Tiêu đề: Có bắt buộc thỏa thuận về xử lý vi phạm trong thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh?

Tiêu đề: Có bắt buộc thỏa thuận về xử lý vi phạm trong thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh?

Có bắt buộc phải thỏa thuận nội dung về xử lý vi phạm trong thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh không?

Câu hỏi của chị Huyền (Hà Nam).

Thỏa thuận về xử lý vi phạm trong thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh

Căn cứ theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH về bảo vệ bí mật kinh doanh như sau:

Điều 4. Bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ

…2. Thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ có thể gồm những nội dung chủ yếu sau:

  • Danh mục bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
  • Phạm vi sử dụng bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
  • Thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
  • Phương thức bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
  • Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
  • Xử lý vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ.

Và theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Điều 3. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự

  1. Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
  2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

Như vậy, các bên có quyền tự nguyện thỏa thuận về nội dung xử lý vi phạm trong thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh mà pháp luật không bắt buộc.

Người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin về quy định bảo vệ bí mật kinh doanh cho người lao động khi giao kết hợp đồng không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

Điều 16. Nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động

  1. Người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người lao động về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người lao động yêu cầu.

Theo đó, khi giao kết hợp đồng người sử dụng lao động có nghĩa vụ cung cấp cho người lao động về thông tin quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh.

Người lao động có hành vi vi phạm thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì xử lý như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH như sau:

Điều 4. Bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ

…3. Khi phát hiện người lao động vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động bồi thường theo thỏa thuận của hai bên. Trình tự, thủ tục xử lý bồi thường được thực hiện như sau:

a) Trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm trong thời hạn thực hiện hợp đồng lao động thì xử lý theo trình tự, thủ tục xử lý việc bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 2 Điều 130 của Bộ luật Lao động;

b) Trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì xử lý theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan.

Như vậy, đối với trường hợp người lao động có hành vi vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì xử lý theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan.