Tham vấn về Chương trình và Hoạt động Hợp tác trong Lĩnh vực Di cư Lao động tại Việt Nam

Tham vấn về Chương trình và Hoạt động Hợp tác trong Lĩnh vực Di cư Lao động tại Việt Nam

Ngày 19/4, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam và Cục Quản lý lao động ngoài nước (DoLAB) thuộc Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Việt Nam (MOLISA) đã phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn về Chương trình và Hoạt động Hợp tác trong Lĩnh vực Di cư Lao động cho Giai đoạn 2024-2028. Hội thảo có sự tham dự của các lãnh đạo đến từ IOM, DOLAB, các phòng ban khác thuộc MOLISA bao gồm Cục Việc làm và Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, cũng như đại diện từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thuộc 9 tỉnh thành có số lượng người lao động di cư đi làm việc ở nước ngoài cao.

Các đại biểu thảo luận về các ưu tiên cho hợp tác trong tương lai trong lĩnh vực di cư lao động tại Việt Nam.

Các đại biểu thảo luận về các ưu tiên cho hợp tác trong tương lai trong lĩnh vực di cư lao động tại Việt Nam.


Hội thảo tham vấn cấp cao mang đến cơ hội để các bên đánh giá hiệu quả về các hoạt động hợp tác hiện tại giữa IOM và DoLAB, đồng thời thảo luận các ưu tiên cho hoạt động hợp tác sắp tới trong lĩnh vực di cư lao động cho giai đoạn 2024-2028.

Khai mạc hội thảo, ông Đặng Sĩ Dũng, Phó Cục trưởng DoLAB, đánh giá cao các chương trình và hoạt động hợp tác đã triển khai với IOM tại Việt Nam, bao gồm hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của IOM trong các hoạt động xây dựng và phổ biến luật, nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức của người dân về di cư lao động an toàn và bảo vệ người lao động di cư đi làm việc ở nước ngoài.

“Trong nhiều năm qua, DoLAB đã phối hợp với IOM trong việc thúc đẩy di cư lao động an toàn và hợp thức tại Việt Nam,” ông Đặng Sĩ Dũng, Phó Cục trưởng DoLAB cho biết. “Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao sự hỗ trợ của IOM trong việc cung cấp thông tin cho việc phát triển và phổ biến Luật Người lao động Việt Nam đi Làm việc ở Nước ngoài theo Hợp đồng và việc xuất bản hai cuốn Sổ tay Sức khỏe cho Người lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Chúng tôi mong muốn được tiếp tục hợp tác với IOM để nâng cao nhận thức của người lao động di cư và giúp họ đưa ra quyết định di cư với đầy đủ thông tin và thông qua các con đường an toàn và hợp thức.”

Bà Park Mihyung, Trưởng đại diện của IOM tại Việt Nam, nhấn mạnh kinh nghiệm của IOM trong việc hợp tác với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan khác như các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội dân sự nhằm thúc đẩy di cư lao động an toàn và có trật tự dựa trên các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam. Bà cũng nhấn mạnh cam kết của IOM trong việc hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển kỹ năng cho người lao động di cư, không chỉ tập trung mang đến cơ hội việc làm tốt hơn mà còn nâng cao trải nghiệm di cư của họ.

“IOM đã hợp tác cùng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, bao gồm các dự án về di cư lao động, phòng chống mua bán người, sức khỏe di cư và phát triển kỹ năng cho người di cư, trong đó tập trung vào việc xây dựng năng lực, hỗ trợ củng cố chính sách và pháp luật dựa trên bằng chứng. Trong lĩnh vực di cư lao động, chúng tôi cũng chú trọng giải quyết những khó khăn mà người lao động di cư nữ thường phải đối mặt, đảm bảo bình đẳng giới và đề cao tiếng nói của họ trong mọi giai đoạn của hành trình di cư lao động”, bà Park chia sẻ.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.


“IOM đánh giá cao  những cam kết quan trọng của Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhằm bảo vệ quyền của người lao động di cư Việt Nam, và tạo ra môi trường thuận lợi thúc đẩy di cư lao động an toàn nhằm mang lại lợi ích cho chính người dân, cộng đồng và sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Chúng tôi tự hào được làm việc cùng với các đối tác chính phủ như DoLAB để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người lao động di cư và tối đa hóa lợi ích từ di cư lao động cho tất cả các bên liên quan”, bà Park Mihyung cho biết.

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã thảo luận về các ưu tiên cho hợp tác trong tương lai trong lĩnh vực di cư lao động tại Việt Nam, tập trung vào các hoặt động nhằm nâng cao năng lực, củng cố pháp luật, tăng cường đối thoại với các quốc gia đến, hỗ trợ cải thiện định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin và tư vấn trước khi xuất cảnh, và hỗ trợ tái hòa nhập khi trở về cho người lao động di cư. Các đại biểu cũng thống nhất các mục tiêu chung cho hợp tác trong tương lai nhằm đẩy mạnh di cư an toàn và hợp thức của người lao động di cư được trao quyền và nâng cao tay nghề.