Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
Xây dựng hệ thống Tòa án phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân
Phóng viên: Là một trong những người tham gia từ đầu trong quá trình soạn thảo, ông có thể cho biết, Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã cụ thể hóa như thế nào mục tiêu được nêu ra trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam?
Ông Lê Thế Phúc: Nghị quyết số 27-NQ/TW đưa ra mục tiêu: “Hoàn thành cơ bản việc xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân” mà trọng tâm là “đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.
Để cụ thể hóa mục tiêu nêu trên, trong quá trình soạn thảo, TANDTC xác định mục tiêu xuyên suốt của việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND là nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN), bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Để thực hiện mục tiêu này, Luật Tổ chức TAND 2024 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định quan trọng như:
Bổ sung quy định về nội hàm Tòa án thực hiện quyền tư pháp. Theo đó, “TAND thực hiện quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, quyết định về các tranh chấp, vi phạm pháp luật, về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.”; bổ sung 02 nhiệm vụ, quyền hạn mới cho Tòa án, đó là:
(1) Xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật;
(2) Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc; Không quy định 01 nhiệm vụ, quyền hạn Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa; điều chỉnh 01 nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính; Bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án theo thẩm quyền xét xử tại các điều 23, 24 và 25.
Xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Tổ chức lại bộ máy giúp việc của TANDTC, TAND cấp cao, bảo đảm tính khoa học, phù hợp với quy trình tố tụng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị giúp việc về chuyên môn, nghiệp vụ cho Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao; bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ xây dựng Tòa án điện tử, Tòa án thông minh và yêu cầu chuyển đổi số theo đúng định hướng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW; thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt để bảo đảm tính chuyên môn hoá và sự chuyên sâu trong hoạt động; đồng thời, phát huy trình độ chuyên môn sâu của Thẩm phán, Hội thẩm trong xét xử một số loại vụ việc có tính chất đặc thù như sở hữu trí tuệ, phá sản; bảo đảm tính độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm khi xét xử các vụ án hành chính từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các vụ việc.
Luật cũng sửa đổi quy định về ngạch, bậc Thẩm phán. Theo đó, Thẩm phán gồm có 2 ngạch là Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán TAND; sửa đổi quy định về nhiệm kỳ của Thẩm phán. Theo đó, nhiệm kỳ của Thẩm phán TANDTC được tính từ khi được bổ nhiệm đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác; Thẩm phán TAND được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ 05 năm, Thẩm phán TAND được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác; sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để bảo đảm nguyên tắc độc lập của Thẩm phán như: Bổ sung quy định về chế độ bảo vệ, miễn trừ trách nhiệm đối với Thẩm phán để bảo đảm cho Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; bổ sung quy định Thẩm phán được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật khi bị tổn hại tính mạng, sức khỏe vì lý do công vụ; quy định nhiều nội dung mới nhằm đề cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và giám sát đối với Thẩm phán; bổ sung một chương mới về Tổ chức xét xử.
Ông Lê Thế Phúc – Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao.
Phóng viên: Ông có thể cho biết vai trò của Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) trong việc tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của Tòa án xứng tầm là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam?
Ông Lê Thế Phúc: Có thể nói Luật Tổ chức TAND năm 2024 đã thể chế hóa các quan điểm lớn, tiến bộ của Đảng về cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền CHXN tại Nghị quyết số 27-NQ/TW và các nghị quyết, văn kiện của Đảng; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về TAND thực hiện quyền tư pháp, về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao.
Luật Tổ chức TAND được sửa đổi cũng đã tạo hành lang pháp lý cho các Tòa án nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử; tổ chức và hoạt động của Tòa án tiếp tục được hoàn thiện, đổi mới để Tòa án thực hiện đầy đủ chức năng “là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Điều này được thể hiện rõ ở các mặt như: về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; tổ chức bộ máy; tổ chức bộ máy; về Thẩm phán; về bảo vệ Tòa án; về bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Tòa án; về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, kinh phí hoạt động cho các TAND.
