‘Thầy giáo quân hàm xanh’ nơi vùng biên Hướng Hóa

‘Thầy giáo quân hàm xanh’ nơi vùng biên Hướng Hóa

Đại úy Hồ Văn Hữu, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ba Tầng là một tấm gương điển hình trong công việc này. Anh đã đi từng ngõ, gõ từng nhà để nắm tình hình; lên nương làm rẫy cùng bà con để giải thích, tuyên truyền, vận động mọi người tham gia lớp học xóa mù chữ; lập danh sách để động viên những người tái mù chữ tham gia các khóa học xóa tái mù. Không kể ngày đêm, mưa nắng và bất cứ nơi đâu, gia đình nào…, nếu nắm được thông tin học sinh có ý định bỏ học giữa chừng là anh tìm đến để tâm sự, khuyên răn các em trở lại trường lớp.

'Thầy giáo quân hàm xanh' nơi vùng biên Hướng Hóa- Ảnh 1.

Đại úy Hồ Văn Hữu tại lớp xóa mù

Anh là người dân tộc Vân Kiều, sinh ra và lớn lên ở xã Mò Ó, huyện Đa Krông, Quảng Trị. Năm 2011, anh thi vào trường quân sự, sau khi tốt nghiệp, được điều động về công tác ở tỉnh Thừa Thiên-Huế. Từ năm 2020, anh được chuyển công tác về Đồn Biên phòng Ba Tầng, huyện Hướng Hóa.

Quá trình làm việc tại đây, anh được đánh giá là một cán bộ khá năng nổ và tích cực trong các hoạt động của đơn vị, luôn thực hiện tốt nhiệm vụ của người lính và làm công tác xóa mù, tham gia các hoạt động, phong trào giúp đỡ đồng bào trong vùng nên được dân bản gọi anh với cái tên thân thương, trìu mến là thầy Hữu.

Trong nhiều năm qua, cứ mỗi tuần 3 buổi tối tại điểm trường thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi, lớp học xóa mù chữ của Đồn Biên phòng Ba Tầng do anh phụ trách “sáng đèn”, với học viên là các mẹ, các chị ở nhiều độ tuổi khác nhau. Ngoài bút vở mang theo thì trên đầu mỗi người đều gắn thêm những chiếc đèn pin hoặc cầm tay để đi đường. Các mẹ, các chị đôi lúc phải địu theo con nhỏ trên lưng để đến lớp, tiếp thu cái chữ.

Thầy giáo Hữu phải chọn những phương pháp để dạy cho phù hợp với từng đối tượng. Ngoài việc dạy chữ, anh còn lồng ghép các hoạt động văn hóa văn nghệ kết hợp với tuyên truyền chính sách pháp luật, bãi bỏ các hủ tục lạc hậu, đưa nếp sống văn minh đến với bà con thôn bản. Từ đó, tạo hứng khởi để các mẹ, các chị chuyên cần học hành hơn. Dần dần, bà con đã đọc thông, viết thạo, làm được các phép tính thông thường và có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như hành động.

'Thầy giáo quân hàm xanh' nơi vùng biên Hướng Hóa- Ảnh 2.

Đại úy Hồ Văn Hữu đã thực hiện tốt phương châm của người lính biên phòng: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc anh em là ruột thịt”

Không những chỉ việc dạy xóa mù, anh đã chủ động phối hợp với các nhà trường, giáo viên bán trú, các tổ chức đoàn, hội trong xã vận động được 55 cháu trong độ tuổi đi học được đến trường và gần 30 học sinh các cấp có ý định bỏ cuộc lại tiếp tục theo học. Ngoài ra, anh cùng các tổ chức đoàn thể địa phương tập hợp số bà con tái mù chữ và trực tiếp đứng lớp, làm giáo viên chủ nhiệm cho 5 lớp xóa tái mù với hơn 180 học viên.

Mặc dù công việc khá vất vả nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm học để biết đọc biết viết của bà con, chị em lớn tuổi không quản đêm hôm tối trời, mưa hay nắng…, anh cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi đứng trên bục giảng.

Bên cạnh đó, đại úy Hồ Văn Hữu còn được Cấp ủy, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Ba Tầng giao nhiệm vụ trực tiếp dạy dỗ và giúp đỡ 2 cháu là con nuôi của đồn và 10 cháu trong chương trình “Nâng bước em đến trường”. Qua thời gian học tập, rèn luyện, các cháu đều đã đạt được học lực khá, giỏi; có một cháu thi đỗ vào đại học. Trong đó có 2 cháu học sinh Trường tiểu học và trung học cơ sở A Dơi đạt giải nhất cuộc thi Khoa học – Kỹ thuật cấp tỉnh, nhận được Giải thưởng Vừ A Dính của Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 2022.

Về phía bà con thôn bản, họ cũng rất vui mừng khi mặc cảm không biết đọc sách, đọc báo hoặc trao đổi công việc qua mạng xã hội bằng điện thoại như trước đây đã được xóa bỏ dần. Đến nay, các lớp học xóa mù được các mẹ, các chị mạnh dạn tham gia, phấn khởi học tập. Nhiều người trong số đó đã đọc thông, viết thạo nên mọi việc được thuận lợi hơn nhiều. Các mẹ, các chị không ngờ rằng niềm vui lại đến với cả thôn bản từ đây, khi họ có kiến thức, biết tính toán cũng như có thêm các kỹ năng sống. Từ đó, mạnh dạn hơn trong việc ứng xử, giao tiếp, hạn chế bị kẻ xấu lợi dụng, lừa gạt.

Công tác mở các lớp xóa mù chữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một việc làm rất cần thiết và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. không chỉ giúp người dân biết đọc, biết viết mà còn mở ra cơ hội để bà con tìm hiểu, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, mô hình kinh tế hay áp dụng vào sản xuất… Quan trọng nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng bộ đội biên phòng thực hiện công tác vận động, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đến gần với người dân hơn.

Đã hơn 3 năm gắn bó với Đồn biên phòng Ba Tầng, với bà con hai xã Ba Tầng và A Dơi, ngoài cương vị là Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, đại úy Hồ Văn Hữu còn là Phó bí thư Chi đoàn, anh luôn sẵn sàng cùng các đoàn viên thanh niên đơn vị tham gia giúp dân khắc phục, sửa chữa nhà cửa, các công trình dân sinh mỗi khi có thiên tai; duy trì hoạt động các tổ tự quản đường biên, cột mốc, tổ an ninh trật tự thôn bản, tổ chức phát quang để thông tầm nhìn biên giới; phối hợp tổ chức Tết Trung thu cho học sinh, chương trình “Ngày chủ nhật xanh” làm vệ sinh tại các trục đường, khu vực đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên địa bàn…

Có thể nói, đại úy Hồ Văn Hữu đã thực hiện tốt phương châm của người lính biên phòng: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc anh em là ruột thịt”, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, bảo vệ dân, bảo vệ biên giới. Và anh đã xứng đáng nhận được phần thưởng cao quý: Giải thưởng Vừ A Dính do Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng năm 2022.

'Thầy giáo quân hàm xanh' nơi vùng biên Hướng Hóa- Ảnh 3.