Bất cứ ai cũng đều có thể livestream và với mục đích khác nhau. Người dùng livestream chia sẻ sự kiện với bạn bè, nghệ sĩ livestream để giao lưu với công chúng. Tất cả đều không có biên giới.
Người livestream có thể chỉ dùng một cái điện thoại cho tới trang bị nhiều đạo cụ; có thể livestream một mình hoặc có nhiều diễn viên đóng cùng.
Cấp thiết đào tạo ngành livestream
Theo “Chiến lược lao động – việc làm năm 2023 – 2025 và tầm nhìn cho tới năm 2030 của TP.HCM” mới được phê duyệt hồi giữa tháng 5, địa phương này dự báo trong tương lai sẽ có nhiều ngành nghề mới xuất hiện.
Trong đó, thị trường thương mại điện tử đang ngày càng mở rộng với nhiều mô hình và có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Việc livestream đang tạo ra một ngành mới trong thị trường lao động, tạo ra nhiều việc làm cho người dân (chưa kể còn được chính quyền TP.HCM vận dụng cho các hoạt động xúc tiến thương mại, như trường hợp chợ Bến Thành, chợ hoa xuân TP.Thủ Đức… – PV).
TP.HCM sẽ đào tạo về ‘livestream’?
Ngành livestream này tạo ra rất nhiều vị trí công việc như diễn viên, quay phim, chụp hình, make-up, kỹ thuật tối ưu hóa các giải pháp tìm kiếm (hiện nay, thuật ngữ được sử dụng nhiều hơn là “affiliate marketing”, tức là tiếp thị liên kết – PV).
Đây là một xu hướng ngày càng được nhiều người làm nhưng mới dừng ở mức độ làm theo chứ chưa được đào tạo bài bản nên còn nhiều “streamer” thiếu kiến thức về pháp luật (như về thuế, kinh doanh trên mạng, ứng xử với công chúng).
Vì vậy, TP.HCM cho rằng cần có những khóa học ngắn hạn nhằm đào tạo lao động ngành này và cập nhật chính sách, quy định pháp luật về lao động và kinh doanh.
Livestream đang tạo ra một ngành nghề mới trong thị trường lao động Việt Nam
Sự thay đổi về nghề nghiệp đòi hỏi các chương trình đào tạo có tính liên ngành hơn. Điều này dẫn đến những thay đổi về mô hình đào tạo và nhu cầu lao động. Theo đó, năng lực thực hành nghề của người lao động sẽ được căn cứ trên các tiêu chí cụ thể. Sinh viên các hệ đại học và giáo dục nghề nghiệp phải hiểu được và làm được, phải đạt chuẩn đầu ra phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo UBND TP.HCM, trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế số thì nhà nước thấy rằng thương mại nền tảng xã hội là giải pháp phù hợp để tạo việc làm mới cho lao động thất nghiệp hoặc lao động muốn chuyển đổi nghề nghiệp.
Do đó, cần định hướng phát triển kỹ năng nghề thích ứng xu hướng thương mại nền tảng xã hội cho người lao động muốn phát triển sự nghiệp theo hướng tự thân và sẵn sàng học hỏi theo xu thế công nghệ mới để có nghề, có thu nhập.
Hiện mới chỉ có 20% doanh nghiệp chuẩn bị tâm thế chuyển đổi số và xanh
TP.HCM định hướng phát triển trong tương lai sẽ ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, hạn chế các dự án đầu tư thâm dụng lao động phổ thông hay có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
TP.HCM khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao; phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn; các trung tâm nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, dịch vụ cao cấp.
Theo nội dung được nêu ra trong chiến lược lao động – việc làm, TP.HCM đã hoàn chỉnh khung chiến lược kinh tế xanh với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng xanh, bền vững.
Hiện nay, doanh nghiệp và người lao động đang từng bước chuyển đổi, thích ứng với xu thế kinh tế số, chuyển đổi xanh.
Tuy nhiên, khảo sát của TP.HCM cho thấy doanh nghiệp có áp lực cần chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhưng lại chưa chuẩn bị kỹ, còn nhiều lúng túng. Chỉ khoảng 20% doanh nghiệp có chuẩn bị; không có sự khác biệt theo quy mô doanh nghiệp.
Trong khi đó, đa phần người lao động lại rất sẵn sàng, chủ động bổ sung kiến thức, cập nhật và rèn luyện một số những kỹ năng mới, nắm bắt xu thế.
Để tạo đà cho sự chuyển đổi, TP.HCM đề ra các nguồn lực cần chuẩn bị đầy đủ gồm: nguồn nhân lực, nguồn lực đất đai sẵn có, môi trường đầu tư thuận lợi, có môi trường sống tốt, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối.