Trình độ, năng lực của Hội thẩm nhân dân cần tiếp tục được nâng cao

Trình độ, năng lực của Hội thẩm nhân dân cần tiếp tục được nâng cao

ha-noi.jpgToàn cảnh Hội nghị tập huấn

Trong các ngày từ 25 – 30/11, TAND TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị Tập huấn công tác Hội thẩm TAND hai cấp TP. Hà Nội năm 2024. Chương trình tập huấn được chia làm 3 đợt với sự tham gia của hơn 840 hội thẩm nhân dân.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó chánh án TAND TP.Hà Nội Đào Sỹ Hùng cho biết, chế định nhân dân tham gia hoạt động xét xử của Tòa án được ghi nhận tại tất cả các bản Hiến pháp. Cùng với thẩm phán, hội thẩm nhân dân là những thành viên quan trọng, không thể thiếu trong hoạt động xét xử sơ thẩm của mỗi vụ án.

lam4-5441.jpgPhó Chánh án TAND TP. Hà Nội Đào Sỹ Hùng phát biểu tại Hội nghị

Với vai trò, chức năng của mình, hội thẩm nhân dân trong thành phần hội đồng xét xử sẽ đưa ra quyết định giải quyết các vụ án, qua đó góp phần bảo đảm quyền, lợi ích của Nhà nước, tổ chức và công dân.

Hiện nay, hội thẩm nhân dân hai cấp tòa án của Hà Nội có hơn 840 người. Trong đó hội thẩm nhân dân cấp thành phố có 100 người và hội thẩm nhân dân cấp quận, huyện gồm hơn 740 người.

Đa số các hội thẩm nhân dân đều có trình độ đại học trở lên, đang làm việc trong các cơ quan, ban, ngành, hoặc là những cán bộ đã nghỉ hưu, có uy tín, nhiệt huyết, có tinh thần trách nhiệm, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và khả năng tham gia hoạt động xét xử.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của hội thẩm nhân dân, lãnh đạo TAND TP Hà Nội cho biết, năm 2024, Tòa án nhân dân hai cấp của Hà Nội triển khai các nhiệm vụ công tác trong bối cảnh tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục có nhiều khó khăn. Các vụ án hình sự, các tranh chấp dân sự, các khiếu kiện hành chính năm sau nhiều hơn năm trước.

lam-1-6587.jpgThẩm phán Nguyễn Hồng Lam, Chánh tòa Hành chính TAND TP. Hà Nội giải đáp, chia sẻ tại Hội nghị

Bên cạnh đó, nội dung các vụ án hình sự, tranh chấp và khiếu kiện ngày càng phức tạp, liên quan đến nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trình độ dân trí ngày càng được nâng lên, đội ngũ luật sư, trợ giúp viên pháp lý càng ngày càng phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng.

Trước tình hình trên đòi hỏi trình độ, năng lực của hội đồng xét xử, trong đó có các hội thẩm nhân dân càng cần phải được nâng cao hơn nữa để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Lãnh đạo TAND TP Hà Nội nhìn nhận, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 cơ bản đã đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cũng như vị thế, uy tín của TAND.

lam-3-324.jpgTrần Thị Thu Nam, Chánh tòa Dân dự TAND TP. Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị

Việc tập huấn, rút kinh nghiệm, giải đáp các vướng mắc trong công tác tham gia, giải quyết, xét xử các loại án và các nội dung mới của hai luật nêu trên là vô cùng cần thiết. Đây cũng chính là một trong những giải pháp, biện pháp để nâng cao hơn nữa trình độ, nghiệp vụ của hội thẩm nhân dân.