Theo Bloomberg, Trung Quốc đang xem xét đề xuất yêu cầu chính quyền địa phương thu mua hàng triệu căn nhà còn tồn kho. Đây có thể là một trong những nỗ lực tham vọng nhất của quốc gia này nhằm giải cứu thị trường bất động sản, với ngân sách lên tới 7.000 tỷ Nhân dân tệ.
Các nguồn tin cho biết Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đang chờ phản hồi từ một số tỉnh và cơ quan chính phủ về kế hoạch sơ bộ cho đề xuất này. Cho đến nay, Trung Quốc đã thử nghiệm một số chương trình thí điểm để giải quyết lượng tồn kho nhà ở khổng lồ với sự hỗ trợ của nhà nước, nhưng kế hoạch mới nhất sẽ có quy mô lớn hơn nhiều.
Theo kế hoạch này, các doanh nghiệp nhà nước tại từng địa phương sẽ sử dụng các khoản vay do ngân hàng nhà nước cung cấp để mua những căn nhà chưa bán được từ các chủ đầu tư đang gặp khó khăn với mức chiết khấu cao. Nhiều bất động sản sau đó sẽ được chuyển đổi thành nhà ở giá rẻ.
Theo Bloomberg, các quan chức Trung Quốc vẫn đang thảo luận chi tiết về đề xuất và tính khả thi. Họ cũng sẽ cần thêm vài tháng để hoàn tất kế hoạch sau khi được phê duyệt.
Nếu được tiến hành, kế hoạch này sẽ đánh dấu một giai đoạn mới trong chiến dịch giải cứu bất động sản mà chính phủ Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ, giúp giải quyết lực cản lớn nhất đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Doanh số bán nhà của Trung Quốc đã giảm mạnh khoảng 47% trong 4 tháng đầu năm nay và lượng nhà tồn kho đang ở mức cao nhất trong vòng 8 năm, không chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng mà còn có thể đẩy 5 triệu người vào cảnh thất nghiệp hoặc giảm thu nhập.
Giới đầu tư đang chờ đợi các động thái tiếp theo của chính phủ sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố vào ngày 30/04 rằng sẽ đưa ra những cách tiếp cận mới để làm dịu cuộc khủng hoảng bất động sản. Bộ Chính trị, bao gồm 24 lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc, cũng cho biết nước này đang nghiên cứu các cách thức để giải quyết lượng nhà ở tồn kho hiện nay.
Chỉ số cổ phiếu bất động sản của Trung Quốc đã tăng khoảng 14% kể từ thời điểm trên.
Bắc Kinh từng thử nghiệm việc nhà nước mua lại các căn hộ “ế khách”, nhưng hầu hết các sáng kiến quy mô nhỏ hơn đều không mấy thành công.
Đầu năm 2023, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cung cấp 100 tỷ Nhân dân tệ cho một số tổ chức tài chính thông qua một cơ chế cho vay chuyên dụng. Số tiền này nhằm giúp 8 thành phố thử nghiệm thu mua những bất động sản tồn kho để sử dụng trong các chương trình cho thuê được chính quyền hỗ trợ.
Tờ Economic Observer đưa tin vào tháng 1 năm nay rằng các thành phố bao gồm Thanh Đảo và Phúc Châu đã bắt đầu sử dụng số tiền trên để mua nhà. Tuy nhiên, dữ liệu hàng quý mới nhất của ngân hàng trung ương cho thấy, chỉ có 2 tỷ Nhân dân tệ được giải ngân theo chương trình tính đến tháng 3/2024, cho thấy sự thận trọng của các ngân hàng và chính quyền địa phương.
Kể từ cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc vào tháng 4, một số thành phố lớn bao gồm Hàng Châu, nơi có trụ sở chính của Tập đoàn Alibaba, đã bãi bỏ tất cả các hạn chế còn lại đối với việc mua nhà ở để tăng cường giao dịch.
Hơn 50 thành phố của Trung Quốc cũng đã triển khai các chương trình “trao đổi” nhằm khuyến khích người dân bán nhà cũ và nâng cấp lên nhà mới để thúc đẩy nhu cầu nhà ở. Trong số đó, 11 chính quyền địa phương hoặc tổ chức được chính quyueef hậu thuẫn đang tiến hành thử nghiệm thu mua nhà tồn kho.
Theo Bloomberg, ngay cả khi kế hoạch trên được triển khai, lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc khó có thể ổn định cho đến khi khoảng cách giữa cung và cầu về nhà ở thu hẹp lại.
Dữ liệu chính thức cho thấy lượng tồn kho nhà ở chưa bán đã tăng lên 3,6 tỷ feet vuông vào năm 2023, mức cao nhất kể từ năm 2016. Công ty Tianfeng Securities ước tính Trung Quốc sẽ tốn ít nhất 7.000 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 78% thâm hụt ngân sách trong năm nay, để giải quyết lượng nhà ở tồn kho trong 18 tháng.
Kế hoạch mới sẽ huy động chính quyền địa phương tham gia vào việc giảm tình trạng dư thừa nguồn cung nhà ở, nhưng lại có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nợ nần của họ, vốn đã tăng vọt lên 56% tổng sản phẩm quốc nội vào năm ngoái. Các ngân hàng cũng sẽ chịu áp lực khi bảng cân đối kế toán của họ bị “bào mòn” do nợ xấu gia tăng và tỷ suất lợi nhuận bị thu hẹp.