“Tôi bị cho thôi việc vì… chăm chỉ nhất nhì công ty”!

“Tôi bị cho thôi việc vì… chăm chỉ nhất nhì công ty”!

“Tôi bị cho thôi việc vì… chăm chỉ nhất nhì công ty”!

Không vị sếp nào quan tâm nhân viên đi làm đúng 8 tiếng đồng hồ nữa. Họ chỉ cần biết hiệu suất làm việc có đạt hay không, trong số giờ đó bạn hoàn thành được bao nhiêu nhiệm vụ được giao.

Trả lương nhân sự không theo 8 tiếng chấm công

Anh N.H.L (nhân viên truyền thông tại TPHCM) vẫn bàng hoàng, không hiểu lý do bị cho thôi việc đầu tiên, khi công ty lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Bởi anh tự nhận mình luôn là người chăm chỉ, dành toàn bộ thời gian của bản thân để cống hiến cho công việc.

“Tôi chăm chỉ nhất nhì công ty, chưa bao giờ đi làm trễ giờ, tan ca luôn muộn nhất, việc gì sếp giao cũng gật đầu, dẫu không biết cũng cố xoay xở làm. Thế mà bây giờ khi xem xét từng nhân sự thì tôi là người đầu tiên bị loại” – anh N.H.L chia sẻ.

Vốn biết “lười biếng” là từ khóa mà sếp cấm kị khi làm việc, các doanh nghiệp, nhà quản lý nào cũng thiện cảm với những nhân sự xung phong trong mọi dự án, cống hiến hết mình cả tinh thần lẫn thời gian. Thế nhưng liệu rằng ở thời điểm kinh tế thị trường lao dốc, thì ngược lại, “chăm chỉ” có phải là yếu tố quyết định khiến nhân sự không bị tinh giản?

Có rất nhiều nhân viên văn phòng đang tìm bến đỗ mới ở giai đoạn này, ôm trong lòng nỗi băn khoăn, vì đâu mà bản thân dù chăm chỉ vẫn chưa được lòng sếp, trong khi người chỉ làm việc dăm ba tiếng mỗi ngày lại “trụ” được lâu dài.

Tôi bị cho thôi việc vì... chăm chỉ nhất nhì công ty! - 1

Nhiều nhân sự hoang mang vì bản thân đã làm việc chăm chỉ nhưng vẫn bị cho thôi việc (Nguồn ảnh: pexels)

Thực tế, “chăm chỉ” không được định nghĩa bằng thời gian bỏ ra, mà phải là sự tư duy nhằm tìm giải pháp đúng, đạt được bao nhiêu mục tiêu doanh thu, chăm chỉ “nuôi” và phát triển được dự án đề ra… Tóm lại, chăm chỉ phải luôn đi cùng với hiệu quả.

Chị Thanh Phan (25 tuổi, nhân viên văn phòng tại TPHCM) đã không quá bất ngờ khi nghe tin người đồng nghiệp có tên trong danh sách tinh giản của công ty. Bởi chị biết, các cấp trên đều có sự đo lường và đánh giá chất lượng với từng người.

“Bạn buộc phải chăm chỉ vì nhiệm vụ được giao chỉ cần 1 tiếng để làm, thế mà lại mất đến nửa ngày. Những ý tưởng và đóng góp của bạn đều không khả thi cho dự án. Hơn nữa, bạn không nhanh nhạy nhận biết đầu việc nào cần ưu tiên làm, cứ cần mẫn làm tuần tự nhưng khiến ai cũng phải đợi, ảnh hưởng tiến độ chung, khiến mọi người phải gánh và nương cho bạn thì đó là vấn đề nghiêm trọng” chị Thanh Phan chia sẻ sau khi đồng nghiệp bị cho thôi việc.

Tôi bị cho thôi việc vì... chăm chỉ nhất nhì công ty! - 2

Chị Thanh Phan chia sẻ một đồng nghiệp làm việc không có kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến tiến độ toàn công ty (Ảnh: NVCC).

 “Mình đã từng phát mệt vì sự chăm chỉ của một đồng nghiệp. Khi mọi người rủ ra ngoài ăn trưa thì anh bảo rằng “đang dở tay làm việc”, tụ tập sau giờ làm thì anh nán lại một mình vì “làm nốt cho xong”, thực chất anh chỉ đang thể hiện cho sếp thấy mình cống hiến, chứ anh đã bao giờ đạt được KPI đâu. Anh bị nghỉ việc, dù thương nhưng mình cảm thấy khá hợp lý. Thời buổi hiện đại các công ty đang trả lương nhân sự theo hiệu suất, đâu phải theo 8 tiếng chấm công” – Anh Trường Nguyễn, nhân viên kế hoạch, nói.

