Tín dụng chính sách tạo “đòn bẩy” giải quyết việc làm ở Cư Kuin

Tín dụng chính sách tạo “đòn bẩy” giải quyết việc làm ở Cư Kuin

Chương trình cho vay giải quyết việc làm từ nhiều năm nay đã được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk (NHCSXH) triển khai tích cực, trở thành một trong những công cụ hữu hiệu, tạo “đòn bẩy” để người dân có nguồn vốn sản xuất, mạng lại thu nhập ổn định, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững.

“Đòn bẩy” giải quyết việc làm

Chương trình cho vay giải quyết việc làm được NHCSXH huyện Cư Kuin triển khai với mục tiêu giúp người dân có vốn để sản xuất, kinh doanh, từng bước cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội chung tại địa phương.

Cụ thể, tại huyện Cư Kuin, thời gian qua đã có hàng nghìn hộ dân các xã vùng sâu, vùng xa được vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm có thu nhập ổn định, góp phần vào mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.

Chị Đặng Thị Liên, thôn 3, xã Cư Êwi tâm sự, trước đây gia đình chị kinh tế rất khó khăn, nguồn thu nhập bấp bênh. Được sự quan tâm của các cấp, chính quyền địa phương, sự vào cuộc quyết liệt của NHCSXH, gia đình chị đã được vay 90 triệu đồng tín dụng chính sách từ chương trình giải quyết việc làm để đầu tư, chăm sóc vườn vải. Từ nguồn vốn đó, chị mạnh dạn đầu tư mua giống vải thiều có nguồn gốc ở Lục Ngạn (Bắc Giang) về để sản xuất, thay thế những giống cây trồng kém chất lượng. Do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, sau 3 năm chăm sóc, cây vải thiều đã cho thu hoạch ổn định, năng suất và doanh thu của gia đình tăng dần qua từng năm.

Mô hình trồng cây cải thiều của chị Đặng Thị Liên, thôn 3, xã Cư Êwi.

Cũng như chị Liên, ông Ngô Minh Châu, thôn Kim Châu, xã Dray Bhăng vui vẻ, trước đây gia đình trồng một số loại nông sản nhưng không nhiều hiệu quả, cây hay bị bệnh. Năm 2021, gia đình được NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm, gia đình ông đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cau và sâu riêng trên diện tích 0,5ha vườn cây cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. Năm nay, cau được mùa lại được giá 80.000 – 90.000 đồng/kg.

Cây cau cũng là loại dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, không những tạo cảnh quan đẹp mà còn giúp người nông dân làm giàu, mang lại giá trị kinh tế hơn hẳn nhiều loại cây trồng khác, ông Châu cho biết thêm.

Mô hình kinh tế tổng hợp trồng cây sầu riêng và cây cau của gia đình ông Ngô Minh Châu, thôn Kim Châu, xã Dray Bhăng.

Tính đến 31/10/2024, tổng dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm từ nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Cư Kuin ước đạt gần 112 tỷ đồng với hơn 2.500 hộ vay vốn. Riêng trong 10 tháng năm 2024, NHCSXH huyện Cư Kuin đã giải quyết cho vay hơn 500 lao động với số tiền hơn 20 tỷ đồng.

Sau khi tiếp cận được nguồn vốn từ NHCSXH, nhiều hộ gia đình đã đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, như: Trồng cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển hàng thủ công mỹ nghệ,… Các mô hình này không chỉ giúp các hộ nâng cao thu nhập mà còn tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trong cộng đồng.

Phát huy hiệu quả nguồn vốn giải quyết việc làm

Đánh giá về công tác triển khai nguồn vốn tín dụng chính sách cho giải quyết việc làm tại địa phương thời gian qua, bà Hoàng Thị Thanh Tâm – Giám đốc NHCSXH huyện Cư Kuin cho biết, nguồn vốn tín dụng chính sách cho giải quyết việc làm đã góp phần đáng kể trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo tại huyện. Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo nhờ vào việc vay vốn sản xuất, kinh doanh, tạo ra nguồn thu ổn định, giúp người dân không còn phụ thuộc vào trợ cấp xã hội.

Chương trình cũng đã khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ. Các mô hình khởi nghiệp này đã góp phần làm phong phú thêm nền kinh tế của huyện. Sản phẩm có đầu ra tốt, được tiêu thụ rộng rãi tại các thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế tại địa phương, bà Tâm cho biết thêm.

Tuy nhiên, để chương trình tiếp tục phát huy tác dụng lâu dài, cần có sự nỗ lực đồng bộ từ các cấp chính quyền, NHCSXH và cộng đồng để giải quyết những khó khăn và thách thức, cụ thể như: Cần thiết lập các kênh tiêu thụ sản phẩm hiệu quả và bền vững, đặc biệt là kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã và các đơn vị phân phối sản phẩm nhằm giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó, tổ chức những khóa đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng quản lý sản xuất, quản lý tài chính cho người vay vốn. Đồng thời, có những chính sách hỗ trợ kịp thời để giảm thiểu thiệt hại rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh gây ra cho các hộ vay vốn khi gặp phải các tình huống bất lợi.

PV