Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Tây Ninh – Ảnh: CHÂU TUẤN
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, việc dùng công nghệ trong trồng trọt giúp nâng giá trị sản phẩm bình quân thu được lên tới 110 triệu đồng/héc ta (tăng 3 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2023). Đồng thời nâng tỉ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 39% (tăng 0,9%).
Tổng diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ cao là hơn 120.000 héc ta. Mô hình chủ yếu là công nghệ tưới phun mưa, nhỏ giọt kết hợp bón phân tự động (do người dân tự đầu tư). Bên cạnh đó là một số công nghệ sinh học được ứng dụng trong phòng trừ sâu bệnh (thiên địch, hoạt chất sinh học…).
Ông Châu Văn Văn – phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh – cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, sở đã kết hợp cùng các bên liên quan tổ chức tọa đàm thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao. Hiện tại, sở đang cho ý kiến đối với một công ty liên quan đến việc làm dự án trang trại trồng chuối già Nam Mỹ xuất khẩu.
Cánh đồng lúa dọc quốc lộ 22B (đoạn qua thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) – Ảnh: CHÂU TUẤN
Về lĩnh vực thủy sản, tỉnh Tây Ninh đã có khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung thâm canh. Đặc biệt là vùng nuôi thâm canh cá tra an toàn sinh học, bảo vệ môi trường với diện tích vùng nuôi lên đến 31ha.
Trong giai đoạn 2025-2030, Tây Ninh phấn đấu định hướng phát triển 22 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nâng tỉ lệ giá trị sản phẩm đạt trên 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030.
Đồng thời gia tăng sản lượng và chất lượng hàng hóa nông sản cho chế biến, xuất khẩu. Và qua đó tăng giá trị sản phẩm đất trồng trọt trên 1 đơn vị diện tích đất. Cụ thể mục tiêu đến năm 2025 đạt 115 triệu đồng và năm 2030 đạt 130 triệu đồng/héc ta. Riêng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì là 150 triệu đồng/héc ta năm 2025, 180 triệu đồng vào năm 2030.
“Đặc biệt, tỉnh sẽ hỗ trợ hộ người dân sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng lẫn ứng dụng công nghệ cao và định hướng xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu nhãn mác, bao bì, nguồn gốc,…
Thông qua chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các lớp tập huấn, tỉnh sẽ đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến để người dân áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế”, ông Văn cho hay.
Chăn nuôi ở Tây Ninh gặp khó do giá thức ăn tăng
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, thời gian qua tổng đàn vật nuôi đạt 10,4 triệu con gia súc, gia cầm (tăng 10% so với cùng kỳ).
Số lượng heo được đầu tư phát triển nhất, đạt 398.000 con. Tuy nhiên tình hình chăn nuôi 6 tháng qua vẫn còn khó khăn do giá vật tư nông nghiệp và giá thức ăn chăn nuôi có nhiều đợt tăng cao.
Để tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, một số công nghệ đã được áp dụng trong chăn nuôi tại tỉnh như: hệ thống chuồng lạnh, khép kín, tự động hóa các khâu cho ăn và nước uống, dùng công nghệ xử lý chất thải biogas, khí do biogas sinh ra sử dụng chạy máy phát điện.