TP.HCM chưa triển khai quy hoạch phân khu dọc tuyến metro số 1

TP.HCM chưa triển khai quy hoạch phân khu dọc tuyến metro số 1

TP.HCM hiện chưa triển khai quy hoạch phân khu dọc tuyến metro số 1 dù đây được xem là một trong những nội dung quy hoạch quan trọng của khu phía đông TP.HCM.

Theo các chuyên gia quy hoạch, trong giai đoạn TP.HCM đang thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 thì việc phát triển đô thị, quy hoạch dọc các tuyến đường sắt đô thị nên được quan tâm và làm theo mô hình lấy định hướng phát triển giao thông làm cơ sở cho phát triển, quy hoạch đô thị (TOD).

Đề xuất không nghiên cứu độc lập

“Quy hoạch phân khu dọc tuyến metro số 1 chưa triển khai vì đang nghiên cứu điều chỉnh ranh các đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn TP Thủ Đức” – báo cáo mới nhất của Sở QH-KT TP về kế hoạch triển khai đề án hình thành và phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông TP.HCM giai đoạn 2020-2035 cho biết.

Để triển khai việc quy hoạch khu vực dọc tuyến metro số 1 trong thời gian tới, trước đó vào năm 2022 Sở QH-KT TP cũng đã ban hành quy chế quản lý kiến trúc chung TP.HCM, trong đó nêu cụ thể sẽ phát triển 10 khu đô thị (KĐT) dọc tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) tương lai.

Quy hoạch dọc các tuyến đường sắt đô thị nên được quan tâm và làm theo mô hình TOD.
Ảnh: ĐT

Toàn bộ khu vực 10 KĐT này nằm trọn trong phạm vi 11 phường của TP Thủ Ðức. Cụ thể, điểm đầu là cầu Sài Gòn, cuối tuyến là Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc với chiều dài 14,83 km, diện tích hơn 577 ha.

Về phát triển đô thị dọc tuyến metro số 1, cuối năm 2022, Sở GTVT đã có văn bản gửi UBND TP về đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị gắn với phát triển đô thị.

Sở GTVT cho rằng phát triển quy hoạch dọc tuyến metro nên theo mô hình TOD.

Cụ thể, dọc tuyến đường sắt đô thị sẽ phát triển đô thị với dân cư tập trung mật độ cao, qua đó nâng cao giá trị sử dụng đất trong khu vực bán kính 500 m từ các nhà ga đường sắt đô thị. Đây được xem là một giải pháp tài chính mang tính chiến lược nhằm huy động và tối ưu hóa nguồn lực từ khai thác quỹ đất để đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị.

Quy hoạch dọc tuyến metro số 1 nên theo TOD

“Chúng ta đang làm nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Đây là điều kiện thuận lợi để quan tâm đến quy hoạch dọc tuyến metro số 1” – ông Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Kiến trúc sư TP.HCM, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Theo ông Mười, hiện quỹ đất quanh các nhà ga, dọc tuyến metro số 1 nên được phát triển các KĐT, có thể tận dụng cách làm các khu tái định cư cho người dân.

“Như khi chúng ta thực hiện di dời nhà trên và ven kênh rạch thì phải có các khu tái định cư cho người dân. Có thể làm các khu tái định cư này ở các đầu mối ga metro số 1, tận dụng các tiện ích về giao thông công cộng, dịch vụ kèm theo như trường học, siêu thị… để phục vụ cho người dân” – ông Mười góp ý.

Về phát triển theo mô hình TOD dọc tuyến metro số 1, TS khoa học – kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết chúng ta hay nói làm theo TOD nhưng đến nay chưa có dự án nào thực sự làm theo TOD.

“Ví dụ làm một con đường thì quan tâm đến sự phát triển hai bên con đường, đó mới là TOD, chứ không phải làm metro chỉ quan tâm đến việc giải quyết kẹt xe” – ông Sơn nói thêm.

“Đơn cử như tuyến metro số 1, quanh tuyến phải có trường học, xe buýt, trung tâm thể thao… lúc đó người dân chỉ cần dùng metro (không cần dùng xe cá nhân) mà vẫn đảm bảo nhu cầu của mình với các dịch vụ đô thị đầy đủ” – ông Sơn góp ý trong việc tiến tới đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM, trong đó có tuyến metro số 1.

Đầu tư sáu dự án metro còn lại theo TOD

Trong văn bản gửi UBND TP về việc đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị gắn với phát triển đô thị, Sở GTVT kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở QH-KT TP khẩn trương nghiên cứu về quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng TOD, cập nhật vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

TP.HCM giao Sở KH&ĐT TP chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND TP phương án, kế hoạch huy động nguồn vốn để đầu tư sáu dự án metro còn lại theo mô hình như trên. Đồng thời, khai thác quỹ đất vùng phụ cận xung quanh các nhà ga để tạo nguồn vốn cho ngân sách.