“Ong dú hay còn gọi là ong rú. Loài ong này không ngòi đốt, có kích thước nhỏ hơn ong ruồi, không đốt, không gây nguy hiểm cho người nuôi. Đặc biệt mật của ong dú có 3 vị là ngọt, chua và đắng”, anh Nguyễn Văn Khương (ở thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) chủ trại hơn 400 tổ ong dú chia sẻ.
Anh Khương cho biết 6 năm trước anh bắt đầu thử nuôi ong ruồi để lấy mật, bán thương phẩm. Tuy nhiên loài ong này tốn công chăm sóc, đôi lúc lại đốt các cháu nhỏ nên anh tìm hướng đi mới.
Anh Khương giới thiệu mật ong dú của trang trại mình (Ảnh: Trung Thi).
Năm 2019, anh Khương đến nhà một “thợ rừng” cùng quê chơi và vô tình biết đến “loài ong lạ” nên đã xin chủ của tổ ong tách đàn đưa về nhà nuôi, tìm hiểu.
Qua theo dõi, anh Khương thấy đàn ong này không có ngòi đốt, ít công chăm sóc, mật bổ dưỡng.
“Loài ong này không phải cho ăn, chăm sóc gì nhiều. Chỉ chờ đến mùa hoa, ong tích đủ mật thì mình hút đi một phần bán, chừa lại một ít trong tổ cho đàn sinh trưởng, phát triển. Điểm hạn chế của ông dú là cho rất ít mật, một tổ chỉ cho khoảng 200-500ml mật/năm. Tôi nghĩ chỉ cần nuôi nhiều sẽ giải quyết được hạn chế này”, anh Khương chia sẻ.
Để nhân giống đàn ong, anh Khương tự bỏ công và thuê thêm người lên các cánh rừng ở huyện Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) tìm bắt tổ ong dú đưa về nhà nuôi.
Ong dú, loài ong có kích thước nhỏ, không có ngòi đốt (Ảnh: Trung Thi).
Ong dú thường ở trong các loại cây khô, mục, do đó mỗi lần lấy mật phải cưa đục thân cây, vừa mất công lại có nguy cơ làm hư hại đàn ong.
Sau nhiều lần suy nghĩ, anh Khương thử chẻ đôi thân cây để bắt ong dú chúa bỏ vào hộp gỗ, tiếp đó đưa ong thợ vào cùng. Mỗi hộp được chia làm hai ngăn, một ngăn để ong sinh sản, sinh trưởng và ngăn để tạo mật.
“Quan sát nhiều ngày tôi thấy ong vẫn sống tốt trong hộp gỗ, không bỏ đi tìm tổ mới nên biết mình đã thành công. Sau đó, tất cả tổ ong dú tôi bắt được trên rừng đều đưa sang hộp gỗ. Ong ở trong hộp vừa dễ chăm nuôi, vừa thuận tiện cho việc lấy mật”, anh Khương kể.
Sau 5 năm, đến nay anh Khương đã sở hữu cho mình trang trại hơn 400 tổ ong dú, nhờ vào việc tách đàn. Bình quân mỗi năm anh thu khoảng 100 lít mật, giá bán ra thị trường 1,5 triệu đồng/lít. Trừ tất cả chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm.
Ngoài bán mật, anh Khương còn bán ong dú theo hộp để trưng phong thủy, nuôi làm giống. Tùy đàn ong lớn, nhỏ cho mật nhiều hay ít mà có mức giá khác nhau, thường 1,5-2 triệu đồng/tổ. Tiền bán giống giúp anh thu thêm được khoảng 50 triệu đồng/năm.
Bên trong một tổ ong dú tại trang trại của anh Khương (Ảnh: Trung Thi).
“Nhiều người ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định vào tận đây để tìm hiểu, mua giống về nuôi. Họ đến, tôi đều hỗ trợ, chia sẻ những kinh nghiệm mà mình biết được về ong dú. Nhưng nuôi con gì cũng vậy, cần phải đam mê, chịu khó mới thành công”, anh Khương chia sẻ.
Năm 2023, sản phẩm mật ong dú của anh Nguyễn Văn Khương được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 (Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp giấy chứng nhận Nông nghiệp hữu cơ. Anh cũng đăng ký làm thủ tục truy xuất nguồn gốc, đóng hũ thành phẩm, làm nhãn hàng hóa.
Hiện anh Khương đang hoàn thiện hồ sơ để được xét công nhận OCOP 3 sao (chương trình mỗi địa phương một sản phẩm thế mạnh).
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2, cho biết đến nay, trang trại ong dú của anh Khương đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại hình nông nghiệp khác.
Cũng theo Phó Chủ tịch xã Xuân Quang 2, trong thời gian qua anh Khương đã hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong dú cho một số người dân địa phương với mong muốn cùng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và hình thành sản phẩm đặc trưng của Xuân Quang 2.