Biên phòng – Tạo cơ hội cho phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) được tiếp cận rộng rãi với vốn tín dụng chính sách sẽ góp phần nâng cao vị thế cho chị em trong gia đình và ngoài xã hội, giúp chị em cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, hội nhập với sự phát triển chung của phụ nữ cả nước.
Phụ nữ xã Hừa Ngài, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên trồng nấm phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Phương Liên
Chị Hứa Thị Thanh (dân tộc Tày, ở thôn Còn Riềng, xã Tràng Phái, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) nhớ lại, trước đây, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo nhất, nhì của xã. Năm 2009, chị Thanh lập gia đình. Gia đình chồng vô cùng khó khăn vì ông bà có tới 14 người con. Bởi thế, lúc ra ở riêng, vợ chồng chị chỉ được bố mẹ chia cho 2 sào ruộng. Thiếu đất sản xuất, không việc làm, lại có con nhỏ, gia đình chị Thanh trải qua những ngày tháng rất vất vả, cơ cực trong căn nhà tạm bợ, dột nát.
Năm 2010, được Hội Liên hiệp Phụ nữ và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Quan tạo điều kiện, chị Thanh bắt đầu tiếp cận với khoản vay tín dụng chính sách dành cho hộ nghèo. Ban đầu, chị dùng số tiền ấy mua một con trâu và một con lợn nái, song do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên vật nuôi lớn chậm, bán không được giá. Không nản lòng, chị Thanh vay tiếp khoản vay dành cho hộ DTTS đặc biệt khó khăn để mua thêm vật nuôi. Vừa làm, vừa học qua sách báo, các lớp tập huấn, chị Thanh đã duy trì đàn vật nuôi phát triển ổn định và có thu nhập để trả nợ ngân hàng.
Vấn đề là không phải người phụ nữ DTTS nào cũng có thể tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng chính sách như chị Thanh. Theo phân tích “Tóm tắt chính sách: Các vấn đề giới trong các DTTS ở Việt Nam” do Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) chủ trì thực hiện từ số liệu điều tra 53 DTTS, phụ nữ DTTS bất lợi hơn nam giới DTTS trong tiếp cận tín dụng chính thức để phát triển sinh kế, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Tỉ lệ hộ gia đình DTTS được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội do phụ nữ làm chủ hộ thấp hơn gần 5% so với tỉ lệ tương ứng của hộ gia đình DTTS do nam giới là chủ hộ (15,8% phụ nữ làm chủ hộ, 20,7% nam giới là chủ hộ được vay vốn). Giá trị khoản vay của hộ DTTS do phụ nữ làm chủ hộ thấp hơn so với hộ gia đình DTTS do nam giới là chủ hộ; đồng thời, thấp hơn đáng kể so với mức cho vay tối đa của Ngân hàng Chính sách xã hội. Thực trạng đó đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của phụ nữ, đặc biệt là trong nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Ảnh: Phương Liên
Theo bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, với vai trò là tổ chức nòng cốt trong công tác phụ nữ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Hội đã tích cực hỗ trợ phụ nữ nói chung, phụ nữ DTTS nói riêng phát triển kinh tế, nâng cao quyền năng kinh tế, giúp phụ nữ DTTS cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, hội nhập với sự phát triển chung của phụ nữ cả nước. Việc tạo cơ hội cho chị em sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận rộng rãi với vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống sẽ nâng cao vị thế cho phụ nữ DTTS trong gia đình và ngoài xã hội. Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tích cực triển khai các phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với nhiệm vụ “Vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường”.
Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ đang dẫn đầu trong 4 tổ chức hội, đoàn thể (ngoài Hội Phụ nữ, còn có Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên) nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội với “6 nhất”: Dư nợ cao nhất; tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất; số tổ tiết kiệm và vay vốn nhiều nhất; tỷ lệ thành viên tham gia tiết kiệm cao nhất; số lượng thành viên nhiều nhất; tổ vay vốn và tiết kiệm có chất lượng tốt nhất. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, đã xuất hiện nhiều điển hình phát triển kinh tế tại các địa phương, với những mô hình mới, cách làm hay, trong đó, phụ nữ DTTS chiếm tỷ lệ cao và đã phát huy được thế mạnh của địa phương, điều kiện kinh tế của từng vùng, miền.
Trở lại nhà chị Hứa Thị Thanh mới hay, kinh tế đã làm thay đổi quan niệm truyền thống trong gia đình chị. Chồng chị vẫn là trụ cột kinh tế trong gia đình, nhưng theo cách là người ở nhà để phát triển chăn nuôi. Còn chị ra ngoài đi chợ phiên các huyện, xã để gom mua các sản phẩm tiêu dùng như rau, củ, quả, tôm, cá… mang lên các chợ lớn của thành phố bán buôn, bán lẻ, mỗi ngày thu nhập hàng trăm nghìn đồng. Hai vợ chồng cùng nhau chia sẻ việc nhà, cùng nhau làm kinh tế đã giúp gia đình chị có tiền để xây được căn nhà mới khang trang, mua sắm được các thiết bị phục vụ sinh hoạt và sản xuất như ti vi, xe máy, tủ lạnh, máy cày… Các con được ăn học đàng hoàng, đầy đủ.
Chuyện nhà chị Thanh chứng minh rằng, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp các gia đình vùng DTTS giải quyết được những vấn đề căn bản, thiết yếu của đồng bào nói chung, của những người phụ nữ DTTS nói riêng trong việc dần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bệnh tật, thất học và tệ nạn xã hội. Phụ nữ DTTS cần được tiếp cận với nguồn vốn vay lãi suất thấp để thực tập làm ăn, tạo việc làm, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh, quản lý vốn để vươn lên trong cuộc sống. Thông qua sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội sẽ tác động đến nhận thức, giúp chị em tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội. Suy cho cùng, đó cũng chính là những mục tiêu mà công tác bình đẳng giới ở vùng DTTS đang hướng tới.
Phương Liên