Biên phòng – Nhằm chia sẻ khó khăn trước mắt và “tính chuyện lâu dài” cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ và Đồn Biên phòng Dào San, BĐBP Lai Châu đã phối hợp triển khai Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” với nhiều hoạt động thiết thực. Những phần quà ý nghĩa, mô hình hiệu quả và kế hoạch dài hơi hứa hẹn những điều tốt đẹp trong một tương lai gần.
Hội LHPN huyện Tân Sơn tặng quà cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn xã Dào San. Ảnh: Đức Duẩn
Về với phụ nữ nơi biên cương
Đồn Biên phòng Dào San quản lý 3 xã Dào San, Tung Qua Lìn và Mù Sang (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) với 90% là đồng bào dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì… Trình độ dân trí còn thấp, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, bởi vậy mà đời sống nhân dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt, sau dịch Covid-19, cuộc sống của người dân lại càng thêm vất vả. Thiếu tá Đinh Danh Cẩn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Dào San cho biết, những khó khăn, vất vả của người dân luôn là trăn trở đối với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Dào San.
Đơn vị thường xuyên kêu gọi, vận động các tổ chức, nhà hảo tâm tặng quà, tặng sinh kế để giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Và Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” chính là trao thêm cơ hội để phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đơn vị quản lý vươn lên thoát nghèo. Đời sống của người dân được nâng lên sẽ góp phần xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, qua đó, huy động sức mạnh toàn dân tham gia cùng BĐBP xây dựng, quản lý và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn quản lý.
Trong nội dung ký kết Chương trình phối hợp “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2023-2025 giữa Đồn Biên phòng Dào San và Hội LHPN huyện Tân Sơn, hai bên đã thống nhất nội dung chương trình phối hợp trong thời gian tới. Theo đó, sẽ tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Phụ nữ cơ sở ở khu vực biên giới, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, củng cố thế trận lòng dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Đồng thời, tổ chức các hoạt động hướng dẫn, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhân rộng làm gia tăng hiệu quả giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống phụ nữ từ các mô hình sinh kế. Duy trì và xây dựng mô hình sinh kế bền vững cho phụ nữ nghèo từ các nguồn hỗ trợ, tiếp sức của các tổ chức, doanh nghiệp. Hướng dẫn và nhân rộng mô hình tín dụng, tiết kiệm, tạo thói quen trong quản lý, sử dụng tài chính cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ giúp chị em phụ nữ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo bà Đinh Thị Thu Hiền, Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Sơn: “Nội dung của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” vừa mang tính trước mắt, vừa lâu dài. Để chia sẻ khó khăn với phụ nữ ở biên giới, chúng tôi đóng góp, vận động mạnh thường quân để có những phần quà và những mô hình sinh kế. Chúng tôi tin tưởng chương trình sẽ có kết quả, bởi có cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Dào San trực tiếp đóng quân ở biên giới, sẽ hướng dẫn, theo dõi và hỗ trợ. Phương châm của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” là mang lại hiệu quả lâu dài chứ không phải là trước mắt”.
Tạo động lực phát triển
Đến với Dào San lần này, Hội LHPN huyện Tân Sơn chuẩn bị nhiều phần quà chu đáo. 30 suất quà, trị giá 15 triệu đồng được trao cho các hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại 3 xã do Đồn Biên phòng Dào San quản lý là Dào San, Tung Qua Lìn và Mù Sang. Chương trình dành 30 triệu đồng để làm nhà “Mái ấm biên cương”. Người được nhận “Mái ấm biên cương” lần này là chị Lý Thị Bảy có chồng là Sùng A Tý (bản Sểnh Sảng A, xã Dào San).
Hai vợ chồng cưới năm 2017, tách hộ ở riêng năm 2019, nhưng điều kiện khó khăn phải ở nhờ nhà của chú ruột chồng là Sùng A Khai. Cuộc sống còn thiếu thốn, nhưng đôi vợ chồng trẻ luôn cố gắng có một ngôi nhà nhỏ để yên tâm sinh sống. Bởi vậy, khi được Hội LHPN huyện Tân Sơn tặng 30 triệu đồng làm nhà, chị Bảy, anh Tý rất phấn khởi vì ước mơ đã dần thành hiện thực. Hôm trước, chỉ huy Đồn Biên phòng Dào San cũng nói sẽ giúp đỡ gia đình ngày công để dựng nhà mới.
Lãnh đạo UBND huyện Tân Sơn trao biển tượng trưng tặng mô hình tăng gia sản xuất cho Đồn Biên phòng Dào San. Ảnh: Đức Duẩn
Tên gọi là “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, nhưng các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn luôn là một phần không thể thiếu trong nội dung “hỗ trợ, đồng hành”. Dịp này, 30 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng có thành tích học tập tốt tại các trường trên địa bàn 3 xã Tung Qua Lìn, Dào San và Mù Sang cũng được Hội LHPN huyện Tân Sơn tặng quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng. Đồn Biên phòng Dào San đã trực tiếp làm việc với các nhà trường và đến các gia đình gặp gỡ, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình. Các cháu học sinh chủ yếu là mồ côi cha hoặc mẹ, bố mẹ li hôn, đi lấy chồng hoặc lấy vợ mới bỏ các cháu ở với ông, bà hoặc cô, chú, bởi vậy hoàn cảnh rất đáng thương.
Trước khi trao quà, đơn vị đã thông báo tới nhà trường và toàn thể phụ huynh, người giám hộ các cháu học sinh được biết. Dì A Mạnh (lớp 7A4, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Dào San) là một trong 30 học sinh được nhận quà lần này. Dì A Mạnh nhà ở bản Dền Thàng A, xã Dào San có hoàn cảnh rất khó khăn. Bố mất khi Mạnh chưa chào đời, nhưng 2 năm sau, mẹ đi lấy chồng mới, để lại 5 anh em ở với ông nội là Dì A Phử đã già. Mẹ sau khi đi lấy chồng điều kiện cũng khó khăn nên không có thời gian, vật chất để quan tâm tới Mạnh. Ông nội tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn cố gắng để nuôi Mạnh ăn học, bởi vậy mà số tiền này là vô cùng ý nghĩa.
Dịp này, lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Tân Sơn cũng trao tặng Đồn Biên phòng Dào San mô hình tăng gia sản xuất trị giá 30 triệu đồng. Thiếu tá Hoàng Viết Sỹ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Dào San cho biết, với số tiền 30 triệu đồng được tặng, đơn vị sẽ mua 12 con dê giống để thực hiện mô hình “Nuôi dê sinh sản”. Trước đây, đơn vị đã triển khai mô hình này và đem lại hiệu quả rõ nét. Đàn dê không chỉ góp phần cải thiện đời sống cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị mà đây còn là mô hình điểm để các hộ dân khác tham quan, học hỏi cũng như có thể giúp nhiều gia đình khó khăn trên địa bàn.
Có thể thấy, bằng những việc làm ý nghĩa, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Dào San và hội viên Hội LHPN huyện Tân Sơn đang từng bước hướng Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đến mục tiêu trở thành điểm tựa, tạo động lực để phụ nữ Tung Qua Lìn, Dào San, Mù Sang tự tin vươn lên trong cuộc sống.
Trúc Hà – Đức Duẩn