Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công dự án 200 triệu USD – Ảnh: NHẬT BẮC
Ngày 13-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác dự lễ khởi công dự án nhà máy sản xuất, chế tạo các loại bảng mạch in điện tử tại Khu công nghiệp Bờ trái sông Đà, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.
Dự án 200 triệu USD chuyên sản xuất bảng mạch in điện tử
Dự án sẽ sản xuất vi mạch điện tử để phát triển các thiết bị ngoại vi, máy vi tính, đồ điện tử, thiết bị nghe nhìn, pin mặt trời, chip vi xử lý, bộ điều khiển…
Nhà máy của Tập đoàn Meiko Electronics (Nhật Bản) có diện tích 9,2ha, tổng vốn đầu tư 4.660 tỉ đồng, tương đương 200 triệu USD và nâng lên 500 triệu USD khi xây dựng nhà máy thứ 2.
Dự kiến khi đủ công suất vào năm 2030, tập đoàn cần khoảng 3.000 lao động và nộp ngân sách khoảng 200 tỉ đồng/năm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ và các bộ ngành cam kết hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân. Chẳng hạn như đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, viễn thông để giảm chi phí logistics, nâng cao hiệu quả đầu tư hay quan tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Tại lễ khởi công, Thủ tướng đề nghị Hòa Bình hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để các nhà đầu tư, nhất là lĩnh vực công nghệ cao, đầu tư vào tỉnh. Chính phủ và các bộ, ngành sẵn sàng lắng nghe, giải quyết vấn đề, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Hòa Bình quyết tâm cao triển khai hai dự án đường bộ
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình.
Người đứng đầu Chính phủ đã nghe báo cáo về vị trí “cửa ngõ” vùng Tây Bắc quan trọng của Hòa Bình, lợi thế kết nối các vùng với thủ đô qua đường Hồ Chí Minh, các quốc lộ, cao tốc Hòa Bình – Hà Nội, Hòa Bình – Sơn La đang được triển khai.
Đây cũng là địa phương tiềm năng phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, du lịch, công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo.
Tuy vậy, tăng trưởng GRDP của tỉnh không đạt kế hoạch, sản xuất kinh doanh khó khăn, năng lực cạnh tranh và tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa cao.
Các vấn đề như quản lý tài nguyên, đất đai, hiện tượng thời tiết cực đoan, chất lượng nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số vẫn còn tồn tại, hạn chế.
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long cho biết tỉnh quyết tâm cao trong triển khai hai dự án đường liên kết Hòa Bình – Hà Nội và cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu.
Địa phương cũng ban hành đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường, nền văn hóa Hòa Bình giai đoạn 2023-2030, danh mục xây dựng không gian văn hóa Hòa Bình khoảng 500 tỉ đồng.
Theo ông Long, tỉnh đang lập hồ sơ hai di chỉ hang Xóm Trại, mái đá Làng Vành (huyện Lạc Sơn) là di tích quốc gia đặc biệt và nghiên cứu, đề xuất lập hồ sơ công nhận nền văn hóa Hòa Bình là di sản thế giới.
Sau khi nghe các ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá so với chuyến công tác và làm việc với tỉnh vào cuối tháng 2-2023, tỉnh có nhiều điểm hơn. Ví dụ, đầu tư phát triển tập trung hơn, nhận thức về tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh chuyển biến tích cực hơn…
Gợi ý phát triển thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ Hòa Bình cần chú ý mô hình tập trung đa cực, 2 hành lang kinh tế và 3 vùng, trong đó có đô thị Hòa Bình, Lương Sơn đóng vai trò trung tâm, khu vực phát triển phía đông là cầu nối với Hà Nội, vùng trung du, miền núi phía Bắc.
Thủ tướng nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm như phát triển các ngành, tập trung vào công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, văn hóa bản sắc, kinh tế nông nghiệp.
Tỉnh cần đầu tư xây dựng hạ tầng, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, quản lý và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả, chú ý phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Thủ tướng cũng nhắc đến các nhiệm vụ đầu tư đào tạo nhân lực chất lượng cao, hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, đẩy mạnh chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, làm tốt công tác sáp nhập, sắp xếp các đơn vị hành chính…