Đồn Biên phòng Bản Lầu, BĐBP Lào Cai giúp đỡ hộ dân trên địa bàn khắc phục hậu quả sạt lở đất. Ảnh: Trung Dũng
Đau thương bao trùm miền Bắc
Xin nhắc lại một vài dữ kiện về đợt thiên tai khốc liệt đã và đang tàn phá miền Bắc. Chiều 7/9, bão số 3 (tên quốc tế là YAGI) đổ bộ vào đất liền tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng với cường độ đạt mức siêu bão. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, bão số 3 là cơn bão mạnh nhất thế giới năm 2024 ghi nhận ở thời điểm này và là bão mạnh nhất trong 30 năm qua tại Việt Nam. Đây là cơn bão có tốc độ tăng tốc nhanh nhất trong lịch sử các cơn bão ở Việt Nam, chỉ trong vòng 8 giờ đồng hồ, bão tăng 4 cấp. Đây cũng là cơn bão có thời gian hoành hành trên đất liền Việt Nam dài nhất, 5 giờ ở Hải Phòng và Quảng Ninh, sau đó mới di chuyển.
Mặc dù các địa phương đã có sự chuẩn bị về mọi mặt trong ứng phó, nhưng thiệt hại do bão số 3 gây ra là ngoài sức tưởng tượng. Thiệt hại lớn nhất là về hạ tầng điện và viễn thông, khiến nhiều khu vực của Quảng Ninh, Hải Phòng bị mất điện và mất liên lạc trong nhiều ngày. Bão số 3 cũng làm hàng chục nghìn ngôi nhà bị tốc mái, cây xanh bị gãy đổ la liệt trên các tuyến phố ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh.
Bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa (26 tỉnh, thành phố), gây mưa rất lớn từ 200-400mm; riêng các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, mưa từ 400-600mm. Mưa lớn sau bão gây lũ, lũ quét, sạt lở đất, nghiêm trọng nhất tại Cao Bằng, Lào Cai, Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang… Lũ trên nhiều sông ở Bắc Bộ đã lên mức báo động 3 và vượt các đỉnh lũ lịch sử.
Mưa lũ đã giáng những đòn khủng khiếp tới người dân Bắc Bộ, biến nhiều khu vực tràn ngập trong đau thương khi chỉ trong vài ngày, dòng nước lũ chảy siết đã nhấn chìm hàng nghìn ngôi nhà, xóa sổ các cụm dân cư, thậm chí cả một bản làng như thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, khiến ít nhất 87 người chết và mất tích. Hàng trăm người dân đã mất đi người thân, gia đình, họ hàng. Tính đến 7 giờ sáng ngày 13/9, bão số 3 và mưa lũ đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 233 người và 103 người vẫn đang mất tích. Hiện, những người sống sót vẫn đang cố gắng tìm kiếm người thân của mình trong nước mắt và nỗi đau xé lòng khi thời gian cứ trôi đi mà lượng bùn đất thì quá lớn.
Đến nay, Lào Cai vẫn là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất với con số 179 người (98 người chết, 81 người mất tích). Các địa phương thiệt hại nặng tiếp theo là Cao Bằng: 52 người chết và mất tích; Yên Bái: 50 người chết, mất tích. Các địa phương khác ghi nhận thiệt hại về người là Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Hòa Bình, Lạng Sơn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên.
Do ảnh hưởng của mưa bão, hơn 74.500 người đã phải sơ tán, di dời. Sức tàn phá của mưa lũ là không thể tưởng tượng nổi với hơn 136.000 nhà bị hư hỏng, gần 68.000 nhà bị ngập và hàng nghìn diện tích canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Ngoài ra, gần 4.600 con gia súc và hơn 1,7 triệu con gia cầm bị chết do mưa lũ. Hệ thống giao thông của Bắc Bộ bị hư hỏng, sạt lở nghiêm trọng gây ách tắc cục bộ. Đến nay, nhiều thôn, xã của các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái vẫn bị cô lập, chia cắt, không liên lạc, không tiếp cận được do sạt lở đất, ngập úng và sự cố thông tin.
Dành toàn lực cho miền Bắc
Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, trong những ngày qua, các vị lãnh đạo cao nhất của Chính phủ đã có mặt tại các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang… để trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ. Trước mắt, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ Lào Cai 150 tỷ đồng, Nam Định 20 tỷ đồng, Thái Bình 30 tỷ đồng, Hải Dương 20 tỷ đồng, Yên Bái 10 tỷ đồng, Hưng Yên 10 tỷ đồng để khắc phục hậu quả mưa bão.
