Thắp sáng lửa nghề nắn nồi đất truyền thống của người Khmer ở Kiên Giang

Thắp sáng lửa nghề nắn nồi đất truyền thống của người Khmer ở Kiên Giang

Biên phòng – Trong thời đại kinh tế hội nhập, cuộc sống đã có nhiều tiện lợi hơn trước kia rất nhiều. Tuy nhiên, dù đô thị phát triển và có nhiều sản phẩm hiện đại như bếp ga, bếp từ, thì những sản phẩm mang tính truyền thống vẫn có một vị trí không dễ gì thay thế được. Qua những thăng trầm biến đổi, với nghị lực và lòng yêu nghề, đồng bào Khmer ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang đã tạo ra được những giá trị văn hóa đặc trưng của người Khmer Nam Bộ, đó là nghề nắn nồi đất truyền thống.


Nguyên liệu làm nồi đất được lấy dưới chân núi Hòn Đất. Ảnh: Thúy Hạnh

Nghề nắn nồi đất ở ấp Đầu Doi, thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất được hình thành từ năm 1920. Cũng như nhiều làng nghề làm nồi đất khác, nguyên liệu dùng để nắn nồi là đất sét, với đủ các tiêu chuẩn như dễ đánh bóng, chịu nhiệt cao, tính kết dính cao… mà loại đất này có sẵn trên địa bàn. Ban đầu, đây là nghề nông nhàn của bà con Khmer, sau này, một số người Việt học, làm theo và duy trì nghề cho đến ngày nay. Hiện nay, nghề nắn nồi đất tại thị trấn Hòn Đất được UBND tỉnh Kiên Giang công nhận là nghề truyền thống với các sản phẩm như cà ràng (bếp lò nấu củi), cà om (nồi), chảo, khuôn bánh khọt, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân. Trong đó, cà ràng và cà om là sản phẩm mang đậm nét truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Bởi nồi làm bằng đất nung khi kho cá hoặc kho thịt sẽ tạo được hương vị thơm ngon mà các loại nồi, chảo bằng kim loại không có được.

Năm 1980 là giai đoạn hưng thịnh nhất của làng gốm Đầu Doi. Các sản phẩm được làm ra với nhiều chủng loại như khuôn bánh khọt, nồi đất, chậu đất…, riêng lò đất là mặt hàng được xem như chủ lực của địa phương. Một sản phẩm hoàn chỉnh phải mất khoảng 7 ngày, người thợ phải hoàn thành nhiều công đoạn, từ khâu lọc, chọn đất, nhào nặn, vỗ đến tạo hình sản phẩm. Đối với công đoạn vỗ, do đất ướt có chứa nhiều nước nên sản phẩm thường biến dạng, người thợ dùng kỹ thuật vỗ bằng các thanh tre. Sau đó, làm bóng và tạo hoa văn để sản phẩm được nhẵn bóng, hoàn chỉnh. Các lò đất có thể có nhiều kích cỡ khác nhau.

Đối với nghề nắn nồi đất, người thợ phải có kỹ thuật cao, bàn tay phải uyển chuyển, mềm mại, tỉ mỉ, sáng tạo và kiên nhẫn trong quá trình tạo ra các sản phẩm. Sau một tuần, các sản phẩm đã được phơi khô và có thể đưa vào lò nung, hay còn gọi là “đốt nồi”. Trước khi nung, người thợ phải sắp sẵn các sản phẩm vào lò nung, tùy theo độ dày mỏng mà chúng được xếp theo quy định “dày trong, mỏng ngoài”. Những người thợ chèn rơm hoặc cỏ khô vào các sản phẩm, phía trên lớp rơm có củi tràm. Khi đốt cần hạn chế sự chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong và bên ngoài. Người ta thường đốt vào ban đêm để dễ theo dõi lửa sao cho cháy được đều. Mỗi lần nung khoảng một buổi, cho ra lò 300-400 sản phẩm. Công đoạn đốt nồi này tuy có vẻ là rất đơn giản, nhưng cũng cần người nhiều kinh nghiệm để những vật dụng làm ra có được độ bền cao và đảm bảo cả về màu sắc lẫn chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của người dùng.

Các sản phẩm của làng nghề nắn nồi đất sau khi hoàn thiện được đưa đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành thuộc đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ đó, người dân nơi đây có thêm cơ hội phát triển và bảo tồn nghề gốm truyền thống, cũng như tạo việc làm cho người lao động. Hiện nay, một số gia đình ở làng nghề nhận làm cà ràng, chảo theo đơn đặt hàng của thương lái.

Nặng lòng với nghề nhiều năm, chị Trần Thị Mít – người theo nghề nắn nồi đất ở thị trấn Hòn Đất chia sẻ: “Ngày trước, cà ràng bán được giá, giờ bán giá thấp hơn, lại còn bán chậm nữa. Mua vật liệu cái gì cũng đắt, nhưng lại bán không có lời”. Hiện tại, giá bán các sản phẩm từ 30-40 ngàn đồng, sau khi trừ đi các chi phí, người làm chỉ lời từ 3-5 ngàn đồng/sản phẩm. Dù xuất hiện sự cạnh tranh từ các sản phẩm tiện lợi, hiện đại bằng kim loại, đồ điện tử, nhưng với sự nổi tiếng lâu đời, chất lượng, bền đẹp và mang giá trị văn hóa truyền thống, sản phẩm của làng nghề nắn nồi đất ở Kiên Giang vẫn có mặt trong nhiều gian bếp của người dân đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ.

Để tạo động lực cho các nghệ nhân bám trụ và phát triển làng nghề, chính quyền địa phương đã có thực hiện một số biện pháp để bảo tồn và phát triển làng nghề, như tổ chức cho những người làm nghề đến tham quan, học hỏi về kỹ thuật, công nghệ tại một số làng nghề nổi tiếng khác. Đặc biệt, để người dân làng nghề có thể làm ra những sản phẩm có mẫu mã phù hợp với nhu cầu thị trường, chính quyền địa phương đã quy hoạch vùng nguyên liệu đất sét để đảm bảo cho việc khai thác, cung ứng nguyên liệu nắn nồi truyền thống.

Trải qua hàng trăm năm, theo dòng chảy của cuộc sống hiện đại, nghề nắn nồi đất ở Hòn Đất có nguy cơ mai một, cần có sự giúp sức của chính quyền các cấp ngành để thắp sáng lửa nghề và tiếp tục phát triển theo nhịp sống của thời đại, trở thành một nghề mang nét độc đáo ở vùng sông nước Nam Bộ.

Ông Nguyễn Văn Đông, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Hòn Đất cho biết: “Nghề nắn nồi đất đối với một số hộ vẫn là nghề tạo ra thu nhập chính. Nhưng quá trình tiêu thụ, người thợ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Sắp tới, chúng tôi sẽ đề xuất với cấp huyện, tỉnh bố trí vùng nguyên liệu và thay đổi công nghệ để bà con phát huy giá trị nghề truyền thống”.

Thúy Hạnh