Tình huống đất trưng dụng bị hủy hoại: Khi nào có thể đòi bồi thường?

Tình huống đất trưng dụng bị hủy hoại: Khi nào có thể đòi bồi thường?

Đất trưng dụng bị hủy hoại thì có được bồi thường không?

Căn cứ khoản 7 Điều 90 Luật Đất đai 2024 quy định trưng dụng đất, việc bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra được thực hiện theo quy định sau đây:

  • Trường hợp đất trưng dụng bị hủy hoại thì việc bồi thường được thực hiện bằng tiền theo giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường tại thời điểm thanh toán.
  • Trường hợp thu nhập bị thiệt hại do việc trưng dụng đất trực tiếp gây ra thì mức bồi thường được xác định căn cứ vào mức thiệt hại thu nhập thực tế tính từ ngày giao đất trưng dụng đến ngày hoàn trả đất trưng dụng được ghi trong quyết định hoàn trả đất trưng dụng.
  • Trường hợp tài sản bị thiệt hại do việc trưng dụng đất trực tiếp gây ra thì mức bồi thường thiệt hại được xác định theo giá chuyển nhượng tài sản trên thị trường tại thời điểm thanh toán.

Theo quy định trên, nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.

Quyết định trưng dụng đất có các nội dung chủ yếu nào?

Căn cứ Điều 29 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về trình tự, thủ tục trưng dụng đất, quyết định trưng dụng đất, văn bản xác nhận việc trưng dụng đất gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

  • Họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người quyết định trưng dụng đất
  • Tên, địa chỉ của người có đất trưng dụng hoặc người đang quản lý, sử dụng đất trưng dụng
  • Tên, địa chỉ của tổ chức, họ tên và địa chỉ của người được giao sử dụng đất trưng dụng
  • Mục đích, thời hạn trưng dụng đất
  • Vị trí, diện tích, loại đất, tài sản gắn liền với đất trưng dụng
  • Thời gian bàn giao đất trưng dụng

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có trách nhiệm giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trưng dụng đất hay không?

Căn cứ khoản 2 Điều 19 Luật Đất đai 2024 quy định vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong quản lý và sử dụng đất đai, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có trách nhiệm sau đây:

  • Tham gia xây dựng pháp luật; thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản pháp luật về đất đai
  • Tham gia ý kiến về trường hợp thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trường hợp cưỡng chế khi thực hiện thu hồi đất
  • Tham gia ý kiến, giám sát quá trình xây dựng bảng giá đất và thực hiện bảng giá đất
  • Tham gia hòa giải tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật
  • Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thu hồi đất, trưng dụng đất; về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Như vậy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có trách nhiệm giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trưng dụng đất.