Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn nuôi trồng thủy sản Tuấn Hiền (Tân Phú Đông). Ảnh: TTXVN
Năm 2024, Gò Công Đông và Tân Phú Đông (Tiền Giang) phấn đấu đạt sản lượng nuôi trồng thủy sản gần 60.000 tấn sản phẩm cung ứng ngành chế biến thủy sản xuất khẩu và thị trường tiêu dùng trong nước.
Tùy theo đặc thù địa phương, các huyện ven biển Gò Công gồm Gò Công Đông, Tân Phú Đông phát triển ngành nuôi thủy sản phù hợp gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kiến thiết hạ tầng vùng nuôi, khuyến khích bà con áp dụng và nhân rộng những mô hình nuôi hiệu quả theo hướng thích ứng Biến đổi Khí hậu, giúp nhân dân những địa bàn khó khăn ổn định sản xuất và đời sống.
Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tân Phú Đông Bùi Thái Sơn cho biết Tân Phú Đông là huyện cù lao nằm hạ lưu sông Tiền, thuận lợi phát triển ngành nuôi thủy sản mặn, lợ, giúp người dân miền đất khó tạo dựng cơ nghiệp. Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng Biến đổi Khí hậu, huyện quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản ven biển, chuyển giao khoa học công nghệ thâm canh.
Mặt khác, khuyến khích bà con chuyển đổi từ những mô hình truyền thống nhiều hạn chế sang nhân rộng những mô hình nuôi ứng dụng khoa học công nghệ cao và thích ứng Biến đổi Khí hậu, bền vững với môi sinh, môi trường và sức khỏe như: nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm thâm canh, mô hình tôm-lúa, kết hợp nuôi nhiều đối tượng thủy sản có giá trị như tôm-cua-cá trong ao nuôi tôm quảng canh,…
Đặc biệt, Tân Phú Đông đi đầu trong việc phát triển mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đang mang lại triển vọng mới cho nghề nuôi tôm tại địa phương.
Ông Ngô Minh Tuấn (xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông) là người tiên phong đưa mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao về miền cồn bãi hạ lưu sông Tiền cho biết, quy trình nuôi gồm: giai đoạn 1, tôm giống ương khoảng 25 ngày với mật độ thả 1.000 con/m2; giai đoạn 2, mật độ tôm thả trong ao giảm xuống còn 300 con/m2 và nuôi trong khoảng 40 ngày; giai đoạn 3 mật độ thả nuôi 150 con/m2 và thời gian nuôi trong 90 ngày thì xuất bán khi tôm đạt kích cỡ 30 con/kg trở lên.
Năng suất tôm nuôi ba giai đoạn theo mô hình công nghệ cao đạt 40-45 tấn/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với nuôi tôm trong ao đất truyền thống trước đây. Với khoảng 6ha nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao, mỗi năm, ông Tuấn thu hoạch từ 240 tấn đến 250 tấn tôm thương phẩm, thu 50-60 tỷ đồng.
Ước tính, toàn huyện Tân Phú Đông hiện có gần 200 ha nuôi tôm theo mô hình ứng dụng công nghệ cao.
Nuôi tôm thâm canh cũng được nông dân địa phương áp dụng phổ biến. Ông Phạm Văn Lẹ, cư ngụ tại ấp Kênh Nhiếm, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông có 3ha mặt nước nuôi tôm thẻ. Với 3 vụ tôm thẻ/năm, trung bình mỗi năm ông đạt sản lượng tôm thương phẩm khoảng 24 tấn, bán trừ chi phí còn lãi ròng từ 1-1,2 tỷ đồng/năm.
Nhờ nuôi tôm thẻ thích ứng Biến đổi Khí hậu, ông Phạm Văn Lẹ đã tạo dựng cơ nghiệp bền vững, trở thành điển hình nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi ở huyện cù lao Tân Phú Đông.
Gò Công Đông từ lâu nổi tiếng với vùng nuôi nghêu Tân Thành rộng 2.200ha kết hợp phát triển du lịch sinh thái biển, tạo công ăn việc làm cho các lao động miền biển, giúp nhiều hộ dân dựng nên cơ nghiệp bền vững.