Ví dụ, về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án, rõ ràng việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn “giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc” sẽ ràng buộc trách nhiệm cao hơn đối với các Tòa án, các Thẩm phán. Tạo cơ sở pháp lý để xã hội (mà trước hết là bị cáo, đương sự) giám sát hoạt động xét xử, giám sát bản án của Tòa án. Việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn “Xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật” để đảm bảo các vi phạm, tranh chấp, những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân đều phải được quyết định bởi Tòa án. Việc không quy định Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa để đảm bảo tính vô tư, khách quan trong quá trình xét xử. Toà án là cơ quan xét xử nhưng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự sẽ ảnh hưởng đến tính vô tư, khách quan trong quá trình xét xử vụ án đó;
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án nhằm bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc vô tư, khách quan, để Tòa án luôn giữ vai trò là trọng tài và phán xử trên cơ sở chứng cứ mà các bên đưa ra. Thực sự tôn trọng và bảo đảm “nguyên tắc tranh tụng”; bảo đảm “nguyên tắc suy đoán vô tội” trong vụ án hình sự; bảo đảm nguyên tắc “việc dân sự cốt ở đôi bên” và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tòa án giữ đúng vai trò là trọng tài (Ảnh minh họa)
Tôi cho rằng, đây sẽ là bước tiến để nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm của mình, nâng cao trình độ dân trí, khả năng tự bảo vệ của người dân sẽ tăng lên, thay vì ỉ lại vào Nhà nước. Đồng thời bảo đảm thực hiện đúng và hiệu quả nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, mỗi người tham gia vào quá trình tố tụng phải đúng vai trò, trách nhiệm của mình và Tòa án thực hiện đúng vai trò của người trọng tài đứng giữa đưa ra phán quyết công tâm, khách quan.
Việc bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án theo thẩm quyền xét xử giúp phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm, Tòa án xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nhằm tạo sự rõ ràng, minh bạch trong từng nhiệm vụ cụ thể.
Về tổ chức bộ máy, tôi cho rằng, sau khi có Luật, tổ chức bộ máy của các Tòa án sẽ được kiện toàn đảm bảo tính khoa học, tăng cường tính chuyên môn hóa nhằm nâng cao chất lượng xét xử, hiệu quả hoạt động của các Tòa án. Theo đó, trong tổ chức của TAND sẽ có thêm Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Hành chính, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ, Tòa án nhân dân chuyên biệt Phá sản (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt).
Cơ cấu tổ chức của TANDTC bao gồm Hội đồng Thẩm phán TANDTC; Văn phòng; Cục, vụ và tương đương; Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; Cơ quan báo chí. Cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân cấp cao bao gồm: Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao; Các Tòa chuyên trách gồm Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Hành chính, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động, Tòa Gia đình và người chưa thành niên; Văn phòng; Vụ. Các TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện cơ bản được giữ như hiện nay…
Về bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Tòa án, tôi muốn nhấn mạnh, Luật đã bổ sung một số quy định nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Tòa án như: Nghiêm cấm mọi hành vi xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của Tòa án; đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của Thẩm phán, Hội thẩm, người có chức danh tư pháp khác của Tòa án hoặc những người thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án; lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống Thẩm phán, Hội thẩm, người có chức danh tư pháp khác, công chức khác, viên chức và người lao động của Tòa án (khoản 3 Điều 18).
Cùng với đó, Luật cũng quy định Tòa án chịu sự giám sát của Nhân dân, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của Tòa án nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của Tòa án, việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc của Thẩm phán, Hội thẩm (khoản 2 Điều 21)…
Triển khai thi hành Luật kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả
Phóng viên: Vậy Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã được triển khai thực hiện như thế nào trước khi chính thức có hiệu lực từ 1/1/2025, thưa ông?
