Tội ác che giấu 43 năm của kẻ giết 6 người trên bãi biển

Tội ác che giấu 43 năm của kẻ giết 6 người trên bãi biển

Quảng NgãiPhan Thanh Việt, 71 tuổi, bị tuyên án tử hình sau 43 năm trốn chạy vì cùng đồng phạm lừa gia đình 6 người muốn vượt biên ra bờ biển rồi giết, cướp vàng.

Bản án tử hình về tội Giết người, Cướp tài sản đối với Việt, quê xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, được TAND tỉnh Quảng Ngãi tuyên ngày 12/11.

Việt là người cuối cùng bị xét xử trong 5 kẻ gây ra tội ác chấn động năm 1981, khiến gia đình ở TP HCM, trong đó có một cậu bé 11 tuổi, bị sát hại.

Phan Thanh Việt lúc nghe tòa tuyên án, sáng 12/11. Ảnh: Phạm Linh

Phan Thanh Việt lúc nghe tòa tuyên án, ngày 12/11. Ảnh: Phạm Linh

Theo hồ sơ vụ án, sau khi giải ngũ, Việt sống như vợ chồng với người phụ nữ và có một con ở quê. Ông ta từng bị công an mời làm việc hai lần. “Lúc đó tôi làm xe ôm, có chở một số người từ thị xã Quảng Ngãi xuống xã Bình Châu để lên thuyền ra biển. Nhưng họ vượt biên không thành và khai ra tôi”, Việt khai tại tòa hôm nay.

Giăng bẫy

Năm 1981, nhiều người tìm cách vượt biên bằng đường biển. Quảng Ngãi lúc này thuộc tỉnh Nghĩa Bình, có nhiều làng biển nên nhiều người miền Nam tìm cách liên hệ để tổ chức vượt biên. Những chuyến đi thành công sẽ được trả bằng một khoản tiền, vàng lớn.

Theo cơ quan điều tra, Việt đã cùng 4 đồng phạm ở huyện Bình Sơn lên kế hoạch tìm người muốn vượt biên, dụ họ tham gia đường dây của mình rồi sát hại, cướp của. Ngày 6/4/1981, Việt đã dẫn dụ 10 người từ TP HCM về Quảng Ngãi; trong đó có nhóm 6 người (ba đàn ông, hai phụ nữ và một bé trai 11 tuổi) được hứa dẫn đi vượt biên. Nhóm người từ Sài Gòn về được chia ra ở tại nhà cha ruột của Việt ở xã Bình Châu và người quen ở xã kế bên.

Việt sau đó gặp riêng các đồng phạm gồm: Nguyễn Minh Châu (nguyên phó công an xã), Bùi Văn Lâm (nguyên phó Chủ tịch xã), Võ Văn Thọ, Bùi Thanh Sơn để hẹn đến nhà Châu bàn bạc. Trong cuộc họp, tất cả thống nhất đưa ra hai phương án.

Một là, bọn chúng sẽ đưa 6 người ra biển, sau đó sát hại rồi cột đá vào xác vứt xuống nước phi tang. Phương án hai là đưa họ ra bãi cát thôn Phú Bình, xã Bình Châu, bắn chết rồi cướp tài sản, đào hố chôn. Sau cùng, nhóm chốt phương án thứ nhất.

Châu sau đó chuẩn bị súng côn và phân công Lâm, Thọ, Sơn mang thêm 3 khẩu súng khác để hành động. Còn Việt chịu trách nhiệm dẫn người ra bãi cát vào tối 8/4/1981.

Khoảng 19h, Việt và Thọ dẫn 6 người đến bãi cát thôn Phú Bình. Một giờ sau, Châu, Lâm, Sơn mang súng đến. Châu nói “gió nam to quá, không đi tàu ra biển thực hiện theo phương án một được” nên phải thực hiện phương án hai.

Đầu tiên, Thọ dẫn đôi nam nữ giao cho Châu. Châu bắn chết người đàn ông tại chỗ, hiếp dâm người nữ trước khi sát hại. Tiếp đó, Thọ và Sơn dẫn hai người đàn ông khác đi một đoạn, bắn chết cả hai. Sau khi giết 4 người, cả nhóm lục soát tài sản rồi cùng nhau đào hai hố để chôn.

