Sinh viên quốc tế lao đao vì khó thuê nhà tại Australia

Sinh viên quốc tế lao đao vì khó thuê nhà tại Australia

Dù đã chia tiền thuê nhà với bạn cùng phòng, Livi Sduon vẫn không đủ khả năng trả 1.000 USD (23,6 triệu đồng) mỗi tuần cho căn hộ hai phòng ngủ tại thành phố Ultimo.

“Giá thuê thật đắt đỏ”, Sduon nói. Sau khi xem một số phòng cho thuê gần trường ở Camperdown, Sduon nhận thấy cơ hội tìm được một nơi phù hợp trước khi bắt đầu học kỳ là rất mong manh.

Hai tuần trước, Trung Quốc ban hành chính sách không công nhận bằng cấp ở nước ngoài bằng việc học trực tuyến, khiến nhiều sinh viên nước này gấp rút trở lại Australia do học kỳ I sắp bắt đầu. Nhiều thành phố tại Australia vốn đã không còn khả năng cung cấp chỗ ở, nên sinh viên quốc tế sẽ phải cạnh tranh với những người thuê nhà khác dù giá cao.

Thực tế, từ trước đó, sinh viên quốc tế đã gặp nhiều khó khăn. Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu từ Đại học Công nghệ Sydney và Đại học Macquarie với hơn 7.000 sinh viên quốc tế tại Australia, 21% người được hỏi cho biết họ đi học mà không ăn uống đầy đủ, 22% không được đảm bảo nhu cầu sưởi ấm và làm mát trong căn hộ của mình. Trong khi đó, hơn một nửa số sinh viên có thu nhập “rất khó khăn” cho biết không “dễ dàng chi trả phí thuê nhà”, con số này với sinh viên có thu nhập trung bình là 34%, thu nhập an toàn là 17%.

Livi Sduon gặp khó khăn trong việc tìm chỗ ở gần trường đại học. Ảnh: ABC News

Livi Sduon gặp khó khăn trong việc tìm chỗ ở gần trường đại học. Ảnh: ABC News

Theo Alison Chang, đại diện một đại lý cho thuê bất động sản tại Sydney, nhu cầu thuê nhà của sinh viên quốc tế đã tăng vọt sau chính sách của Trung Quốc. Bà Chang đã nhận được hơn 50 đề nghị thuê căn hộ ở Ultimo sau hai ngày đăng thông tin, có người còn đề nghị trả trước sáu tháng tiền thuê để được chấp thuận.

Theo số liệu của CoreLogic, một công ty cung cấp thông tin tài chính, tiêu dùng, tỷ lệ nhà cho thuê còn trống của Australia đã giảm xuống 1,3% trong tháng 1, so với 2% cùng kỳ năm ngoái. Năm ngoái, giá thuê nhà trên toàn quốc đã tăng ở mức kỷ lục 10,2%, trung bình là 555 USD (13,1 triệu đồng) mỗi tuần.

Eliza Owen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của công ty này, cho biết dòng sinh viên nước ngoài đổ về sẽ làm tăng thêm áp lực về nhà thuê, khiến giá nhà có thể cao hơn nữa.

Một báo cáo do Hội đồng nhà ở sinh viên công bố năm ngoái cho thấy nhiều thành phố lớn đã hết chỗ trọ dành cho sinh viên. Tỷ lệ nhà còn trống ở Brisbane, Perth và Adelaide được dự đoán về mức 0 vào năm 2023. Giám đốc điều hành của Hội đồng Torie Brown cho biết đang phải đối mặt với vấn đề thiếu nguồn cung khi không có đủ số căn hộ mới được đưa vào hoạt động trong hai năm tới.

Nhiều ý kiến lo ngại cuộc khủng hoảng nhà cho thuê có thể khiến sinh viên nước ngoài bị lợi dụng. Cô Joy Xu, thành viên Hiệp hội Sinh viên Đại học Công nghệ Sydney (UTS), cho biết một số sinh viên ở Trung Quốc đã trả hàng trăm USD cho các dịch vụ kiểm tra nhà cho thuê trên mạng xã hội. Các em bỏ tiền để nhờ người chụp ảnh và quay phim.

“Có một thị trường ngầm đang nổi lên cho dịch vụ này. Họ không phải chuyên gia như các đại lý bất động sản, mà chỉ là những cá nhân ngẫu nhiên trên mạng. Tôi lo ngại rằng điều này có thể làm tăng nguy cơ lừa đảo. Sinh viên quốc tế thiếu mạng lưới hỗ trợ ở địa phương. Họ thiếu nhận thức về các quyền hợp pháp và quyền thuê nhà”, cô Xu bày tỏ.

Joy Xu, thành viên Hiệp hội Sinh viên Đại học Công nghệ Sydney (UTS). Ảnh: ABC News

Joy Xu, thành viên Hiệp hội Sinh viên Đại học Công nghệ Sydney (UTS). Ảnh: ABC News

Các trường đại học Australia cho biết đang làm việc với chính quyền để “tạo điều kiện thuận lợi” cho sinh viên quốc tế trở lại an toàn.

Catriona Jackson, Giám đốc điều hành University Australia nói các trường đại học hỗ trợ sinh viên bằng cách cung cấp thông tin về các loại phòng, chỗ ở trước khi các em đến Australia. “Sinh viên nào đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo nhà ở hoặc đối mặt với áp lực tài chính hãy liên hệ với trường để được hỗ trợ”, bà Jackson nói.

Minh Tuấn (Theo ABC News)