Ông Lê Thế Phúc: Để triển khai thi hành Luật, Ban cán sự đảng TANDTC đã ban hành Kế hoạch số 36-KH/BCSĐ ngày 10/7/2024, Chánh án TANDTC đã ban hành Chỉ thị số 04/2024/CT-CA ngày 31/7/2024 về triển khai thi hành Luật, trong đó xác định rõ nội dung các công việc cần triển khai thực hiện, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc TANDTC, Tòa án các cấp; giữa TANDTC và các cơ quan, bộ, ngành có liên quan nhằm đảm bảo triển khai thi hành Luật kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Khối lượng các công việc cần triển khai thực hiện tương đối lớn, cụ thể như sau:
Tổ chức quán triệt và chỉ đạo triển khai thi hành Luật; tuyên truyền, phổ biến về việc triển khai và thực hiện Luật, văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các quy định của Luật. Theo quy định, Tòa án nhân dân tối cao cần xây dựng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 12 Nghị quyết; Chánh án TANDTC phải ban hành 27 văn bản; nghiên cứu đề xuất sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Phá sản để phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Tòa án 2024 về nhiều nội dung mới như nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án, TAND sơ thẩm chuyên biệt, về thu thập chứng cứ….
Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) được đánh giá là kết tinh trí tuệ của tập thể Lãnh đạo, Thẩm phán, công chức toàn hệ thống Tòa án (Ảnh minh họa)
Phóng viên: Đối với việc kiện toàn bộ máy TAND để tương thích với các quy định mới của Luật Tổ chức Tòa án 2024, dường như có rất nhiều công việc cần phải được thực hiện trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Lê Thế Phúc: Đúng như vậy. Để kiện toàn tổ chức bộ máy TAND, một loạt nhiệm vụ thiết nghĩ cũng cần phải thực hiện trong thời gian tới như: Thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cục, vụ và tương đương, cơ quan báo chí thuộc TANDTC bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả, tránh trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ; sử dụng hiệu quả, hợp lý biên chế, cơ sở vật chất và phương tiện làm việc; phù hợp với tính chất hoạt động đặc thù của Tòa án nhằm giúp cho TANDTC thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo Luật;
Thành lập, quy định số lượng các tòa, vụ trong cơ cấu tổ chức của TAND cấp cao phải căn cứ vào tình hình công việc thực tế phải giải quyết của mỗi tòa, vụ, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; sử dụng hiệu quả, hợp lý biên chế, cơ sở vật chất và phương tiện làm việc; thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt, số lượng các TAND sơ thẩm chuyên biệt, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của mỗi TAND sơ thẩm chuyên biệt; thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc trong TAND sơ thẩm chuyên biệt.
Cùng với thành lập Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, cũng cần phải sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp, công chức, viên chức trong TAND. Theo đó, cần kiện toàn các chức vụ lãnh đạo tại TAND sơ thẩm chuyên biệt, các Vụ thuộc TAND cấp cao, Vụ Giám đốc kiểm tra mới được thành lập tại TAND tối cao phải bảo đảm tuân thủ đúng quy trình bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo và người được lựa chọn phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định; bố trí đội ngũ Thẩm phán Tòa án nhân dân tại TANDTC; sắp xếp lại đội ngũ Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp sang ngạch Thẩm phán Tòa án nhân dân; Chuyển đổi nhiệm kỳ của Thẩm phán; xây dựng cơ cấu tỷ lệ bậc Thẩm phán, ngạch Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án tại Tòa án các cấp; Bố trí nhân sự công tác tại các TAND sơ thẩm chuyên biệt; Bố trí nhân sự công tác tại các vụ thuộc TAND cấp cao, Vụ Giám đốc kiểm tra mới được thành lập tại TANDTC.
Tăng cường cơ sở vật chất và các điều kiện khác bảo đảm hoạt động của TAND. Theo đó, cần thực hiện việc chuyển xếp lương khi chuyển ngạch Thẩm phán; bố trí trụ sở làm việc cho các TAND sơ thẩm chuyên biệt, TAND cấp cao mới được thành lập; đề xuất bổ sung trang thiết bị, phương tiện, điều kiện làm việc cho các TAND….
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Sáng 24/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) với số phiếu tán thành chiếm 94,25%. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) được thông qua gồm 9 chương, với 152 điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) được đánh giá là kết tinh trí tuệ của tập thể Lãnh đạo, Thẩm phán, công chức toàn hệ thống Tòa án trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học và tổng kết thực tiễn hơn 8 năm thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014, thể chế hóa Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới….