Năm 2024, tỷ lệ giải quyết các loại án của TAND hai cấp tỉnh Thanh Hóa vượt chỉ tiêu đề ra; chất lượng giải quyết, xét xử các loại án tiếp tục nâng lên, chưa có trường hợp nào kết oan người không phạm tội. Hoạt động tranh tụng tại phiên tòa ngày càng được tăng cường và thực chất; đã khắc phục được tình trạng để án quá hạn luật định, án tuyên không rõ ràng. Việc xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo được xem xét, giám sát chặt chẽ hơn, nhất là các bị cáo phạm tội tham nhũng, kinh tế.
Các đại biểu tại điểm cầu trung tâm
Cụ thể, tổng số vụ việc sơ thẩm và phúc thẩm Tòa án hai cấp phải giải quyết trong năm là 13.249 vụ, việc, tăng so với cùng kỳ năm trước. Tòa đã giải quyết, xét xử 11.961 vụ việc các loại; tỷ lệ giải quyết chung đạt 90,2%. Số vụ việc còn lại hầu hết mới thụ lý, đang trong thời hạn giải quyết.
Trong số vụ, việc được giải quyết, Tòa án hai cấp đã xét xử 2.726 vụ án hình sự với 5.409 bị cáo trong số 2.785 vụ, 5.598 bị cáo được thụ lý, đạt tỷ lệ giải quyết 97,8%. Chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án hình sự tiếp tục được nâng lên. Không có trường hợp nào xét xử oan, không bỏ lọt tội phạm. Hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với các bị cáo bảo đảm nghiêm minh, tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi và nhân thân của người phạm tội trong từng vụ án, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay.
Các điểm cầu thành phần tại các huyện, thị xã, thành phố
Năm 2024, Tòa án hai cấp trong tỉnh đã thụ lý 23 vụ án về tham nhũng với 51 bị cáo. Tòa đã giải quyết, xét xử 20 vụ, 43 bị cáo. 3 vụ án còn lại với 8 bị cáo đang trong thời hạn chuẩn bị xét xử. Các Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước.
Trong công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, hôn nhân – gia đình, kinh doanh thương mại, hành chính, Tòa án hai cấp trong tỉnh đã quan tâm rà soát các trường hợp đang tạm đình chỉ để tiếp tục xem xét, giải quyết.
Công tác hòa giải, hướng dẫn, giải thích pháp luật cho các bên đương sự tiếp tục được chú trọng và thực hiện có hiệu quả, qua đó góp phần giải quyết nhanh chóng vụ việc, đồng thời củng cố mối đoàn kết trong nội bộ nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Thị Nga, Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị
Cũng trong năm 2024, TAND tỉnh Thanh Hóa đã xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho 8.947 phạm nhân (không xét giảm án đối với 18 phạm nhân); tha tù trước thời hạn có điều kiện cho 110 phạm nhân (không xét tha tù trước thời hạn đối với 15 phạm nhân); rút ngắn thời gian thử thách của án treo 532 bị án; giảm thời hạn cải tạo không giam giữ 4 bị án; miễn án phí tiền phạt 8 bị án.
Đồng chí Nguyễn Văn Khuyên, Phó Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị cũng đã nghe các tham luận của các Chánh Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Phòng KTNV, TAND huyện Hậu Lộc, TAND huyện Thọ Xuân, TAND huyện Hoằng Hóa, TAND huyện Mường Lát…. Các tham luận đã nêu ý kiến đóng góp và đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác, tháo gỡ vướng mắc về nghiệp vụ để đảm bảo tiến độ và chất lượng giải quyết các loại án, công tác chuyên môn được giao.
Đồng chí Lê Thanh Hùng, Phó Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, nhiều tập thể, cá nhân của Tòa án hai cấp đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng của Đảng, Nhà nước các cấp trao tặng như: TAND TP Thanh Hóa được tặng Cờ thi đua của Chính phủ; hai đơn vị Tòa án cấp huyện được tặng Cờ thi đua TAND; 2 cá nhân đạt danh hiệu Thẩm phán giỏi và Thẩm phán tiêu biểu của Chánh án TANDTC.
Trao Huân chương Lao động hạng 3 cho đồng chí Phạm Quốc Bảo, nguyên Phó Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Nga, Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa đã biểu dương thành tích đạt được của Tòa án hai cấp và nhấn mạnh, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2025 là rất nặng nề và không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi tinh thần nỗ lực, quyết tâm rất cao của tập thể cán bộ, công chức ngành Tòa án.
Trao Cờ thi đua của Chính phủ cho đơn vị TAND TP Thanh Hóa
Đồng chí đề nghị Tòa án hai cấp trong tỉnh tiếp tục triển khai sâu rộng, toàn diện, quyết liệt các giải pháp nâng cao chất lượng xét xử các loại án của TANDTC. Trong đó, việc xét xử các vụ án hình sự, phải bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
Việc xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo, áp dụng hình phạt khác không phải là hình phạt tù phải bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật. Đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ nghiêm trọng, phức tạp, các vụ án điểm được dư luận xã hội quan tâm; nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; chú trọng công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Trao cờ thi đua TAND cho đơn vị TAND huyện Hậu Lộc và TAND huyện Mường Lát
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, các vụ án kinh doanh, thương mại, các yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, các vụ án hành chính. Chú trọng làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự và đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính. Khắc phục triệt để việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án thiếu căn cứ. Tăng cường kiểm tra nghiệp vụ và công tác thi hành án hình sự.
Trao danh hiệu Thẩm phán giỏi và Thẩm phán tiêu biểu
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Tòa án hai cấp cần chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án liêm chính, chính trực, bảo vệ công lý, lẽ phải, công bằng; biết bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai; có bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, nắm vững về pháp luật và hành động đúng như lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Tòa án phải thực sự là người “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”. Trong đó cần đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu.
Trao tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua TAND
Nhiệm vụ trong năm tiếp theo, TAND hai cấp trong tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu giải quyết, xét xử các vụ án hình sự đạt tỷ lệ từ 90% trở lên; tỷ lệ giải quyết, xét xử các vụ, việc dân sự (bao gồm các tranh chấp và các yêu cầu về dân sự, hôn nhân- gia đình, kinh doanh thương mại, lao động) từ 85% trở lên; tỷ lệ giải quyết án hành chính đạt từ 65% trở lên. 100% các bản án, quyết định của Tòa án được ban hành trong thời hạn luật định. 100% quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự không bị hủy, sửa theo thủ tục giám đốc thẩm.