Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát tiến độ các dự án tại Đà Nẵng

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát tiến độ các dự án tại Đà Nẵng


Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát Dự án nghiên cứu lấn biển phục vụ khu Dịch vụ thương mại tự do. Ảnh: TTXVN

Tiếp tục chương trình thăm, làm việc tại Đà Nẵng, sáng 1/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã khảo sát một số dự án và cơ sở kinh tế-xã hội thuộc thành phố Đà Nẵng.

Cùng đi có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng.

Xây dựng Khu thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam

Nghị quyết 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong đó có việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Đây là chính sách hoàn toàn mới đối với thành phố và cả nước. Khu thương mại tự do là khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.

Khảo sát khu vực nghiên cứu lấn biển phục vụ xây dựng khu Dịch vụ thương mại thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng ở khu vực biển ven đường Nguyễn Tất Thành, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng rộng khoảng 420ha, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhất trí nghiên cứu phương án lấn biển xây dựng khu thương mại tự do, nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí so với xây dựng trên đất liền, đồng thời phát huy tối đa không gian phát triển biển; yêu cầu tham khảo kinh nghiệm các mô hình quốc tế phù hợp với điều kiện Đà Nẵng và Việt Nam.


Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát Dự án nghiên cứu lấn biển phục vụ khu Dịch vụ thương mại tự do. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng tiếp tục nghiên cứu, tính toán phương án khai thác, sử dụng vật liệu san lấp; xác định rõ chức năng của Khu thương mại tự do này, phù hợp với không gian, cảnh quan, điều kiện tự nhiên, xã hội của khu vực. Đồng thời lưu ý chỉ xây dựng Khu thương mại tự do phục vụ cho phát triển kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch; không phát triển bất động sản nhà ở tại khu vực này.

Tiếp đó, Thủ tướng khảo sát địa điểm xây dựng Khu thương mại tự do 90ha ở khu vực Khu du lịch Bà Nà-Suối Mơ, huyện Hoà Vang. Thủ tướng yêu cầu thành phố Đà Nẵng rà soát quy hoạch khu vực phát triển thương mại dịch vụ; xác định rõ chức năng, đặt khu vực này trong mối quan hệ, liên kết với các Khu thương mại tự do khác, bao gồm kết nối mềm, kết nối cứng, kết nối quản lý, cũng như tính tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, đảm bảo bổ sung cho nhau và không triệt tiêu nhau.

Xây dựng cảng Liên Chiểu theo hướng đa dụng

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác khảo sát phần cơ sở hạ tầng dùng chung và đường ven biển nối cảng Liên Chiểu thuộc Dự án xây dựng cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, nhất là Quy hoạch chi tiết do UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt, Khu bến Liên Chiểu có diện tích 450ha, gồm khu bến container, khu bến tổng hợp; 1.200m bến thủy nội địa và 06 bến hàng lỏng, khí; công suất 50 triệu tấn/năm vào năm 2050.


Công trình Xây dựng Khu bến cảng Liên Chiểu. Ảnh: TTXVN

Khảo sát thực địa, tặng quà các lực lượng đang thi công đường ven biển nối cảng Liên Chiểu, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh, đánh giá cao thành phố Đà Nẵng, các bộ, ngành đã nỗ lực để chỉ sau hơn 1 năm kể từ chuyến khảo sát và chỉ đạo của Thủ tướng, hạ tầng dùng chung khu bến Liên Chiểu và tuyến đường ven biển nối cảng Liên Chiểu đã hình thành và đang tiếp tục được thúc đẩy thi công với không khí sôi động trên công trường.

Chỉ đạo xây dựng cảng Liên Chiểu theo hướng lưỡng dụng, đa ngành, đồng bộ, hiện đại, hiệu quả tối ưu, phát huy tối đa ưu thế về vị trí địa lý, tiềm năng phát triển của Đà Nẵng, Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng và các bộ, ngành phối hợp khẩn trương triển khai các thủ tục để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu, kinh doanh bến cảng bảo đảm công khai, minh bạch tuân thủ quy định của pháp luật. Để cùng với đó, đưa các bến cảng vào khai thác hiệu quả đồng bộ với phần cơ sở hạ tầng dùng chung.

Thủ tướng chỉ đạo thành phố Đà Nẵng huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; huy động các tổ chức chính trị, các doanh nghiệp địa phương, lực lượng vũ trang tham gia thi công và tái định cư thúc đẩy dự án sớm đi vào khai thác.

Nhất trí xây dựng khu đô thị tái định cư cho hộ dân nhường đất cho dự án xây dựng cảng Liên Chiểu, Thủ tướng yêu cầu khu tái định cư phải phù hợp với quy hoạch tổng thể; đồng thời phải tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân để người dân có cuộc sống mới tốt hơn, ít nhất là bằng nơi ở cũ.

Kiểm tra thi công đường kết nối cảng Liên Chiểu với tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam, Thủ tướng đánh giá cao thành phố Đà Nẵng đã thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng tuyến giao thông kết nối này.

