên trong chế độ mới, được hưởng hòa bình, độc lập; bao nhiêu gian khó, hiểm nguy… các bậc tiền bối và những thế hệ đàn anh đi trước, trong đó có cả ông, cha của mình đã phải chịu đựng, hy sinh để có ngày hôm nay”. Vì thế, ông tự nhủ, phải luôn học tập, rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu để có thể tham gia chiến đấu, công tác và làm nhiều việc tốt, có ích cho dân, cho nước, góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; làm cho người dân biên giới ngày càng giàu lên, vùng biên giới ngày càng vững mạnh; khu vực biên giới và vùng biển ngày càng yên bình; biên giới quốc gia luôn hòa bình, ổn định và phát triển.
Hơn 40 năm chiến đấu, học tập và công tác, ông có 14 năm học qua các học viện, nhà trường. Đó là những học viện lớn của quốc gia, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Mỗi lần học xong một học viện là mỗi lần ông được giao nhiệm vụ đi “tiên phong” đến những nơi khó khăn của đất nước. Học xong Học viện An ninh, ông được điều lên nhận công tác ở Đồn Biên phòng Lũng Cú, tỉnh Hà Giang, cực Bắc của biên cương Tổ quốc. Ban ngày xuống bản làm quen với đồng bào các dân tộc, đêm đến đi trinh sát đường biên, nắm địa bàn, tối ngủ có lúc nghe rõ từng tiếng nổ của đạn pháo, mìn và lựu đạn. Những ngày tháng ấy, ông được đồng bào các dân tộc ở Lũng Cú chăm sóc, nuôi nấng, che chở, giúp đỡ tận tình; tình cảm quân dân vô cùng gần gũi. Ông còn nhớ, hồi ấy, ông được cấp trên giao trực tiếp khai thác ba đối tượng gián điệp là người nước ngoài. Ông là người viết tổng kết Chuyên án PL92 (một chuyên án lớn sau chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979). Từ một cán bộ trinh sát mới ra trường, sau những ngày tháng lăn lộn ở địa bàn Lũng Cú, ông đã trưởng thành, làm Đội phó rồi Đội trưởng hai đơn vị trinh sát hoạt động ở biên giới phía Bắc (gồm 2 tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng), kéo dài suốt từ năm 1986 đến năm 1990. Doanh trại không có, anh em phải ở nhờ nhà dân, nhà kho của hợp tác xã, thiếu củi, thiếu nước…; vừa làm nhiệm vụ, vừa phải “bám đồng”, “bám suối”, “bám rừng”… lo ăn từng ngày. Bà con dân tộc thiểu số ở các xã biên giới đã đùm bọc, giúp đỡ bộ đội từ mớ rau, con cá, lạng muối, nhưng đẫm đầy tình đồng đội, tình quân – dân. Chính trong thời gian khó khăn, gian khổ ấy, ông vừa là người tham mưu đề xuất với cấp trên, vừa cùng anh em trong đội quyết tâm xây dựng được hàng chục cộng tác viên, cơ sở bí mật có chất lượng, vừa sâu, vừa rộng, đủ mọi thành phần, nắm được nhiều tin tức, tình hình, phục vụ lãnh đạo, chỉ huy để có chủ trương, biện pháp đối phó kịp thời; giữ vững chủ quyền, an ninh trật tự; góp phần làm giảm căng thẳng trong quan hệ hai bên biên giới, hạn chế thương vong cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; phục vụ cho công tác nghiệp vụ của lực lượng. Đó là những năm sôi động và hoạt động có hiệu quả nhất của công tác điệp báo trong Bộ đội Biên phòng. Thời kỳ đó, ông còn là người trực tiếp tham gia biên soạn, xây dựng chương trình và huấn luyện nghiệp vụ cho hàng trăm cán bộ, góp phần xây dựng lực lượng trinh sát của Bộ đội Biên phòng ngày càng tinh nhuệ, thiện chiến.
