TANDTC tổ chức Hội thảo về áp dụng án lệ

TANDTC tổ chức Hội thảo về áp dụng án lệ

Ngày 20/11, tại TP.HCM, TANDTC phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo về kỹ năng viện dẫn và áp dụng án lệ.

Tham dự và chủ trì Hội thảo có bà Đào Thị Minh Thủy, Thẩm phán TANDTC, Trưởng nhóm Nhóm nghiên cứu nhằm hỗ trợ công tác xây dựng và phát triển án lệ do JICA hỗ trợ kỹ thuật; ông Tsukahara Massanori, chuyên gia dài hạn Dự án JICA.

minh-thuy(1).jpgBà Đào Thị Minh Thủy, Thẩm phán TANDTC phát biểu khai mạc Hội thảo

Về phía chuyên gia quốc tế, ông Higuchi Rui, nguyên Thẩm phán, Giáo sư Viện nghiên cứu và đào tạo Bộ Tư pháp Nhật Bản; ông Onishi Hiromichi, chuyên gia JICA và các cán bộ Văn phòng Dự án JICA.

Về phía chuyên gia trong nước có ông Nguyễn Đình Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra I, TANDTC; ông Hoàng Ngọc Thành, Chánh tòa Tòa kinh tế, TAND TP. Hà Nội; ông Lê Trí Cường, Chánh án TAND quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội; bà Dương Thị Thu Hà, Luật sư điều hành, Công ty Luật TNHH Corporate & Dispute Resolution và lãnh đạo, thẩm phán TAND các tỉnh khu vực phía Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Đào Thị Minh Thủy, Thẩm phán TANDTC, Trưởng nhóm Nhóm nghiên cứu nhằm hỗ trợ công tác xây dựng và phát triển án lệ do JICA hỗ trợ kỹ thuật cho biết, việc ban hành án lệ mang lại nhiều lợi ích và đáp ứng các nhu cầu của thực tiễn xét xử, đảm bảo tính thống nhất trong áp dụng pháp luật, lấp khoảng trống pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các Thẩm phán khi xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc, góp phần nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án.

cac-chuyen-gia-nhat-ban(1).jpgCác chuyên gia Nhật Bản tham dự Hội thảo

Từ năm 2016, TANDTC đã chính thức công bố các án lệ, đến nay, TANDTC đã công bố 72 án lệ, trong đó có 17 án lệ về hình sự, 04 án lệ về hành chính, 35 án lệ về dân sự, 05 án lệ về hôn nhân gia đình, 09 án lệ về kinh doanh thương mại và 02 án lệ về lao động.

Tuy nhiên, viện dẫn và áp dụng án lệ trong xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc vẫn còn vướng mắc và đang trong quá trình hoàn thiện, do một số nguyên nhân như: còn một số ít Thẩm phán chưa có thói quen áp dụng án lệ, tư duy áp dụng án lệ chưa thực sự phổ biến, kỹ năng phân tích án lệ để tìm ra điểm tương đồng giữa án lệ và vụ án thực tế để áp dụng cũng còn là vấn đề hạn chế của không ít Thẩm phán.

Nhằm tăng cường công tác xây dựng và phát triển án lệ, từ năm 2022, JICA hỗ trợ TANDTC thành lập Nhóm nghiên cứu nhằm hỗ trợ việc xây dựng và phát triển án lệ với sự tham gia của các chuyên gia dài hạn, chuyên gia ngắn hạn của Nhật Bản để đóng góp ý kiến, cung cấp tài liệu pháp lý và tổ chức các hội thảo chuyên đề.

tsukahara(1).jpgÔng Tsukahara Massanori, chuyên gia dài hạn Dự án JICA phát biểu

Tiếp nối thành công của các hội thảo chuyên đề được tổ chức từ năm 2022, Hội thảo lần này được tổ chức tại TP.HCM có sự tham gia chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia trong nước, chuyên gia dài hạn của Nhật Bản, trao đổi kinh nghiệm trong áp dụng án lệ vào thực tế xét xử, thảo luận về các vướng mắc và đề xuất giải pháp để phát huy hiệu quả của án lệ.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, Thẩm phán trình bày một số tham luận. Cụ thể, bà Dương Thị Thu Hà, Luật sư điều hành, Công ty Luật TNHH Corporate & Dispute Resolution trình bày tham luận kỹ năng viện dẫn và áp dụng án lệ trong lĩnh vực dân sự dưới góc nhìn của luật sư.

Ông Hoàng Ngọc Thành, Chánh tòa Tòa kinh tế, TAND TP. Hà Nội, trình bày tham luận Kỹ năng viện dẫn và áp dụng án lệ trong lĩnh vực kinh doanh thương mại; ông Lê Trí Cường, Chánh án TAND quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội trình bày tham luận Kỹ năng viện dẫn và áp dụng án lệ trong lĩnh vực hành chính.

chuyen-gia-trong-nuoc.jpgCác chuyên gia trong nước tham dự Hội thảo

Thẩm phán Nhật Bản, ông Higuchi Rui, nguyên Thẩm phán, Giáo sư Viện nghiên cứu và Đào tạo Bộ Tư pháp Nhật Bản bàn về trích dẫn và áp dụng án lệ dưới quan điểm của Thẩm phán Nhật Bản.

Ông Nguyễn Đình Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra I, TANDTC trình bày tham luận Kỹ năng viện dẫn và áp dụng án lệ trong lĩnh vực hình sự. Theo ông Tiến, TANDTC đã ban hành 72 án lệ, trong đó có 17 án lệ về hình sự.

Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án.

toan-canh.jpgToàn cảnh Hội thảo

Trường hợp Tòa án áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc thì ghi rõ số, tên án lệ, tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ và tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án”.

Tuy nhiên, tùy trường hợp cụ thể có thể trích dẫn toàn bộ hoặc một phần nội dung của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết vụ việc tương tự.

Tại Hội thảo các chuyên gia và thẩm phán đã cùng trao đổi kinh nghiệm trong áp dụng án lệ vào thực tế xét xử, thảo luận về các vướng mắc và đề xuất giải pháp để phát huy hiệu quả của án lệ, góp phần nâng cao chất lượng bản án tại các TAND.