Lãnh đạo cần điều gì ở một nhân sự?

Thực chất, chăm chỉ là một yếu tố để sếp đánh giá thái độ nghiêm túc của bạn đối với công việc. Thế nhưng hiệu suất mới là thứ đánh giá năng lực cao hay thấp, quyết định sự đi hay ở.

Sau đại dịch, xu hướng “work from home” – làm việc từ xa, đã chuyển thành “hybrid working”, tức làm việc linh hoạt. Rất nhiều doanh nghiệp cho phép nhân viên kết hợp làm việc văn phòng và tại nhà trong một số ngày nhất định trong tuần để tối ưu các chi phí văn phòng, giảm nhẹ gánh nặng phục hồi sau đại dịch và khủng hoảng kinh tế đang diễn ra.

Điều này chứng minh, không vị sếp nào quan tâm nhân viên đi làm đúng 8 tiếng, ngồi trọn ngày ở công sở nữa, họ chỉ cần biết hiệu suất làm việc có đạt hay không, trong cơ số giờ đó bạn hoàn thành được bao nhiêu nhiệm vụ.

Ngoài lợi ích mang lại cho công ty ra, sếp cần thấy sự phát triển của bạn. Sau một thời gian làm việc, bạn đã có thêm những kiến thức gì, kĩ năng mới nào, phương pháp làm việc cải tiến ra sao…

Vì nguyên tắc đơn giản, nhân sự phát triển thì doanh nghiệp mới phát triển, tinh thần sẵn sàng học hỏi, hào hứng khi được giao một công việc chưa bao giờ làm, luôn nghiên cứu thêm các giải pháp cho vấn đề… mới là điểm cộng cho “nhân tố có tiềm năng”. Nếu bạn không đổi mới chính bản thân mình, làm sao chứng minh bạn có thể cải thiện tình hình công ty?

Chị Ngọc Mai (CEO Công ty dịch vụ kế toán GMS) cho hay: “Ở thời điểm công ty gặp khó khăn, nếu phải tinh giản bộ máy nhân sự của mình, tôi sẽ cần giữ người hiểu việc, làm đúng chuyên môn với tư duy tốt, có sự linh hoạt, thích ứng tốt trong công việc.

Tôi cũng đã từng có nhân sự chăm chỉ đi sớm về khuya, vâng dạ nghe lời nhưng làm việc không hiệu quả, thương lắm cũng đành cho nghỉ. “Cần cù bù thông minh”, triết lý đó thời điểm này không phù hợp nữa rồi, mình vận động chậm một chút là bị thụt lùi so với đối thủ.”

Tôi bị cho thôi việc vì... chăm chỉ nhất nhì công ty! - 3

Chị Ngọc Mai – Giám đốc công ty dịch vụ kế toán GMS chia sẻ quan điểm “cần cù bù thông minh” không còn phù hợp ở thời điểm này. (Ảnh: NVCC).

Chị Trần Trâm, quản lý nội dung cho một công ty tại TPHCM đồng quan điểm: “Mình nghĩ, so với những cá nhân đi làm cứ lầm lũi trước màn hình máy tính thì thể hiện bản thân giữa tập thể sẽ được chú ý và nhìn nhận tốt hơn.

Thay vì cứ cố giải quyết công việc một mình, bạn linh hoạt trao đổi với đồng nghiệp, xin ý kiến từ cấp trên, bày tỏ rõ quan điểm trái chiều của mình… tóm lại là thể hiện sự quan tâm đến công việc một cách cởi mở, thể hiện cá tính đặc sắc… mới “chuẩn”. Mình rất thích những bạn chủ động kết nối, xin ý kiến hoặc góp ý cho mình”.

Tôi bị cho thôi việc vì... chăm chỉ nhất nhì công ty! - 4

Chị Trần Trâm đánh giá cao nhân sự làm việc thông minh hơn việc lầm lũi cần mẫn hàng giờ trước máy tính (Ảnh: NVCC).

Chăm chỉ luôn là một tố chất cần có của nhân sự lý tưởng dù ở bất kỳ bối cảnh nào nhưng cốt lõi với doanh nghiệp vẫn là cần giải quyết bài toán doanh thu. Vì vậy nên sự chăm chỉ cần dùng trong tinh thần cạnh tranh để phát triển, đi kèm với hiệu suất công việc đã hoàn thành thì nhân sự mới được đánh giá cao.

Nội dung: Loan Tô

28/02/2023