Từ năm 1990 đến 1995, làm Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp, Cục Trinh sát, ông đã cùng tập thể cấp ủy xây dựng phòng từ một đơn vị trung bình khá trở thành đơn vị mẫu mực, 5 năm liền là đơn vị quyết thắng; cung cấp được nhiều thông tin, tư liệu, tài liệu quý phục vụ lãnh đạo, chỉ huy của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh và chỉ huy Cục Trinh sát. Cũng trong thời gian này, ông viết nhiều bài đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Khoa học Công an; trực tiếp nghiên cứu, viết đề tài khoa học cấp Bộ Tư lệnh “Bộ đội Biên phòng với nhiệm vụ phòng, chống “Diễn biến hòa bình” trên các tuyến biên giới và vùng biển”. Đây cũng là nội dung chính trong luận văn tốt nghiệp của ông tại Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, tháng 12/1996.
Đầu năm 1997, vào tỉnh Đắk Lắk, là địa bàn xa xôi, có rất nhiều khó khăn, nhưng cũng đầy sự cảm thông, chia sẻ. Cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh luôn được cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc tin yêu, ghi nhận, đánh giá cao và quan tâm đặc biệt, nhất là đối với phong trào kết nghĩa, đỡ đầu hướng về biên giới và thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”. Lần đầu tiên, sau 22 năm, kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong tổng kết phong trào “Thi đua Quyết thắng”, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk được nhận cờ thi đua xuất sắc của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Đó là kỷ niệm ở vùng đất Tây Nguyên mà ông không bao giờ quên được. Năm 2000, ông về lại Cục Trinh sát Bộ đội Biên phòng, với cương vị Cục trưởng, Bí thư Đảng ủy Cục, tham gia Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng.
Cũng năm đó, Cục Trinh sát của ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ đổi mới, vì đạt được nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong phòng, chống bọn phản động lưu vong xâm nhập, hoạt động tình báo, gián điệp và các loại tội phạm khác; đấu tranh có hiệu quả hàng chục chuyên án, vụ án lớn xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, góp phần giữ vững chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.
Năm 2003, vào thành phố Đà Nẵng, mảnh đất miền Trung đầy bão tố, nhiều nắng, nhiều mưa, là một trong bốn vùng biển trọng điểm của cả nước, với cương vị Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng thành phố này. Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, các lực lượng vũ trang trên địa bàn phải quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển trong mọi tình huống, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, để phát triển kinh tế và bảo vệ ngư dân, ông đã cùng tập thể Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và cán bộ, chiến sĩ ngày đêm trăn trở, suy nghĩ, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, xây dựng phương án, kế hoạch, phối hợp các lực lượng và nhân dân quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Điều in đậm trong tâm trí của ông những năm tháng ở Đà Nẵng đó là, phải liên tục lãnh đạo, chỉ huy, chỉ đạo, huy động cán bộ, chiến sĩ cùng với Đảng bộ, nhân dân, các cấp, các ngành, các lực lượng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phòng, chống các cơn bão lớn, gây thiệt hại nặng nề tới tính mạng, tài sản của nhân dân vùng biển này; đặc biệt là cơn bão Chanchu xảy ra vào tháng 5/2005, làm chết và mất tích hàng trăm ngư dân, làm chìm và hư hỏng hàng ngàn tàu, thuyền của ngư dân ven biển. Mỗi lần rút kinh nghiệm, ông thường nói với cán bộ, chiến sĩ, mình làm được gì thì nói đấy, nói vừa phải thôi, bởi vì bộ đội dù có vất vả, gian khó bao nhiêu cũng không thể so sánh với những thiệt hại, tổn thất mà người dân vùng biển phải chịu đựng.