Diện tích nuôi tôm thâm canh của một hộ gia đình ở huyện Tân Phú Đông. Ảnh: TTXVN
Huyện Gò Công Đông đã thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển bền vững nghề nghêu Gò Công, phối hợp Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tỉnh Tiền Giang xây dựng tiêu chuẩn MSC cho vùng nuôi nghêu, hướng đến việc xuất khẩu nghêu sang thị trường các nước phát triển như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản….
Mặt khác, địa phương triển khai dự án “Khu bảo tồn nghêu giống và nghêu bố, mẹ tại vùng nuôi nghêu xã Tân Thành” với mục tiêu nâng cao giá trị, hiệu quả nuôi nghêu; bảo tồn được nguồn nghêu bố mẹ cũng như gia tăng khả năng sinh giống tự nhiên hàng năm cho vùng nuôi nghêu Gò Công.
Ngoài ra, Gò Công Đông đã định hình những vùng nuôi thủy sản quan trọng có lợi thế nằm giáp biển Đông như vùng nuôi Bắc Gò Công, vùng nuôi Nam Gò Công, vùng nuôi nghêu ven biển Tân Thành…
Với khoảng 885ha tôm, 2.200ha nghêu nuôi, trung bình mỗi năm, Gò Công Đông đạt sản lượng thu hoạch trên 22.000 tấn sản phẩm, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động các xã ven biển.
Lãnh đạo huyện Gò Công Đông đánh giá đánh thức tiềm năng nuôi thủy sản ven biển góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho bà con sống ven biển đối mặt nhiều rủi ro, thiên tai hàng năm. Đây cũng là nhân tố tích cực giúp Gò Công Đông trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Tiền Giang được công nhận hoàn thành Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ra mắt huyện nông thôn mới vào năm 2020.
Lao động cào nghêu tại Tiền Giang. Ảnh: TTXVN
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn chia sẻ nhằm khai thác tốt thế mạnh nuôi thủy sản hạ lưu sông Tiền, ngành nông nghiệp tích cực chuyển giao khoa học công nghệ cho vùng nuôi, khuyến khích nông dân đa dạng mô hình nuôi và đối tượng nuôi.
Đối với nuôi tôm, khuyến khích bà con chuyển đổi từ các mô hình nuôi ao đất, diện tích ao nuôi lớn, quản lý ao nuôi khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro, hiệu quả không cao sang các mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao, nuôi tôm 2-3 giai đoạn có quy mô diện tích mặt nước nhỏ nhưng mật độ thả cao, chủ động được thời vụ sản xuất, năng suất cao, thích ứng Biến đổi Khí hậu…
Ngoài con tôm, con nghêu truyền thống, tùy theo điều kiện thực tế của các địa phương hoặc các tiểu vùng sinh thái, các địa phương đưa thêm nhiều đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao như nuôi cua, cá chẽm, sò huyết,… vào cơ cấu nuôi trồng, phù hợp định hướng thích ứng Biến đổi Khí hậu, giảm nhẹ thiên tai vừa phát triển bền vững.
Tiền Giang có 32km bờ biển, án ngữ ba cửa sông lớn gồm Soài Rạp trên sông Soài Rạp và Cửa Tiểu, Cửa Đại trên sông Tiền cùng nhiều cù lao, cồn bãi ven biển có tiềm năng lớn về phát triển nuôi thủy sản đóng góp vào tăng trưởng kinh tế-xã hội bền vững vùng duyên hải phía Đông.
Hiện nay, hai huyện ven biển Gò Công (Tiền Giang) là Gò Công Đông và Tân Phú Đông đã mở rộng diện tích mặt nước đưa vào nuôi thủy sản lên gần 8.900ha. Từ đầu năm đến nay, toàn vùng đã thu hoạch đạt sản lượng trên 34.000 tấn tôm cá các loại.
Theo TTXVN