Trương Mỹ Lan: Đã khắc phục hơn 323.000 tỉ đồng
Nghi vấn về “núi” tài sản có giá trị thực bao nhiêu?
Theo kế hoạch xét xử phúc thẩm, ngày 15.11, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đề nghị mức án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 đồng phạm, gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hàng trăm nghìn tỉ đồng, trong giai đoạn 1.
Bị cáo Trương Mỹ Lan bị TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vào tháng 4.2024, tuyên phạt mức án tử hình cho 3 tội danh: tội tham ô tài sản (tử hình), tội đưa hối lộ (20 năm tù) và tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (20 năm tù).
Tòa buộc bị cáo Lan bồi thường cho SCB hơn 673.000 tỉ đồng và 673 tỉ đồng án phí dân sự sơ thẩm. Không đồng tình với bản án này, nên bị cáo đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Trong quá trình xét xử phúc thẩm, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã đưa ra một loạt phương án cho rằng tài sản của mình có khả năng khắc phục hậu quả do mình gây ra, để "mong tòa cho bị cáo cơ hội được trở về".
Cụ thể, sau phiên tòa sơ thẩm, gia đình bị cáo Lan đã nộp hơn 500 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. Tại tòa phúc thẩm, nhiều lần bị cáo Lan mong SCB thông cảm trả lại 5.000 tỉ đồng để khắc phục hậu quả cho chính ngân hàng này. Đây là số tiền mà bị cáo và các cổ đông nộp để tăng vốn điều lệ cho SCB, được SCB hòa vào dòng tiền để sử dụng.
Bị cáo Trương Mỹ Lan còn khai rằng có khoảng 21.400 tỉ đồng là số tiền mà các cá nhân, tổ chức phải trả cho bị cáo (trong đó có bị cáo Nguyễn Cao Trí, Dương Tấn Trước, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, Công ty CP T&H Hạ Long và Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh…) và 172 tỉ đồng trong tài khoản phong tỏa để đảm bảo nghĩa vụ cho bị cáo Lan.
Số tiền mà Công ty Hoàng Quân định giá 726/1.166 mã tài sản đảm bảo cùng với tài sản cố định của SCB và các khoản nợ đã bán cho Công ty VAMC là 295.000 tỉ đồng. Như vậy, tổng cộng số tiền bị cáo Lan đã khắc phục, nộp lại là hơn 323.000 tỉ đồng.
Nghi vấn về “núi” tài sản có giá trị thực bao nhiêu?
Ngoài ra, bị cáo Trương Mỹ Lan còn có rất nhiều tài sản có giá trị rất lớn khác, bị cáo đồng ý dùng để khắc phục cho vụ án. Trong đó có 440 mã tài sản đảm bảo tại SCB không được Công ty Hoàng Quân định giá, và 658 mã tài sản không bảo đảm cho bất kỳ nghĩa vụ nào tại SCB đang bị cơ quan điều tra kê biên…
Tài sản giá trị thực bao nhiêu?
Theo bị cáo Lan, tổng giá trị của 440 mã tài sản không định giá được, theo trên sổ sách ước tính khoảng hơn 628.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi trả lời câu hỏi của Viện kiểm sát về giá trị thực của tài sản này, thì bị cáo Lan khai: "Theo kinh nghiệm bị cáo thì trên 100.000 tỉ đồng".
Bồi thường 30.800 tỉ đồng cho 35.800 người trong giai đoạn 2
Ngoài vụ án trên, hôm 17.10, bị cáo Trương Mỹ Lan và 33 đồng phạm còn bị TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm xảy ra tại Tập Đoàn Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2.
Tòa phạt bị cáo Lan tổng hợp hình phạt chung là tù chung thân về 3 tội danh: tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tù chung thân); tội rửa tiền (12 năm tù); tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (8 năm tù).
Tòa buộc bị cáo Lan bồi thường toàn bộ hơn 30.800 tỉ đồng cho hơn 35.800 người bị hại liên quan phát hành trái phiếu. Lý do là bị cáo Lan và 33 đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 30.000 tỉ đồng của trái chủ, rửa tiền hơn 445.000 tỉ đồng, và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới khoảng 106.730 tỉ đồng.