Không chỉ có phòng, chống thiên tai, Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng còn là đơn vị đầu tiên của lực lượng Bộ đội Biên phòng tham gia hoạt động dài ngày ở những vùng biển xa, để bảo vệ các hoạt động khảo sát, thăm dò dầu khí trong vùng thềm lục địa của Việt Nam. Đặc biệt, Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng còn là đơn vị đầu tiên tham gia vận động, huy động được hàng trăm ngư dân, với hàng chục tàu thuyền, phối hợp với Bộ đội Hải quân, tổ chức đấu tranh quốc phòng trên biển, ngăn chặn các hoạt động xâm phạm, khai thác hải sản, thăm dò dầu khí trên vùng thềm lục địa của Việt Nam… Từ những hoạt động chỉ đạo thực tiễn này, ông đã ấp ủ một ý tưởng: Tự mình tổng kết, viết thành đề tài khoa học “Bộ đội Biên phòng tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền và đấu tranh quốc phòng trên vùng biển miền Trung” và đây cũng chính là luận văn báo cáo tốt nghiệp của ông khi về học Khóa 4, đào tạo cán bộ cấp Chiến dịch – Chiến lược tại Học viện Quốc phòng năm 2008-2009.
Ngày 28/4/2012, ông được bổ nhiệm là Chính ủy, và tháng 5 năm đó, ông được bầu là Bí thư Đảng ủy Bộ đội Biên phòng. Ngay sau khi nhận bàn giao chức trách, nhiệm vụ, ông đã nhanh chóng hòa nhập với công việc mới. Ông bắt đầu “thử sức” trên cương vị chủ trì, cùng tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng trong Bộ đội Biên phòng tiến hành đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI), “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Công việc Bí thư Đảng ủy với ông tuy mới, nhưng ông rất lạc quan, tự tin, xác định rõ trách nhiệm chính trị. Trước hết, ông cùng với tập thể Đảng ủy, Ban Thường vụ, nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; phát huy vai trò của các cơ quan chức năng; động viên, khích lệ, tranh thủ kinh nghiệm của các cán bộ có năng lực, tâm huyết để chỉ đạo tốt công tác chuẩn bị tổ chức hội nghị quán triệt Nghị quyết ở các đơn vị cơ quan Bộ Tư lệnh và các tổ chức đảng trực thuộc, đồng thời quan hệ chặt chẽ với các Tỉnh ủy, Thành ủy có biên giới, biển, đảo để chỉ đạo các đơn vị Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố và tuyến cơ sở, tổ chức thành công các hội nghị quán triệt Nghị quyết.
Việc tiến hành chuẩn bị cho hội nghị đang ở vào giai đoạn quan trọng thì người đồng nghiệp gần gũi của ông là Thiếu tướng Vũ Hiệp Bình, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng, lâm bệnh nặng phải nằm viện. Và người em trai yêu quý của ông mất vì bệnh hiểm nghèo. Đây là thời khắc mà bản lĩnh của người cán bộ, tình cảm và trách nhiệm với đồng đội, đạo lý của người anh ở ông đòi hỏi cao nhất. Và ông đã “trọn việc chung, vẹn việc riêng”. Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng được Thường vụ Quân ủy Trung ương đánh giá là một trong những Đảng ủy trực thuộc thể hiện nghiêm túc, chặt chẽ, dân chủ, đoàn kết, cầu thị, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Ông tâm sự, đây là dịp để tự kiểm định”, giúp ông tiếp tục hoàn thiện mình trên cương vị Bí thư Đảng ủy Bộ đội Biên phòng.
