Chênh lệch cung – cầu khá lớn
Trong năm 2024, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) đã thực hiện khảo sát, thu thập thông tin của 165.333 người có nhu cầu tìm việc.
Kết quả khảo sát nhu cầu tìm việc theo trình độ chuyên môn kỹ thuật cho thấy có đến 163.895 người tìm việc là lao động đã qua đào tạo, chiếm 99,13% tổng nhu cầu tìm kiếm việc làm.
Đặc biệt, xét cụ thể từng trình độ chuyên môn thì nhóm lao động tìm việc này có đến 115.832 người trình độ đại học trở lên, chiếm 70,06% tổng nhu cầu tìm việc. Người có trình độ cao đẳng là 22.254 người, chiếm 13,46%; trung cấp là 19.741 người, chiếm 11,94%; sơ cấp là 6.068 người, chiếm 3,67%.
Như vậy, số lao động phổ thông, không có tay nghề đến các trung tâm dịch vụ việc làm kiếm việc, đăng thông tin ứng tuyển trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin dịch vụ việc làm… chưa đạt đến 1% tổng số lao động tìm việc tại TPHCM trong năm 2024.
Cụ thể, thống kê của Falmi cho thấy, chỉ có 1.438 người lao động phổ thông có nhu cầu tìm việc, chiếm 0,87% tổng số lao động tìm việc.
Cơ cấu này hoàn toàn trái ngược với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong năm 2024.
Trong năm 2024, Falmi đã khảo sát 64.126 lượt doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 318.731 chỗ làm việc.
Kết quả cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo là 275.925 chỗ làm việc, chiếm 86,57% tổng nhu cầu nhân lực. Tỷ lệ này khá cân xứng với số lao động tìm việc đã qua đào tạo (99%). Tuy nhiên, nếu xét cụ thể từng trình độ chuyên môn thì có sự chênh lệch lớn.
Cụ thể, với nhân lực có trình độ đại học trở lên thì doanh nghiệp chỉ cần tuyển 65.531 chỗ làm việc, chiếm 20,56% tổng nhu cầu tuyển dụng, thấp hơn rất nhiều tỷ lệ 70,06% của nhóm lao động tìm việc.
Nhu cầu nhân lực theo trình độ chuyên môn kỹ thuật tại TPHCM năm 2024 (Nguồn: Falmi).
Ở trình độ cao đẳng, doanh nghiệp cần tuyển 56.989 chỗ làm việc, chiếm 17,88% tổng nhu cầu. Như vậy, nhu cầu tuyển dụng ở nhóm này lại cao hơn tỷ lệ ở nhóm tìm việc (13,46%).
Ở trình độ trung cấp, doanh nghiệp cần tuyển 59.890 chỗ làm việc, chiếm 18,79% tổng nhu cầu tuyển dụng nhưng chỉ có 19.741 người tìm việc (chiếm 11,94% nhu cầu tìm việc).
Ở nhóm lao động trình độ sơ cấp thì mức độ chênh lệch càng cao hơn. Doanh nghiệp cần tuyển 93.515 chỗ làm việc, chiếm 29,34% tổng nhu cầu tuyển dụng nhưng chỉ có 6.068 người tìm việc (chiếm 3,67% nhu cầu tìm việc).
Chênh lệch cao nhất vẫn là ở nhóm lao động phổ thông. Doanh nghiệp cần tuyển đến 42.806 chỗ làm việc, chiếm 13,43% tổng nhu cầu nhân lực. Trong khi đó, lao động đi tìm việc chỉ có 1.438 người, chiếm 0,87% tổng số lao động tìm việc.
Để trở thành lao động thành công
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, trung bình mỗi năm, thành phố cần bố trí việc làm cho khoảng 300.000 người, trong đó gần 100.000 người là sinh viên tốt nghiệp đại học và trên 200.000 người tốt nghiệp các chương trình giáo dục nghề nghiệp.
Dù thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc khảo sát, thông tin và định hướng phát triển các ngành nghề cho cân đối nhưng thực tế cho thấy còn nhiều nút thắt. Hai nghịch lý lớn nhất của thị trường lao động TPHCM hiện nay là tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề và trình độ nghề. Trong đó, mất cân đối trong cơ cấu trình độ nghề diễn ra khá phức tạp.
Các phiên giao dịch việc làm đang phát huy tác dụng kết nối lao động thất nghiệp với doanh nghiệp cần tuyển dụng (Ảnh minh họa: CTV).
Ông Trần Anh Tuấn cho biết, nhu cầu nhân lực có trình độ đại học của thành phố hằng năm là 18%-22%, trình độ cao đẳng và trung cấp là hơn 50%. Nhưng thực tế người có nhu cầu tìm việc trình độ đại học trở lên lại luôn chiếm hơn 60%.
Theo ông Trần Anh Tuấn, sự cân đối giữa nguồn cung và nhu cầu là nhân tố quan trọng quyết định hiệu quả tận dụng nguồn lực lao động. Còn về phía người lao động, yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự thành công của họ là việc học tập suốt đời.
“Học tập suốt đời được hiểu đơn giản là việc tích lũy hằng ngày các kiến thức, kinh nghiệm xã hội – lịch sử thông qua những hình thức học tập chính quy, không chính quy, phi chính quy để mỗi người tự làm giàu vốn kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ làm việc…”, ông Tuấn nói.
Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, việc tiếp thu được những giá trị mới, nâng cao năng lực, làm chủ bản thân, làm chủ tri thức mới, làm chủ kỹ thuật và công nghệ mới… sẽ giúp người lao động thích ứng với những biến đổi nhanh của xã hội trong thời kỳ hội nhập này.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM (Ảnh: Tùng Nguyên).
“Có bằng cấp cao thì tốt, nhưng cái quyết định hiệu quả công việc lại là kiến thức, năng lực làm việc thực sự của người lao động. Mà năng lực đó phải được xây dựng và phát triển dựa trên nền móng là kiến thức mỗi người đã được học, không chỉ trên ghế nhà trường mà còn trong những hoạt động thực tế và những trải nghiệm trong quá trình học”, ông Tuấn nhấn mạnh.