Thoát nghèo từ nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer

Thoát nghèo từ nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer

Biên phòng – Với hơn 25.000ha trồng dừa, tỉnh Trà Vinh có diện tích dừa lớn thứ 2 cả nước. Sống trong vùng nguyên liệu dừa, người Khmer đã sáng tạo ra nghề thu mật hoa dừa truyền thống. Tuy nhiên, từ khi công nghệ mía đường ra đời, nghề thu mật hoa dừa gần như biến mất. Cuộc sống người nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Thay đổi tư duy thoát nghèo, vượt định kiến, chị Thạch Thị Chal Thy – người phụ nữ Khmer đã khôi phục nghề truyền thống và gia tăng giá trị cho dừa. Gia đình chị không chỉ thoát nghèo, mà còn tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng.


Chị Thạch Thị Chal Thy cùng chồng và sản phẩm mật hoa dừa tại Hội chợ chuyên ngành ẩm thực và đồ uống THAIFEX 2022. Ảnh: Thúy Hạnh

Xuất thân trong một gia đình thuần nông ở ấp Cây Hẹ, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, chị Thạch Thị Chal Thy, sinh năm 1989 chứng kiến cảnh gia đình cũng như nhiều người dân quanh năm cần mẫn chăm sóc ruộng lúa, công dừa, nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh. Nhất là năm 2017-2018, dù giá dừa rớt xuống thảm hại, nhưng cũng không có thương lái nào tới mua. Chal Thy nói: “Khi ấy, người ta vào mua cả cây dừa 20 trái mà chỉ trả có 30 nghìn đồng, nên vườn dừa của ba mẹ Thy bị bỏ mọc mầm luôn”. Chán nản, không ai còn dám nghĩ đến việc làm giàu từ cây dừa. Xót xa cho công sức của bố mẹ và những người nông dân miền Tây, Chal Thy lại có niềm đam mê với dừa từ sớm nên chị luôn trăn trở làm thế nào để tăng giá trị kinh tế cho cây dừa và giúp đỡ được những người dân trồng dừa ở quê mình.

Khát khao đổi thay, với sự năng động, dám nghĩ, dám làm, Thạc sĩ công nghệ thực phẩm Chal Thy đã quyết định bỏ lại công việc ổn định ở thành phố Hồ Chí Minh để trở về Trà Vinh để làm điều gì đó để gia tăng giá trị cho cây dừa. Chal Thy bày tỏ: “Tôi muốn nông dân quê mình giàu hơn”.

Quá trình tìm hướng đi cho cây dừa, Chal Thy thấy rằng các nước như: Philippines, Thái Lan, Indonesia… đã phát triển ngành thu mật hoa dừa. Nhận thấy tiềm năng của cây dừa, Chal Thy đã cùng chồng mất 6 tháng để nghiên cứu dừa, theo phương thức canh tác mới-đó là thu mật hoa dừa. Ngày đầu khởi nghiệp, Chal Thy gặp nhiều khó khăn. Nhất là khi biết ý định trồng dừa để lấy mật, rất nhiều người phản đối bởi có thể ảnh hưởng đến năng suất thu trái của cây dừa. Vì từ xưa đến nay, người dân trồng dừa để lấy trái, chứ ai lấy mật, họ nói: “Hai vợ chồng bị khùng, lấy hết hoa dừa thì lấy đâu ra trái dừa mà uống, việc làm đó có thể phá hoại những vườn dừa…”. Sau một năm 9 tháng để tìm hiểu mật hoa dừa, cách lấy mật hoa dừa, tìm hiểu thị trường, cách chế biến sản phẩm, xây nhà xưởng…, Công ty TNHH Trà Vinh Sokfarm được thành lập vào tháng 6/2019. Thậm chí, 6 tháng đầu công ty thành lập, cùng với nhiều phương pháp lấy mật, Chal Thy vẫn không thành công.