Ông học qua nhiều trường và nhiều lớp, từ chương trình học phổ thông đến các khóa đào tạo cán bộ cấp cao. Ông có nhiều bạn bè, đồng môn, đồng nghiệp. Ông gần gũi, yêu quý các bạn cùng học phổ thông đến tận bây giờ. Ông vẫn sống mẫu mực và tham gia các Ban liên lạc, để có dịp thường xuyên gặp nhau, ôn lại những kỷ niệm về tuổi thơ, tuổi học trò, về quê hương của mình. Những năm sau này được đi học, khi đã có cương vị công tác, ông vẫn là người học giỏi, nghiêm túc và tư cách tốt. Bạn bè hiểu và tin ông, tôn trọng và ủng hộ ông, giúp ông rất nhiều trong công việc; động viên, chia sẻ với ông những lúc gặp khó khăn để ông vượt qua, vui sống và vươn lên… Có lẽ, cũng giống như bao đồng đội, bạn bè, ông có nhiều kỷ niệm và tình cảm nhất dành cho các bạn những năm học đại học. Khóa đại học của ông lúc ấy là khóa đông nhất của Học viện An ninh nhân dân từ trước đến nay, vào trường khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn cuối cùng. Là sinh viên, ông được chứng kiến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối. Khóa học của ông được đi dự mít tinh mừng ngày toàn thắng ở Quảng trường Ba Đình; tham gia lễ hội chào mừng thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV tại sân vận động Hàng Đẫy, Hà Nội; thực tập tốt nghiệp tại các tỉnh phía Nam khi diễn ra chiến tranh biên giới Tây Nam và ra trường sau chiến tranh biên giới phía Bắc. Nói về Khóa D6, Học viện An ninh nhân dân của ông, các thế hệ lãnh đạo, các thầy cô giáo, học viên đều phải thừa nhận đó là một tập thể đoàn kết, nghĩa tình, có nhiều nét nổi bật, đột phá và thành đạt. Khóa học của ông đã có 30 Thiếu tướng và 12 Trung tướng đã và đang công tác, nhưng vẫn coi nhau như ngày còn trẻ, sống với nhau vẫn cởi mở, chân thành. Hằng năm, ông và bạn bè vẫn định kỳ gặp nhau để được sống lại thời sinh viên của 40-41 năm về trước.
Từ ngày ông tốt nghiệp đại học, về công tác ở lực lượng Bộ đội Biên phòng, đến nay, đã là 36 năm. Ông đi nhiều nơi, công tác ở nhiều đơn vị trên các tuyến biên giới; cả rừng và biển, từ người lính đến khi trở thành một vị Tướng; trải qua nhiều cương vị khác nhau, ở đâu ông cũng đóng góp cho sự nghiệp chung, cũng như kết quả hoàn thành nhiệm vụ của từng đơn vị. Giống như Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Bộ đội Biên phòng hiện nay, ông cũng là người gắn bó và có thời gian công tác lâu trong ngành Trinh sát Biên phòng. Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng biết đến ông; bạn bè, đồng đội nhắc đến ông, đều bảo rằng: Ông kiên trì phấn đấu, trưởng thành, rồi trở thành Chính ủy của lực lượng Bộ đội Biên phòng từ một cán bộ trinh sát chuyên nghiệp và được đào tạo cơ bản trên cả ba lĩnh vực: Phản gián, tình báo và điều tra tội phạm.