Với hai nạn nhân còn lại (người phụ nữ và cậu bé 11 tuổi), chúng đưa lên cồn cát cao – nơi đã đào sẵn một hố sâu. Khi dẫn họ lên miệng hố, Việt bất ngờ dùng súng bắn 3 phát làm hai nạn nhân ngã xuống. Thấy họ chưa chết, chúng tiếp tục ra tay hai lần, sau đó lấp cát lại, rồi dùng lá khô phủ kín để không ai phát hiện.

Cướp tài sản xong, cả nhóm về nhà Lâm chia nhau, mỗi người được 2 chỉ vàng, 50 đồng, quần áo, đồng hồ, thức ăn và một số đồ vật khác.

Do trước đây Việt có giao kèo với những gia đình muốn vượt biên là sau khi người nhà vượt biên thành công thì hắn sẽ được nhận 5 lượng vàng, nên quyết định quay vào TP HCM “kiếm chác”. Gặp anh ruột của một trong những nạn nhân, Việt nói dối “đã đưa người đi rồi” và nhận một lượng vàng.

Ông ta sau đó bỏ trốn đến ấp Phong Lưu, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, sinh sống với tên giả là Đàm Xuân Trí rồi lập gia đình. Hồi đầu năm nay, sau 43 năm gây án, Việt bị bắt theo lệnh truy nã đặc biệt.

Tại Quảng Ngãi, sau khi vụ án xảy ra, người dân phát hiện mùi tử khí nên báo công an. Vào cuộc điều tra vụ án chấn động cả miền biển, cảnh sát bắt 4 đồng phạm của Việt gồm Châu, Sơn, Thọ, Lâm. Châu sau đó trốn trại, chống trả quyết liệt nên bị lực lượng chức năng bắn chết. Còn Thọ, Sơn, Lâm bị tuyên án tử hình và chung thân vào năm 1982.

Xin hiến xác để ‘chuộc lại một phần tội lỗi’

Khai với tòa, Việt nói trong 43 năm qua luôn hối hận về hành vi của mình, nhưng không có ý định ra đầu thú. Thời gian đầu, nơi ông ta trốn chạy còn hoang sơ nên không bị kiểm tra giấy tờ. Việt sau đó cưới vợ mới và sinh con nhưng không đăng ký kết hôn, sợ làm việc với cơ quan chức năng thì tung tích bại lộ. Dấu vết khiến Việt bị lộ là bàn tay bị cụt nhiều ngón do kíp nổ khi còn ở quê.

Bị cáo thừa nhận cáo buộc Giết người, Cướp tài sản là đúng, song thanh minh mình không phải chủ mưu, lúc đầu chỉ muốn đưa người vượt biên để lấy tiền công. Tuy nhiên, tòa bác bỏ lời khai này, vì các lời khai của những đồng phạm năm xưa đều thể hiện việc cả nhóm bàn bạc, lên kế hoạch giết người, cướp của. Hồ sơ vụ án cũng thể hiện Việt được chia 2 chỉ vàng, và lấy tiền công một lượng vàng từ người nhà nạn nhân sau khi vào TP HCM.

Về việc này, Việt phủ nhận, cho biết gia đình nạn nhân trước khi lên đường vượt biên đã xé đôi một tờ tiền để làm ám hiệu. Người ở nhà giữ một nửa, người vượt biên giữ một nửa. Lúc nào vượt biên thành công, họ sẽ đưa nửa tờ tiền cho nhóm Việt, để cầm mang về báo tin. Khi đó người ở nhà sẽ đưa vàng trả công.

Tuy nhiên, do Việt không biết điều này, không có một nửa tờ tiền làm tin, nên bị người thân của các nạn nhân ở TP HCM “vạch mặt”. Việt đã bỏ chạy mà không lấy được vàng.

Nói lời sau cùng, Việt bày tỏ ăn năn hối hận, cho biết những tội lỗi gây ra không có cách nào bù đắp được. Bị cáo xin hiến tạng cho y học để có thể cứu chữa được cho người bệnh, chuộc một phần tội lỗi.

Theo HĐXX, hành vi phạm tội của Việt và đồng phạm đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; cùng lúc phạm nhiều tội, nhiều tình tiết tăng nặng như giết nhiều người, giết trẻ em… nên cần xử phạt nghiêm.

Phạm Linh