Cẩn trọng trên từng km
Trưa nắng gắt, anh Minh (50 tuổi, ngụ tại TPHCM), tài xế xe công nghệ, ngồi nghỉ trên xe máy, ăn vội bữa trưa trước khi tiếp tục nhận thêm cuốc.
Nhiều tài xế xe ôm công nghệ phải làm việc nhiều hơn trước để đổi lấy thu nhập đủ trang trải cuộc sống (Ảnh: Nguyễn Vy).
Nam tài xế bộc bạch, thỉnh thoảng cũng cảm thấy đau đầu, choáng váng nhẹ, suýt té ngã giữa đường. Những lúc như vậy, anh chỉ có thể tấp vào lề nghỉ ngơi một lát rồi lại phải đi tiếp. Đối với anh, chỉ cần dừng một chút, thu nhập có thể giảm, bữa cơm của vợ con sẽ vơi bớt đi chút thịt, cá so với mọi khi.
Lướt điện thoại, thấy dòng tin về sự việc một nam tài xế công nghệ bị tai nạn tử vong, để lại con gái bị bại não, anh Minh không khỏi xót xa.
“Nghề này bạc lắm. Bệnh không dám nghỉ, vì nghỉ là xem như ngày đó không có tiền”, anh Minh nói.
Mỗi ngày, anh Minh làm việc hơn 10 giờ để đổi lấy thu nhập 7 triệu đồng/tháng. Trước đây, anh từng là quản lý nhà hàng với mức lương 30 triệu đồng/tháng, nhưng không may lại bị sa thải.
Đến nay, thu nhập giảm hơn 4 lần, những phúc lợi từ công ty cũng không có, anh Minh đành ngậm ngùi chịu những cơn đau ốm do thời tiết, tự bỏ tiền chữa trị khi không may va quẹt trên đường.
Những khoảnh khắc gặp tai nạn, anh Minh thở phào vì may mắn bản thân không bị thương nặng. Thế nhưng, nỗi sợ khi di chuyển trên những tuyến đường đông đúc phương tiện vẫn khiến nam tài xế tự nhắc mình cẩn trọng hơn.
Anh Nguyễn Huy Bình (41 tuổi, ngụ tại tỉnh Long An) kể rằng anh làm tài xế xe công nghệ đã 2 năm. Mỗi ngày, anh làm việc hơn 12 tiếng. Thời gian gần đây, thu nhập bấp bênh, giảm hơn 50% so với trước. Bản thân anh phải cố gắng “cày” nhiều hơn và chi tiêu tiết kiệm hơn.
Giờ đây, một cốc cà phê vài chục nghìn đồng cũng trở nên đắt đỏ với anh. Vì thế, anh sợ tốn kém nên chỉ dám nghỉ ngơi ngay trên xe, đỗ ở những gốc cây ven đường.
“Ngồi ngoài đường thì trời nóng, bản thân cũng sợ bị cướp nên phải vừa chợp mắt, vừa ôm khư khư túi đồ, khiến giấc ngủ không được sâu. Những hôm mưa gió thì xem như không ngủ được chút nào”, anh Bình nói.
Tài xế không được bất kỳ sự đảm bảo nào
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, cho hay, về phúc lợi, hầu hết nhóm lao động này không được hỗ trợ tiền ăn, chế độ nghỉ phép, khám sức khỏe định kỳ, thưởng lễ, Tết,… Họ chủ yếu nhận 2 chế độ chính là tiền thưởng (hoa hồng nhờ làm vượt định mức) và tiền boa của khách hàng,…
Theo ông Tuấn, nếu tình trạng trên kéo dài, người lao động sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi xảy ra tranh chấp. Do vậy, cần có thêm nhiều chính sách để bảo vệ họ về tiền lương, thu nhập; quyền tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); quyền về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, đảm bảo môi trường, điều kiện làm việc theo Bộ luật Lao động 2019.
Rủi ro nghề nghiệp cao vì phải lao động trên đường phố, không ít tài xế cho rằng khó có khả năng tham gia bảo hiểm xã hội vì thu nhập thấp (Ảnh minh họa: Nguyễn Vy).
“Đồng thời, cần tăng cường các quy định về cơ chế giám sát doanh nghiệp nền tảng, từ đó hướng đến chuẩn hóa, hợp pháp, sửa đổi hệ thống an sinh xã hội để duy trì ổn định quan hệ lao động”, ông Tuấn đề xuất.
Ông Tuấn cho rằng nhà cung cấp các nền tảng số cần nhận thức về trách nhiệm đảm bảo quyền, các chế độ chính sách liên quan đến việc làm (hợp đồng, bảo hiểm, đào tạo nâng cao trình độ, các chế độ phúc lợi…) cho người lao động sử dụng dịch vụ công nghệ của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, người lao động cũng cần nâng cao các kỹ năng làm việc, trình độ, hiểu biết về pháp luật dân sự, pháp luật lao động, nắm được quyền và các chính sách về việc làm của Nhà nước để ứng phó với các rủi ro về việc làm, quan hệ lao động.
Hơn hết, quan trọng nhất là chính sách về BHXH, BHYT, BHTN được thực hiện đầy đủ thì người lao động sẽ yên tâm gắn bó với người sử dụng lao động, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội (SocialLife), cho biết công tác quản lý loại hình dịch vụ xe sử dụng nền tảng ứng dụng công nghệ nảy sinh khá nhiều vấn đề phức tạp trong công tác quản lý về vấn đề tranh chấp trong kinh doanh giữa mô hình kinh tế truyền thống và mô hình kinh tế chia sẻ.
Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị xã hội dành cho người lao động hay thanh niên đang khá lúng túng trong việc tập hợp, liên kết người lao động vào mô hình tổ chức của mình để chăm lo, hỗ trợ đời sống góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.