Ông say mê với nghề, hiểu nghề và hiểu người. Ông đã từng công tác ở hầu hết các phòng, ban, đội của Cục Trình sát; từ làm trinh sát viên, trợ lý cơ quan, cán bộ huấn luyện, nghiên cứu tổng hợp, đến cán bộ lãnh đạo phòng và sau này là người lãnh đạo, chỉ huy cao nhất của lực lượng Trinh sát Biên phòng (Cục trưởng, Bí thư Đảng ủy Cục rồi Phó Tư lệnh phụ trách công tác Trinh sát). Ông luôn biết ơn các thế hệ lãnh đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, lãnh đạo Cục Trinh sát và các thế hệ đàn anh đi trước đã sớm phát hiện, giao việc, chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng; tận tình hướng dẫn, chỉ bảo; tạo điều kiện cho ông làm việc và trưởng thành. Ông cảm ơn những người đồng chí, đồng đội của ông; dù lớn tuổi hơn hay còn ít tuổi, dù công tác ở phòng, ban, cụm, đội, bộ phận nào, cán bộ cũng như chiến sĩ, lúc thuận lợi cũng như khi khó khăn đều yêu mến, tin tưởng ông, cộng tác, chia sẻ với ông cả trong công việc và đời sống riêng, đồng thời tạo điều kiện cho ông thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự các tuyến biên giới và vùng biển, đảo của Tổ quốc trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào; góp phần làm cho lực lượng Trinh sát Biên phòng ngày càng được củng cố, lớn mạnh, trở thành một bộ phận trọng yếu, có vị trí, có tiếng nói không thể thiếu của Bộ đội Biên phòng trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Những người đã từng sống với ông, ai cũng cảm thấy được gần gũi, tôn trọng, được phát huy năng lực của mình, được quan tâm chu đáo bởi phong cách làm việc, cách ứng xử và sự nêu gương của ông trong công tác cũng như trong sinh hoạt hằng ngày. Có thể nói, từ tình yêu và sự say mê với nghề, từ trong gian khó vất vả của nghề trinh sát, từ truyền thống đoàn kết gắn bó, hiểu biết tôn trọng lẫn nhau, từ tình yêu thương đồng chí, đồng đội, thủy chung sau trước… đã tạo nền tảng và chắp cánh cho ông theo đuổi và thực hiện ước mơ muốn được cống hiến thật nhiều cho Tổ quốc và nhân dân; sống xứng đáng với những tình cảm tốt đẹp và niềm tin yêu của mọi người dành cho ông.
Được bổ nhiệm giữ chức Phó Tư lệnh, rồi Chính ủy Bộ đội Biên phòng và được thăng quân hàm Thiếu tướng, Trung tướng, với cương vị Bí thư Đảng ủy, ông đã cùng với tập thể Thường vụ, Đảng ủy, thủ trưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp, đúng đắn, có hiệu quả về xây dựng và quản lý, bảo vệ biên giới, vùng biển, đảo; lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng Bộ đội Biên phòng thực hiện tốt nhiệm vụ công tác biên phòng và xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng ngày càng vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng giàu mạnh.
Nói về gia đình mình, ông cho biết, gia đình ông có những thời điểm cực kỳ khó khăn. Vừa phải lo việc nhà, nhưng ông vẫn yên tâm công tác và chưa bao giờ than vãn điều gì. Căn hộ chung cư tầng 5, ở khu tập thể Quân đội, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, là nơi ông và gia đình cùng với bố mẹ vợ, đã và đang sống trên 30 năm nay. Suốt những năm 80 và đầu 90 của thế kỷ trước, cùng hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước, ngoài công việc cơ quan, vợ chồng ông cũng xoay xở đủ nghề. Sau giờ làm việc buổi chiều, ông đi làm thuê cho bạn (được trả công chỉ với 4.000 đồng mỗi buổi tối). Vợ ông, vừa chăm hai con nhỏ, vừa chăn nuôi thêm gà giống… May mắn thay, vợ ông lại là bác sĩ thú y. Ngày ấy, bà công tác ở Trung tâm nghiên cứu gia cầm. Những ngày tháng đó, nhờ có “nghề phụ” nuôi gà con giống, mà vợ chồng ông vừa lo trang trải cuộc sống hằng ngày, vừa có phần tích lũy mua sắm các đồ dùng thiết yếu trong gia đình. Tuy khó khăn, nhưng ông vẫn sống vui vẻ và bằng lòng với những gì mình đang có, chấp nhận thử thách, chấp nhận khó khăn để tìm cách vượt qua. Bằng bàn tay lao động và nghị lực của mình, gia đình ông đã từng bước ổn định, vươn lên từng ngày. Cho đến hôm nay, ông vẫn luôn tự hào về gia đình, một cuộc sống yên ấm và hạnh phúc.