Đi sâu nghiên cứu, Chal Thy rất vui mừng khi phát hiện ra đây là một nghề truyền thống của người Khmer đã bị quên lãng, sau khi ngành công nghiệp mía đường ra đời. Sau khi ghi chép tỉ mỉ từ những bậc cao niên hướng dẫn kỹ thuật cùng với phương pháp đúng, Chal Thy đã có được quy trình lấy mật hoa dừa. Nhờ sự giúp đỡ rất lớn từ các chính sách hỗ trợ của tỉnh Trà Vinh trong việc xây dựng thương hiệu, nguồn vốn và thúc đẩy thương mại, đến tháng 9/2019, Công ty Sokfarm của vợ chồng Chal Thy đã có những sản phẩm đầu tiên được đưa ra thị trường. Hiệu quả kinh tế cao từ mô hình trồng dừa lấy mật, được Nhà nước và các ngành chuyên môn động viên, càng khẳng định ý tưởng táo bạo về phương thức canh tác mới là đúng đắn.


Người dân Khmer phấn khởi khi có việc làm ổn định, với mức thu nhập khá nhờ thu hoạch mật dừa. Ảnh: Thúy Hạnh

Năm 2018, Chal Thy mạnh dạn tham gia dự thi ý tưởng khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh tổ chức và đạt giải Nhất. Năm 2019, Chal Thy lại được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chứng nhận sản phẩm giá trị gia tăng từ mật hoa dừa là đề án tiêu biểu trong phong trào khởi nghiệp. Năm 2021, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chứng nhận các sản phẩm của Sokfarm là ngành hàng thực phẩm Việt Nam chất lượng cao, chuẩn hội nhập. Đồng thời, Bộ Công thương cũng công bố, mật hoa dừa là một trong 4 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021 của tỉnh. Dự án “Sản xuất và chế biến các sản phẩm từ mật hoa dừa Sokfarm” đã vượt qua 346 dự án của 56 tỉnh thành trên cả nước, giành giải quán quân của cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2020”, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp cùng các đơn vị tổ chức. Chal Thy tiếp tục nhận được rất nhiều giải thưởng cao quý, trong đó có giải thưởng vinh danh tại Chương trình “Vinh quang Việt Nam” tháng 9/2022; giải thưởng, chứng nhận quốc tế danh giá Great Taste Award năm 2023.

Sản phẩm mật hoa dừa được cấp chứng nhận OCOP 4 sao, phân phối hơn 40 tỉnh, thành trên cả nước, có mặt trên các mạng xã hội như Facebook, zalo, sàn thương mại điện tử Amazon, Alibaba và xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan, Đức… Gia đình Chal Thy không chỉ thoát nghèo, mà còn giúp cho đồng bào của mình thoát nghèo bền vững. Với thu nhập 15-25 triệu đồng/tháng, Chal Thy tạo sinh kế cho 35 công nhân làm tại xưởng, trong đó có 80% là người dân tộc Khmer.

Điều quan trọng nhất là ngành thu mật hoa dừa rất thích hợp với biến đổi khí hậu. Đó là khi nước biển xâm mặn, khiến nhiều cây nông sản không thể sống được, thì cây dừa vẫn có khả năng sống tốt. Chuyển đổi thu trái sang thu mật hoa không chỉ giúp giữ đất, giữ cây, mà còn tạo kế sinh nhai cho người nông dân ở khu vực miền Tây.

Sắp tới, ngoài việc phát triển sản phẩm, công ty của Thạch Thị Chal Thy sẽ tận dụng các vườn dừa để phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng du lịch học thuật và du lịch trải nghiệm, giúp nâng cao giá trị nông sản, du lịch học thuật, đáp ứng cho những khách hàng muốn khởi nghiệp và những doanh nghiệp muốn học hỏi. Đồng thời, những du khách theo hướng muốn trải nghiệm, sẽ có cơ hội được thực hành các bước thu hoạch lấy mật hoa dừa và trải nghiệm không gian văn hóa nơi đây.

Thúy Hạnh