Khách nhờ xóa hộ clip nhạy cảm
“Tôi vừa mở cửa, vị khách đầu tiên bước vào mua một chiếc điện thoại, rồi sẵn tiện nhờ tôi cài giúp vài bộ phim… đồi trụy. Lúc đó, tôi tìm cách né tránh nhưng vị khách vẫn cứ nằng nặc đòi tôi chỉ cách vào xem những trang mạng có nội dung không tốt”, Minh Đức (ngụ quận 8, TPHCM), thợ sửa điện thoại, kể lại.
Nghề sửa điện thoại là một công việc đòi hỏi chuyên môn, sự tập trung và nhẫn nại cao (Ảnh minh họa: Vistacreate).
Thấy vị khách ngoan cố với vẻ mặt hung hăng, Đức không còn cách nào khác ngoài việc “mắt nhắm, mắt mở”, làm theo yêu cầu.
Chàng trai cho hay đây không phải lần đầu anh đối mặt với tình huống khó xử này. Thỉnh thoảng, có vài vị khách quay clip nhạy cảm trong điện thoại nhưng vô ý mang đến nhờ thợ xóa giúp, vì dung lượng bộ nhớ bị đầy.
“Nếu gặp thợ tốt thì không sao, nhưng lỡ không may gặp người xấu thì những đoạn clip đó có thể bị phát tán khắp nơi để trục lợi. Sự việc tương tự đã diễn ra rất nhiều lần, gây ảnh hưởng đến chính chủ của chiếc điện thoại ấy. Tôi luôn dặn khách hàng phải cẩn thận với thông tin trong điện thoại mỗi khi đem đến bất kỳ cửa hàng sửa chữa nào”, Đức nói.
Trước khi sửa bất kỳ chiếc điện thoại nào, anh Đức luôn làm theo nguyên tắc trao đổi và cam kết trước với khách hàng. Người thợ phải kiểm tra máy, báo lỗi, giá cả với khách rồi mới được quyền sửa chiếc điện thoại ấy. Anh Đức còn luôn phải cảnh giác, phân biệt điện thoại chính chủ và máy bị trộm.
Bên trong điện thoại di động có nhiều link kiện rất nhỏ, người thợ luôn phải hết sức cẩn trọng (Ảnh minh họa: NyTimes).
Tuy nhiên, dù có cố gắng làm bằng cái tâm, không ít lần anh vẫn bị khách hàng nghi ngờ, mắng chửi.
“Có nhiều người không tin tưởng, sợ bị thợ tráo đồ nên luôn dùng những lời lẽ, hành động nghi ngờ khiến tôi cảm thấy buồn. Nhiều lần, tôi còn bị khách mắng chửi, bắt đền vì điện thoại vừa sửa xong lại bị hư bộ phận khác, trong khi nguyên nhân là do khách chứ không phải thợ. Lúc đó, mình cũng chỉ có thể nhịn và giải thích cho họ hiểu”, anh chia sẻ.
Chàng trai bộc bạch rằng nếu muốn trụ vững với nghề, người thợ phải có tính chịu đựng cao và luôn nhắc mình làm việc thật có tâm. Suốt 4 năm làm nghề, anh Đức luôn tự rút kinh nghiệm từng ngày để đối phó với những tình huống oái oăm.
Nghề dễ kiếm nhiều tiền
Trước đây, anh Đức học nghề sửa điện thoại từ bố. Thời gian đầu, anh rơi vào chán nản khi chuyên môn công việc quá khó. Bản thân dễ mất tập trung, thiếu kiên nhẫn khiến anh Đức tưởng chừng như đã bỏ nghề.
Tuy nhiên, khi thấy bố làm việc vất vả, anh dặn lòng phải cố gắng để cửa hàng điện thoại tâm huyết của gia đình không bị đóng cửa.
Ngoài sự hướng dẫn của bố, anh còn lên mạng xem những đoạn clip dạy kỹ năng để rèn luyện nhiều lần. Đối với anh Đức, nghề này không thể chỉ học mỗi lý thuyết. Công việc gắn liền với máy móc nên người thợ cũng phải làm việc như một cỗ máy, tuyệt đối không để xảy ra bất kỳ sai sót nào.
Nếu muốn trụ vững trong nghề, người thợ phải làm việc bằng cái tâm (Ảnh minh họa: Vistacreate).
Khi mới vào nghề, anh Đức không nhớ nổi số lần anh cầm chiếc mũi hàn điện tử, tập đi tập lại kỹ năng khò bo mạch chủ điện thoại (main) sao cho không khiến nó bị “chết”.
Bộ main này chứa các linh kiện như ổ cứng, chip, tụ điện,… có kích thước rất nhỏ và cấu tạo phức tạp. Vì thế, người thợ phải mang một chiếc kính phóng to kẹp ở mắt, rồi chậm rãi di chuyển chiếc mũi hàn.
Đó là một trong những công đoạn mất thời gian và công sức nhất. Nếu sai một chi tiết rất nhỏ, chiếc điện thoại có thể sẽ không hoạt động được và người thợ phải bỏ tiền túi ra để đền cho khách.
Đối với anh Đức, những lần cửa hàng đông khách, đặc biệt là dịp Tết, người thợ vừa vui, vừa lo.
“Vui vì kiếm được nhiều tiền nhưng lo bởi phải sửa nhanh nhưng không được ẩu. Nhiều lúc khách hàng không chờ được, họ bực bội là chuyện bình thường”, anh Đức cho hay.
Ngoài việc sửa chữa, người thợ có thể tăng thu nhập nhờ kinh doanh thêm linh kiện, thu mua, bán lại điện thoại di động (Ảnh minh họa: Post Guam).
Không những vậy, tính chất công việc còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người thợ. Làm nghề 4 năm, giờ đây anh Đức cảm nhận cột sống đau nhức và đôi mắt mỏi rõ rệt. Ngoài ra, anh còn mắc bệnh hô hấp vì liên tục hít phải khói chì, nhựa thông khi khò, hàn linh kiện điện thoại.
Mặc dù gặp không ít trắc trở, công việc vẫn mang lại cho anh thu nhập ổn định. Ngoài sửa chữa, anh còn mở thêm dịch vụ bán điện thoại di động, linh kiện hoặc thu mua, buôn bán điện thoại đã qua sử dụng.
Theo anh, một người thợ thường có thu nhập 9-12 triệu đồng/tháng. Nhưng khi biết phát triển công việc kinh doanh nhờ vào kinh nghiệm trong nghề, người thợ có thể tăng thu nhập gấp nhiều lần.