Chỉ sau 01 năm, hiện nay đã đạt khối lượng 60%; mong muốn các nhà thầu thi công tổ chức đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thiện hạ tầng kết nối cảng Liên Chiểu, thu hút, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Hoàn thành tuyến cao tốc Hòa Liên-Túy Loan trước 30/8/2025

Cũng trong sáng 1/9, Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác đã kiểm tra thi công dự án đường bộ cao tốc Hòa Liên-Túy Loan dài hơn 11km, thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông đi qua huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Dự án được khởi công tháng 9/2023, dự kiến hoàn thành tháng 12/2025.

Kiểm tra thực địa và tặng quà lực lượng thi công tại dự án, Thủ tướng đánh giá cao lực lượng đã tập trung thi công với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão,” “chỉ bàn làm, không bàn lùi,” “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm,” “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương,” “làm việc 3 ca, 4 kíp”, “làm xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ” và đạt hơn 40% giá trị Hợp đồng.

Thủ tướng cũng hoan nghênh, đánh giá cao thành phố Đà Nẵng đã thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc huy động cả hệ thống chính trị vào công tác giải phóng mặt bằng; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, chăm lo cho người dân nhường đất cho dự án đến nơi ở mới có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ.

Thủ tướng mong muốn Đà Nẵng khẩn trương hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 9/2024; các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành tuyến cao tốc này trước 30/8/2025, chào mừng 80 năm Quốc khánh và chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng để hết năm 2025 cả nước có 3.000km đường bộ cao tốc như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra; phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước nhanh, bền vững, đời sống nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ khảo sát dự án đầu tư hoàn thiện nút giao đầu tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, cao tốc Hòa Liên-Túy Loan, với Quốc lộ 14B tại huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Sau khi nghe báo cáo tổng quan dự án, Thủ tướng nhất trí đầu tư nút giao này nhằm tăng liên kết giao thông giữa cao tốc với Quốc lộ 14B – tuyến đường kết nối Đà Nẵng, miền Trung với Tây Nguyên; yêu cầu xây dựng đường giao cắt với cao tốc phải khác mức. Thủ tướng nhất trí ngân sách Trung ương hỗ trợ 50% kinh phí; yêu cầu hoàn thành xây dựng nút giao này trước 30/9/2025.

Vun đắp tình đoàn kết, yêu thương

Nhân dịp thăm, làm việc tại Đà Nẵng, trưa 1/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã thăm Trường liên cấp Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Hy Vọng (Hope School), thành phố Đà Nẵng – là Trường nội trú do Tập đoàn FPT đầu tư, xây dựng để đón các em nhỏ không may mắn, mất cha mẹ do đại dịch COVID-19.


Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà cho học sinh Trường Hy Vọng. Ảnh: TTXVN

Thành lập tháng 9/2021, đến nay, Trường đã trải qua 6 đợt tuyển sinh với hơn 300 học sinh đến từ 43 tỉnh thành và 13 dân tộc anh em từ mọi miền Tổ quốc.

Hope School là đại diện duy nhất của Việt Nam đạt được giải thưởng danh giá, quy mô lớn thế giới về phát triển bền vững toàn cầu với đề cử “Hoạt động cộng đồng ấn tượng nhất toàn cầu” tại Giải thưởng CSR và ESG toàn cầu. Học sinh của Trường cũng giành nhiều giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và thành phố.

Tặng quà, trò chuyện với thầy và trò Hope School, Thủ tướng nhắc lại mất mát do đại dịch Covid-19 gây ra và sự ra đời của trường, thể hiện truyền thống tốt đẹp đoàn kết, thương người như thể thương thân của dân tộc. Cho rằng đây là di sản quý báu của dân tộc, Thủ tướng mong muốn giáo viên, học sinh nhà trường tiếp tục gìn giữ, phát huy, vun đắp di sản này lên tầm cao mới, trong thời đại mới.

Thủ tướng biểu dương Tập đoàn FPT, với triết lý “hy vọng gieo rắc hy vọng; yêu thương đền đáp yêu thương”, không chỉ kinh doanh hiệu quả mà còn quan tâm, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

Chúc mừng thầy và trò nhà trường đạt nhiều thành tích trong những năm học qua, bước vào năm học mới 2024-2025, Thủ tướng mong muốn các thầy giáo, cô giáo không chỉ dạy chữ mà hãy thể hiện tình yêu thương học sinh như yêu thương người thân mình để bù đắp một phần thiệt thòi cho các cháu; đề nghị FPT cùng với đào tạo kiến thức toàn diện, hướng tới đào tạo những ngành mới nổi, nhất là các ngành mà FPT có thế mạnh và nhu cầu; tiếp tục chăm lo, giáo dục học sinh phát triển toàn diện và theo khả năng của các cháu.

Khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo sự nghiệp trồng người, nhất là đối với những người yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau; không hy sinh công bằng, tiến bộ, an sinh xã hội, môi trường để lấy tăng trưởng đơn thuần; xác định con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực của sự phát triển…, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn học sinh Hope School nỗ lực vươn lên, học tập, rèn luyện, phát triển cả đức, trí, thể mỹ, trước hết trở thành công dân tốt vì chính mình, đóng góp cho quê hương, đất nước.

Theo TTXVN