Trong thời gian qua, TAND huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc; khai thác có hiệu quả hệ thống truyền hình trực tuyến; thực hiện nghiêm việc công khai bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử; đẩy mạnh việc triển khai áp dụng các phần mềm nội bộ dùng chung và các dịch vụ công tư pháp; triển khai số hóa hồ sơ các vụ án và số hóa hồ sơ lưu trữ…
HĐXX TAND huyện Sơn Tịnh trong một phiên tòa xét xử.
Đặc biệt, tính từ năm 2022 đến nay, TAND huyện Sơn Tịnh đã xét xử trực tuyến 47 vụ án các loại, riêng trong 2 năm 2023 và 2024, TAND tỉnh Quảng Ngãi sửa chữa trụ sở nên chuyển về xét xử tại trụ sở TAND huyện Sơn Tịnh, vì vậy đơn vị đã phối hợp với TAND tỉnh xét xử trực tuyến 143 vụ án và phối hợp với TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử trực tuyến tại điểm cầu TAND huyện Sơn Tịnh 32 vụ án các loại.
Để chuẩn bị cho các phiên tòa trực tuyến xét xử các loại án diễn ra theo đúng kế hoạch, đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, ngay từ đầu tháng 4/2022, TAND huyện Sơn Tịnh đã phối hợp với TAND tỉnh Quảng Ngãi lên kế hoạch và tiến hành lắp đặt thiết bị tại phòng xét xử trực tuyến của TAND huyện và kết nối với phòng xử tại UBND các địa phương, bảo đảm phục vụ xét xử trực tuyến đối với tất cả các loại án hình sự, dân sự, hành chính.
Trước khi tổ chức phiên tòa, Tòa án đều tiến hành chạy thử hệ thống, tiến hành kiểm tra kỹ các tham số kỹ thuật, chất lượng đường truyền, tín hiệu âm thanh, hình ảnh giữa các điểm cầu trung tâm và điểm cầu thành phần để đảm bảo phiên tòa được diễn ra xuyên suốt, không bị gián đoạn.
Các phiên tòa được TAND huyện Sơn Tịnh xét xử trực tuyến tiêu biểu như: Phiên tòa xét xử lưu động vụ án hình sự kết hợp xét xử trực tuyến tại UBND xã Tịnh Phong, kết hợp tổ chức rút kinh nghiệm trực tuyến tại tất cả các địa phương trong tỉnh do TAND tỉnh Quảng Ngãi chủ trì tại điểm cầu TAND tỉnh; phiên tòa hình sự xét xử lưu động tại xã Tịnh Hà kết hợp trực tuyến tại 2 điểm cầu là UBND các xã của các huyện Bình Sơn và Sơn Hà, có phát thanh trực tiếp trên phương tiện truyền thông của địa phương; phiên tòa hôn nhân và gia đình có điểm cầu thành phần tại huyện đảo Lý Sơn (nơi cách đất liền hơn 15 hải lý),…
Phiên tòa xét xử trực tuyến do TAND huyện Sơn Tịnh tổ chức.
Các phiên tòa trực tuyến được diễn ra theo đúng trình tự, thủ tục tố tụng; thiết bị hiển thị hình ảnh và hệ thống âm thanh đảm bảo; thiết bị ghi hình rõ nét, tín hiệu truyền, nhận từ điểm cầu trung tâm đến điểm cầu thành phần thông suốt, những người tham gia tố tụng đều nói, nghe, trả lời rõ ràng, không có phiên tòa nào bị gián đoạn do đường truyền hoặc sự cố kỹ thuật.
Tại các điểm cầu thành phần như UBND xã, UBND huyện, số lượng người tham dự phiên tòa đông; có nhiều phiên tòa, nhất là phiên tòa hành chính gần như tất cả các phòng ban liên quan của địa phương đều tham dự.
Phát huy ưu thế của công tác xét xử trực tuyến, hiện nay theo chỉ đạo của TAND tỉnh, TAND huyện Sơn Tịnh đã tăng cường ứng dụng tích hợp nền tảng thiết bị của hệ thống quan sát phiên tòa để đẩy mạnh xét xử trực tuyến các loại vụ án.
Tăng cường xét xử trực tuyến tại các điểm cầu thành phần là UBND các địa phương nơi đương sự sinh sống nhằm giúp người dân khỏi phải di chuyển xa, đến trụ sở Tòa án, hạn chế tình trạng xin vắng mặt hoặc xin hoãn phiên tòa của đương sự.
Chánh án TAND huyện Sơn Tịnh Nguyễn Thị Mỹ Dung, cho biết: Để có được thành công trong tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến tại TAND huyện Sơn Tịnh trong thời gian qua, trước hết nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của TANDTC, Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy Sơn Tịnh, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp huyện, sự ủng hộ của Công an, Viện Kiểm sát nhân dân huyện, UBND các địa phương, cùng sự hỗ trợ kịp thời của TAND tỉnh Quảng Ngãi.
Phiên tòa xét xử trực tuyến do TAND huyện Sơn Tịnh tổ chức có điểm cầu thành phần tại Nhà tạm giữ Công an huyện Sơn Tịnh.
Đặc biệt, nhờ sự nỗ lực, nhiệt tình của công chức trong đơn vị, chỉ trong thời gian ngắn đã nhanh chóng làm chủ công nghệ, sử dụng thành thạo thiết bị, duy trì, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống xét xử trực tuyến tại Tòa án, chính vì vậy khi tổ chức phiên tòa trực tuyến đơn vị không phải thuê dịch vụ hội nghị truyền hình trực tuyến, thiết bị và nhân lực vận hành của nhà mạng viễn thông, tất cả đều do công chức, người lao động TAND tỉnh và TAND huyện thực hiện.
Cũng theo Chánh án TAND huyện Sơn Tịnh Nguyễn Thị Mỹ Dung, việc tổ chức thành công các phiên tòa xét xử trực tuyến đã thể hiện sự quyết tâm của đơn vị về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ công tác cải cách tư pháp, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ mà Quốc hội, TANDTC giao. Kết quả đạt được này đã được Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Quảng Ngãi đánh giá rất cao khi kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp tại TAND hai cấp trong tỉnh.
“Có thể nói, xét xử trực tuyến là xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp, phù hợp với chủ trương của Đảng về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến giúp tăng khả năng tiếp cận công lý, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân tốt hơn, hiệu quả hơn, bảo đảm thời hạn giải quyết vụ án nhanh hơn. Việc tổ chức thành công các phiên tòa xét xử trực tuyến đã thể hiện sự quyết tâm của đơn vị về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ công tác cải cách tư pháp, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao” Chánh án Nguyễn Thị Mỹ Dung chia sẻ thêm.