Chỉ cần cung cấp những thông tin cơ bản về họ tên, mã số sinh viên, lớp học, giờ học, khách hàng có thể an tâm giao việc “tiếp thu kiến thức hộ” cho người học hộ. Không có mức giá nào cố định cho các loại hình dịch vụ này. Giá cả được quyết định bởi nhiều yếu tố từ hoàn cảnh, thời gian cho đến mức độ khó dễ của môn học.
Với vài thao tác đăng tin nhận học hộ trên các hội nhóm, chờ đợi khách hàng tìm đến và bắt đầu ngã giá. Lợi dụng lợi thế là sinh viên trường, am hiểu rõ về tác phong và cách quản lý lớp học của giảng viên, không ít sinh viên đã tận dụng kẽ hở này để “kinh doanh”. Thậm chí nếu siêng năng thì một tháng, người học hộ có thể kiếm được số tiền lên tới vài triệu đồng.
Một hội nhóm cung cấp dịch vụ học hộ, thi hộ trên mạng có đến hơn 100.000 thành viên
Suy nghĩ chỉ cần có tiền là không cần đi học, mà vẫn đảm bảo có điểm chuyên cần, điểm quá trình đến cả điểm thi, nhiều sinh viên hiện nay sẵn sàng mạnh tay chi trả các loại hình dịch vụ học hộ, làm bài hộ, với nhiều lý do: bận việc cá nhân, đi làm thêm hay đơn giản là không muốn đi học. Dù bằng bất cứ lý do gì, tình trạng này vẫn sẽ gây ra những hậu quả không hề nhỏ.
Có cầu ắt có cung, hiện nay học hộ, làm bài hộ hay thi hộ đang ngày khó kiểm soát bởi cách thức hoạt động ngày một tinh vi và khó phát hiện. Để giảm thiểu tình trạng trên hiện nay, nhiều trường đại học, cao đẳng đã và đang áp dụng các quy định, hình thức kỷ luật cụ thể theo từng mức độ vi phạm dựa trên các cơ sở pháp lý từ Quy chế học sinh, sinh viên, Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.