Kiến trúc sư Đỗ Hoàng Anh, người sáng lập Ceotic Studio – Ảnh: NVCC
Đó là chia sẻ của kiến trúc sư Đỗ Hoàng Anh, đang sống tại Hà Nội. Anh là người sáng lập Ceotic Studio (công ty chuyên về thiết kế kiến trúc, nội thất).
Ra đời va vấp với xã hội, ngã sớm đứng lên sớm
Anh Hoàng Anh cho rằng sinh viên làm thêm càng sớm càng tốt. Theo anh, khi mới đi làm, không nhất thiết phải chọn công việc đúng chuyên ngành mình đang học ngay từ đầu, mà làm gì cũng được, bởi mỗi việc sẽ đem lại trải nghiệm, kinh nghiệm và tác dụng khác nhau. Sau này nhìn lại sẽ thấy hóa ra làm công việc đó ngày xưa đã giúp cho mình bây giờ thế nào.
“Ví dụ, các bạn làm những thứ liên quan đến ngành dịch vụ như chạy bàn, bán hàng ở shop, bán cà phê, những việc này sẽ giúp mình có khả năng giao tiếp. Quan trọng nhất là khả năng chịu đựng.
Làm ngành dịch vụ phải tiếp xúc nhiều kiểu người, tập được thói quen chịu đựng sự không hoàn hảo của người khác, và biết cách cư xử khéo léo.
Còn làm tài xế xe công nghệ, giao hàng cũng giúp luyện được kỹ năng vững tay khi lái xe trên đường, biết nhiều đường hơn.
“Làm thêm sẽ giúp các bạn sớm va vấp với xã hội. Ngã sớm thì đứng lên sớm, đỡ sốc sớm”, anh nói.
Sinh viên làm thêm giờ để phụ giúp gia đình trong quá trình theo học tại các nhà trường cũng như tích lũy kinh nghiệm – Ảnh: HÀ QUÂN
Dù vậy, anh cũng nhận định sinh viên đừng làm các công việc ngoài lề quá lâu. Nếu học 4 năm thì năm 1, năm 2 làm việc gì cũng được, nhưng từ năm 3 nên kiếm việc đúng chuyên ngành được đào tạo dần là vừa. Đây là giai đoạn học việc, là quá trình chuyển hóa kiến thức trên lớp vào thực tế công việc.
“Điều này sẽ giúp các bạn có kinh nghiệm làm việc chuyên môn 1 – 2 năm. Khi ra trường đi xin việc sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Ngoài ra, mức lương và thu nhập khi ấy sẽ không bị thấp quá. Còn đã ra trường mà chưa có kinh nghiệm làm nghề bao giờ, đi xin việc sẽ rất khó được nhận.
Các doanh nghiệp tuyển dụng lao động thường muốn tìm nhân viên biết làm việc luôn, chứ thời gian đâu mà bỏ ra 1 – 2 năm đào tạo lại từ đầu.
Sinh viên tìm việc làm thêm theo chuyên ngành thường có tâm lý khó tìm nơi thực tập và học việc nếu chưa biết gì. Tuy nhiên, anh Hoàng Anh cho hay đừng nghĩ phải biết và làm được gì thì mới kiếm được việc.
“Bạn là sinh viên, không công ty nào kỳ vọng ở năng lực của bạn khi tuyển dụng đâu”, anh nói và cho biết quan trọng là biết cách nói để người ta nhận mình vào làm.
Ngoài ra, cũng có thể hỏi những người đi trước liên quan tới nghề mình muốn làm. Lên mạng tìm các công ty thông tin rõ ràng, có uy tín tuyển thực tập sinh.
Nếu không thể hiện được năng lực, bạn có thể trình bày mong muốn xin vào công ty để học việc từ đầu, từ vị trí thấp nhất. Các bạn học kiến trúc có thể xin vào làm ở xưởng, công ty của các thầy cô ở trường.
Không nên mới đi làm đã kiếm tiền bằng cách… ngồi nhà gõ phím
Bên cạnh việc chân tay, theo anh Hoàng Anh, nhiều sinh viên ngày nay còn làm MMO (making money online, tạm dịch kiếm tiền online) như YouTube, TikTok, Dropship, Affiliate, Crypto… Nhìn chung, làm MMO dễ kiếm tiền hơn so với lao động chân tay như chạy bàn, rửa bát, bán cà phê…
Tuy nhiên, anh Hoàng Anh khuyên sinh viên mới học năm 1, năm 2, thậm chí học sinh THPT, không nên làm MMO, vì đó sẽ là con dao hai lưỡi. Cách dễ kiếm tiền, thời gian thoải mái và nhẹ nhàng so với các công việc chân tay, nhưng đó là sự nguy hiểm mà các bạn mới vào đời khó nhận ra.
Anh cho ví dụ: “Giống như bạn đưa cái máy tính cho một đứa lớp 1 vậy. Đứa trẻ đó sẽ không cần phải học toán, nhớ bảng cửu chương hay hằng đẳng thức. Chỉ cần học cách bấm máy tính là xong. Thế nhưng, liệu lớn lên nó có phát triển được tư duy logic hay không?”.
Nữ sinh viên của một trường đại học ở TP.HCM đang làm hai công việc bán thời gian là gia sư và phục vụ tại quán cà phê – Ảnh: NGỌC LÂN
Theo anh, điều quan trọng nhất đối với sinh viên ngoài việc học phải là tích lũy kinh nghiệm sống, hành xử trong các mối quan hệ với người khác và tư duy giải quyết vấn đề.
“Những điều đó không bao giờ có được khi các bạn ngồi ở nhà ngồi sau màn hình và gõ phím.
Có thể làm MMO sẽ giúp kiếm được hiều tiền, nhưng các bạn có giữ được số tiền đó hay không, sau này có sử dụng được nó hay không thì chưa chắc. “Do đó, không nên nghĩ tới tiền ngay từ khi mới đi làm”, anh nói.
“Phải xác định rõ ràng mục đích sinh viên làm thêm để tích lũy kinh nghiệm và kiến thức, không phải kiếm tiền bằng mọi cách. Lao động chân tay sẽ biết trân quý đồng tiền, có thêm vốn sống, tăng kỹ năng giao tiếp.
Những công việc về chuyên môn sẽ giúp bạn hiểu thêm về nghề, có đủ năng lực làm việc thực tế ngay sau khi ra trường”, anh khuyên.
Biết ơn việc tay ngang thời sinh viên
Tâm sự về chuyện làm thêm của mình, anh Hoàng Anh cho biết học đại học 5 năm, đến năm thứ 4 anh mới chính thức làm thêm liên quan đến ngành kiến trúc mình theo học. Năm nhất, anh có làm một nghề mà theo anh là khá nhạy cảm, vô tình biết tới chứ trước đó không nghĩ sẽ làm. Đó là làm tuyên truyền viên phòng chống lây nhiễm HIV cho sinh viên TP Hà Nội.
Làm tầm 3 năm, ngoài việc có thu nhập, anh còn phát triển thêm các khả năng như giao tiếp, hùng biện, thuyết phục, thấu hiểu tâm lý người khác.
Những kiến thức, kinh nghiệm có được từ công việc làm thêm đầu tiên không liên quan gì đến kiến trúc này đến nay vẫn giúp ích cho anh rất nhiều trong việc tư vấn thiết kế.
“Còn một điều mà tôi biết ơn chỗ làm ấy đến bây giờ là dạy tôi hiểu biết về nguy cơ dẫn đến lây nhiễm HIV, các bệnh lây qua đường tình dục. Từ đó giúp mình sống lành mạnh”, anh cho biết.