Nhiều lần, khi chia sẻ với bạn bè, ông thường nói, bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ của người lính biên phòng, vế thứ hai trong cuộc đời, đó là chăm sóc bố mẹ hai bên nội, ngoại và nuôi dạy hai con khôn lớn. Tài sản quý giá nhất của gia đình ông chính là hai người con mà ông vô cùng yêu quý. Đúng như người ta nói: “Con cái là tài sản của bố mẹ, bố mẹ là sự nghiệp của con cái”. Các con ông rất ngoan, học giỏi, kín đáo và khiêm tốn. Cả hai đều thi đỗ vào các trường có tiếng của Hà Nội, như Trường phổ thông cơ sở Nguyễn Trường Tộ và Trường Trung học Hà Nội-Amsterdam. Con trai lớn của ông, sau khi tốt nghiệp đại học, đã hoàn thành chương trình Thạc sĩ khoa học tại Vương quốc Anh. Hiện nay đang là nghiên cứu sinh, giảng viên của Trường Đại học Bách khoa, Hà Nội. Con gái cưng của ông, cũng đi du học ở nước ngoài từ cuối năm lớp 11 và đã tốt nghiệp đại học. Cháu đang thực hiện tiếp mơ ước của mình là học cao học, sau này về nước làm việc, báo đáp ơn nghĩa với đất nước và gia đình. Ông đã có cháu nội đích tôn, với mong muốn, cháu sẽ nối nghiệp ông cha, giữ gìn và phát huy truyền thống, gia phong của tổ tiên vì vậy đã đặt tên cho cháu là Phạm Gia Phong.
Kể về người bạn đời của mình, ông tâm sự: Suốt đời ông luôn thương yêu và kính trọng bà. Theo ông, toàn bộ sự thành đạt của bản thân ông và hạnh phúc gia đình đều có ảnh hưởng, có công sức rất lớn của người vợ. Bà là một người con gái ngoan, hiền của một gia đình gia giáo, người mà ông đã đem lòng yêu đầu tiên và cũng là người cùng ông đi đến tận cùng của hạnh phúc. Vợ ông có đủ các phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam: Công, dung, ngôn, hạnh. Bà vừa làm tốt công tác xã hội, lại vừa đảm đang việc nhà. Những bổn phận của một người cán bộ chuyên môn ở cơ quan, đến công việc làm dâu, con, làm vợ, làm mẹ; là người chị cả, con dâu trưởng trong gia đình, vợ ông đều chu toàn. Bà đã thay ông chăm lo mọi việc trong gia đình khi ông vắng nhà. Từ nuôi dạy con cái, chăm sóc bố mẹ già, lo toan cuộc sống hằng ngày, đến những công việc đáng lẽ do người đàn ông lo toan, như lắp đặt điện, nước, sửa chữa nhà cửa…. đều một mình bà gánh vác. Bao khó khăn vất vả nhưng bà không hề phàn nàn hay trách móc. Bà đã hết lòng vì chồng, vì con, không ham danh vọng, địa vị, tiền bạc; chỉ mong sao chồng mình luôn mạnh khỏe, yên tâm công tác. Có cuộc sống ổn định, hạnh phúc của ngày hôm nay, ông vẫn không thể nào quên những thời điểm khó khăn nhất của gia đình mình. Đó là khi vợ chồng ông mới ra ở riêng, lại sinh con thứ hai, giường chỉ có một chiếc, xe đạp một cái. Muốn đóng thêm một cái tủ tường cũng phải nhờ anh em trong đơn vị. Người cho bộ vai giường xẻ ra làm khung, người cho tấm gỗ làm cửa. Vợ chồng ông vay mượn được ít tiền để trả công thợ…. Ông bảo, chưa bao giờ bà hỏi và yêu cầu ông phải đưa lương để có tiền nuôi con. Bà rất kiệm lời và rất hiểu công việc của ông đang gánh vác. Mặc dù rất vất vả với công việc gia đình, nhưng vợ ông cũng không quên trau dồi kiến thức để làm tốt công việc cơ quan và hỗ trợ, định hướng cho các con học tập vươn lên sau này. Trong thời gian ông học tại Học viện Quốc phòng, cũng là năm bà thi đỗ và đi học cao học tại Vương quốc Anh, tốt nghiệp với bằng Thạc sĩ, loại xuất sắc, sau hơn một năm học tập xa nhà. Trong thời gian này, ông vừa học, vừa thay vợ chăm sóc mẹ già, chăm sóc con chuẩn bị thi vào đại học. Và đây cũng là thời gian ông được gần gũi và tự chăm sóc con lâu nhất.
