Thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Biên phòng – Thời gian qua, BĐBP Cà Mau đã thể hiện rất tốt vai trò chủ lực và tinh thần quyết liệt trong triển khai thực hiện phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Phùng Đức Hưng, Chỉ huy trưởng BĐBP Cà Mau.


Thượng tá Phùng Đức Hưng (bên trái) kiểm tra công tác tuần tra, kiểm soát phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển Cà Mau. Ảnh: Lê Khoa

– Phòng chống khai thác IUU là quá trình lâu dài và trải qua không ít khó khăn. Vậy, BĐBP Cà Mau đã có chủ trương, giải pháp gì để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, thưa đồng chí?

– Thời gian qua, ngư dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã cùng với các ngành chức năng có nhiều nỗ lực để khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, tuy nhiên, vẫn còn một số cá nhân vì lợi ích kinh tế trước mắt, nên vẫn tiếp tục vi phạm khai thác IUU, cá biệt vẫn còn một số ít vi phạm vùng biển nước ngoài. Vì lợi ích lâu dài của ngư dân và của đất nước, cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình, xác định chủ trương, giải pháp triển khai thực hiện phòng, chống khai thác IUU. Trong đó, tập trung vào các nội dung, biện pháp, chỉ tiêu cụ thể như:

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tập trung phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến chủ tàu, thuyền trưởng, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh hải sản trên địa bàn. Các đồn, trạm kiểm soát duy trì thực hiện nghiêm công tác kiểm soát biên phòng. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan tăng cường kiểm tra, kiên quyết không cho tàu cá xuất bến nếu không đầy đủ thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị bảo đảm an toàn theo quy định, nhất là các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên.

– Đề nghị đồng chí cho biết một số kết quả tiêu biểu, nổi bật trong công tác phòng chống khai thác IUU thời gian qua?

– Có thể nói, do đơn vị đã chủ động phối hợp với lực lượng chức năng và các cơ quan, ban, ngành địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn, phòng chống khai thác IUU, nên thời gian gần đây, ngư dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau cơ bản đã nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động khai thác hải sản. Tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm rõ rệt so với những năm trước đây. Ngư dân chấp hành tốt việc ghi chép nhật ký, cập cảng, rời cảng và khai báo truy xuất nguồn gốc thủy sản theo đúng quy định của pháp luật; 100% tàu cá trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và các thủ tục giấy tờ, đảm bảo đầy đủ trang thiết bị an toàn cho người, phương tiện khi hoạt động trên biển. Đặc biệt, tình trạng ngư dân sử dụng kích điện, đèn cao áp quá công suất, giã cào gần bờ để khai thác hải sản, làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản đã giảm đáng kể.


Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Đốc, BĐBP Cà Mau tuần tra, bảo vệ vùng biển. Ảnh: Đăng Bảy

Qua 5 năm, BĐBP Cà Mau đã phát hiện, điều tra, xử lý và tham mưu cho UBND tỉnh xử lý 380 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, phạt tổng số tiền trên 11 tỷ đồng. Trong đó, tham mưu UBND tỉnh ra quyết định xử lý 5 trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài, với tổng số tiền trên 7 tỷ đồng, tịch thu 5 tàu cá. Từ năm 2018 đến nay, thông qua hệ thống giám sát hành trình, các đồn, trạm Biên phòng đã kịp thời kêu gọi 297 tàu vượt ranh giới sang vùng biển nước ngoài quay về vùng biển Việt Nam, lập hồ sơ xử lý 13 trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài, với tổng số tiền 1,8 tỷ đồng. Do đó, so với các năm trước, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm đáng kể. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh không có tàu cá ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.

– Việc làm thay đổi nhận thức của ngư dân có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng, chống khai thác IUU. Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững nghề cá, BĐBP Cà Mau sẽ triển khai biện pháp công tác này như thế nào?

– Chung sức, đồng lòng cùng cả hệ thống chính trị quyết tâm tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, phát triển bền vững ngành thủy sản, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế là mong muốn, là nhiệm vụ hàng đầu của BĐBP Cà Mau trong những năm gần đây.

Chúng tôi luôn xác định tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân là giải pháp căn bản, xuyên suốt trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khai thác IUU. Để làm tốt và có hiệu quả nội dung trên, BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến ngư dân, chủ tàu, thuyền trưởng trên địa bàn nâng cao nhận thức, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là Luật Thủy sản và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống khai thác IUU. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền theo các chuyên đề, chuyên sâu về chống khai thác IUU thông qua hình thức lồng ghép các hoạt động truyền thông, văn hóa, văn nghệ, sân khấu hóa.

Cùng với đó, chúng tôi giao nhiệm vụ cho đảng viên đồn Biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới biển tiến hành tuyên truyền, vận động đối với các chủ cơ sở khai thác, sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Hướng dẫn cho ngư dân nhận biết được ranh giới vùng biển Việt Nam với các nước nhằm cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm. Tập trung phổ biến các quy định về ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản, báo cáo khai thác, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình, không vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Cùng với đó, trao đổi, thống nhất với các lực lượng chức năng, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương công khai các vụ việc vi phạm, xử lý pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, cảnh báo, răn đe hậu quả hành vi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

– Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Phương Vy (Thực hiện)