Cán bộ, đoàn viên thanh niên Đồn Biên phòng Hoằng Trường, BĐBP Thanh Hóa phối hợp với các doanh nghiệp, các mạnh thường quân, các trường học trên địa bàn tổ chức gói và nấu 1.000 cái bánh chưng gửi ra hỗ trợ đồng bào vùng lũ phía Bắc. Ảnh: Nguyễn Phương
Hình ảnh sáng đẹp nhất là lực lượng vũ trang cùng các lực lượng khác đã dầm mình trong nước ứng cứu người dân. Quân đội đã huy động hàng trăm nghìn lượt bộ đội và dân quân tự vệ cùng hàng nghìn phương tiện giúp người dân ứng phó với mưa lũ. Chỉ tính riêng ngày 12/9, Quân đội đã huy động hơn 54.000 lượt người và hơn 1.300 lượt phương tiện giúp gia cố, di dời người dân ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt, tìm kiếm nạn nhân mất tích do lũ quét, tiếp tế thực phẩm cho người dân vùng bị chia cắt, cô lập… Trong đó, Binh đoàn 18 điều động 3 chuyến bay vận chuyển hơn 3 tấn lương thực, nước uống cứu trợ người dân tại các huyện Nguyên Bình, Bảo Lâm và Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng đang bị cô lập hoàn toàn do mưa lũ.
Xuất phát từ mệnh lệnh trái tim, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 điều động 10.700 người, 302 phương tiện di dời 118 hộ ở các tỉnh Tuyên Quang, Lào Cai đến nơi an toàn, tìm kiếm được 13 thi thể nạn nhân; khắc phục sự cố 3km đê tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Bộ Tư lệnh Quân khu 3 điều động hơn 29.500 lượt người, 699 phương tiện tham gia gia cố 357m đê sông tại Thái Bình, cứu 3 người mắc kẹt do sạt lở đất tại xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình; cấp phát 30 tấn gạo cho 9 tỉnh, thành phố trên địa bàn và giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
Trên các tuyến biên giới, các đơn vị Biên phòng đã cử hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ nỗ lực từng ngày phối hợp với các lực lượng khác giúp dân vệ sinh nhà cửa sau lũ, dọn đất đá nhằm thông các tuyến đường sạt lở, tìm kiếm nạn nhân mất tích, di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm…
Với tinh thần “tương thân, tương ái”, đồng bào cả nước đang cùng hướng về nhân dân vùng lũ phía Bắc với những việc làm trân quý như gửi tặng bánh chưng, thuyền, phao, lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu… Hàng nghìn chuyến xe hàng hóa thiện nguyện từ miền Nam, Tây Nguyên đã đưa hàng cứu trợ đến vùng lũ. Các bộ, ngành, địa phương và các cá nhân, tổ chức cũng đã quyên góp kinh phí gửi tặng nhân dân vùng lũ. Trong đó, Ban Vận động cứu trợ Trung ương đã nhận được số tiền hơn 527 tỷ đồng do các tổ chức, cá nhân chuyển khoản ủng hộ đồng bào vũng lũ, tính đến 17 giờ, ngày 12/9/2024.
Trước thiệt hại nặng nề do mưa bão, các tổ chức quốc tế cũng đã chung sức hỗ trợ khẩn cấp nhiều tấn hàng hóa thiết yếu cho các địa phương miền núi phía Bắc. Trong đó, ngày 11/9, Chính phủ Australia viện trợ cho tỉnh Yên Bái 8 tấn hàng (bộ dụng cụ vệ sinh cá nhân, dụng cụ bếp, sửa chữa nhà cửa, chăn, màn, thảm ngủ, tấm bạt che). Trung tâm điều phối khu vực ASEAN cam kết hỗ trợ hàng hóa với tổng giá trị 254.092 USD cho tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ máy lọc nước cầm tay và tấm bạt nhựa đa năng cho tỉnh Yên Bái.
Qua đợt thiên tai này, có thể thấy tinh thần đoàn kết, tình nghĩa đồng bào ấm áp đã được khơi dậy để người dân Việt Nam cùng vượt qua hoạn nạn, nhưng ký ức đau buồn này cũng sẽ nhắc nhở mỗi chúng ta rằng, thiên tai thật khốc liệt và không thể chủ quan. Mỗi người cần sự chuẩn bị chủ động hơn nữa, hành động sớm hơn nữa trong ứng phó.
Bích Nguyên