Những thời điểm, khúc rẽ trong sự nghiệp của chồng (thay đổi vị trí công tác, xa gia đình…), bao giờ bà cũng là điểm tựa vững chắc của gia đình, ông luôn nhận được sự cảm thông, chia sẻ. Bà chấp nhận một mình chịu đựng, chỉ mong sao các con vui, gia đình hạnh phúc và yên bình. Có thể nói, nhờ vợ, vì có vợ chăm lo nên ông hoàn toàn yên tâm công tác, phấn đấu trên nền tảng có một hậu phương vững chắc, một người vợ đúng nghĩa “hiền phụ”, mà ông đã tặng cho bà.
Viết đến đây, tôi chợt nhận ra rằng, chính truyền thống quê hương, dòng họ và gia đình ở vùng đất quanh năm nước ngập trắng đồng một thuở ấy, đã nuôi dưỡng và thôi thúc ông vươn lên trong bất cứ hoàn cảnh và tình huống nào, để tự khẳng định mình. Gần 40 năm công tác trong lực lượng Bộ đội Biên phòng, Trung tướng Phạm Huy Tập luôn ghi nhớ và quyết tâm theo đuổi những gì mà ông hằng tâm niệm. Ông tâm sự, ông có “Năm điều” tâm huyết mà hôm nay mới có dịp viết ra trên giấy trắng mực đen. Điều thứ nhất, ông luôn yêu đất nước, chế độ, quê hương và gia đình hết mực. Ông yêu thương tất cả mọi người, sống thủy chung, có nghĩa, có tình, nhất là với những người thân yêu, ruột thịt, đồng chí, đồng đội; những thế hệ đàn anh đi trước, các thầy cô giáo cũ, bà con làng xóm và bạn thân. Điều thứ hai, ông là người ham học hỏi, ham hiểu biết, không bao giờ chủ quan, thỏa mãn; luôn chuẩn bị tốt nhất kiến thức và năng lực tổ chức thực hiện, để có thể hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì khi được giao phó với hiệu quả cao nhất. Điều thứ ba, không sợ gian khổ, hy sinh, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách và sẵn sàng vượt qua. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ông cũng luôn cố gắng hết mình, làm hết trách nhiệm, hết khả năng, để thực hiện nhiệm vụ một cách nhanh chóng và chính xác nhất. Điều thứ tư, luôn bằng lòng với những gì mình đang có, sống giản dị và trong sạch, thường xuyên tự rèn luyện; mẫu mực và nêu gương trong gia đình cũng như ở cơ quan, đơn vị. Và điều cuối cùng, đó là trung thành tuyệt đối và vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, nhân dân, Quân đội, với lực lượng Bộ đội Biên phòng, tất cả vì sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, vì biên giới bình yên, vì hạnh phúc của nhân dân!
Nghĩ về “Năm điều” mà Trung tướng Phạm Huy Tập đặt ra để tự răn dạy mình, tôi thực sự khâm phục, kính trọng sự khiêm tốn, giản dị của ông. Tôi nghĩ, phải chăng đấy là một tố chất làm nên hình ảnh của vị Tướng làm chính trị như ông.
Thục Quyên (Theo Những vị tướng Biên phòng, 1959-2016)