Rời núi Giăng Màn vươn lên phía trước

Rời núi Giăng Màn vươn lên phía trước

Biên phòng – “Chồng em xuống núi rồi, đi làm dưới xuôi vài tháng mới về” – tôi khá ngạc nhiên khi hỏi chuyện cô gái trẻ ở đầu dốc vào bản Ka Oóc. Đi hết bản Ka Oóc, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, tôi nhận ra, thế hệ trẻ ở ngang lưng núi Giăng Màn giờ đây đã quen với nhịp sống “đầu năm rời núi xuống phố mưu sinh”.


Đường lên núi Giăng Màn chìm trong mây mù. Ảnh: Phạm Trường

Tiếng xe máy gầm rú vì cài số 1 mới bò lên được con dốc từ gần chân cầu treo ở bản Ra Mai lên bản Ka Oóc nằm trên lưng núi Giăng Màn. Dãy núi Giăng Màn (Bắc Trường Sơn) cao 1.400 mét so với mực nước biển, nằm dọc đường biên giới của 2 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, giáp với nước bạn Lào. Cuộc sống của bà con ở vùng núi này rất vất vả, vì chỉ một cơn mưa đầu nguồn, vô số lạch nước nhỏ ngang lưng núi biến thành suối, thành sông tuôn réo ầm ầm trong giá rét, sương mờ, chia cắt bản làng, tạo ra bao dốc núi trơn trượt.

Sau Tết, mưa tạnh ráo và con dốc này còn vô số vết hằn của bánh xe. Các thầy cô giáo cắm bản và BĐBP thì hằn trong trí nhớ bao lần ngã oạch trên lưng dốc trơn trượt. Ở vùng biên viễn xa xôi và khó khăn này, mọi người vẫn quen với nếp nghĩ – đồng bào người Bru-Vân Kiều ở đây sinh ra, lớn lên sẽ không bao giờ rời núi. Vậy nhưng thế hệ Gen Z (sinh từ năm 1997-2012) trên lưng núi Giăng Màn trong vài năm trở lại đây đã có cách sống khác – Họ xuống núi tìm việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo và có thu nhập ổn định, cao hơn.

Ngay đầu con dốc, tôi gặp chị Hồ Thị Bình (24 tuổi) đang vào rừng lấy củi. Chị cho biết, trước đây đi lấy củi thì bao giờ cũng đi cả 2 vợ chồng; thời cha mẹ, ông bà trước đây cũng thế, cứ đi rừng, đi rẫy thì 2 vợ chồng cùng nhau vừa làm, vừa nói chuyện, cả đời bên nhau như đôi chim không rời. Nhưng thời nay thì cuộc sống đã thay đổi, vì cứ ăn Tết Nguyên đán xong, anh Hồ Coi (25 tuổi) lại bắt đầu rời quê xuống phố đi làm.


Chị Hồ Thị Bình chia sẻ cuộc sống mưu sinh ở bản với Thiếu tá Hồ Xuân Thon, cán bộ Đồn Biên phòng Ra Mai, BĐBP Quảng Bình. Ảnh: Văn Chương

Trình độ chỉ học hết cấp 2 nên anh Coi cũng như nhiều thanh niên khác tìm đường mưu sinh ở miền xuôi bằng nghề phụ hồ; nếu có ai chỉ đường, dẫn dắt thì sẽ vào làm công nhân trong các công ty tại tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh. Chị Bình tỏ vẻ tiếc nuối vì 2 con còn nhỏ nên không thể rời quê cùng chồng. Chị cho biết, chấp hành quy định chặt chẽ về bảo vệ tài nguyên rừng, nghiêm cấm việc phá rừng làm nương rẫy và săn bắn, hầu hết thanh niên đã xuống núi tìm việc làm.

Vượt qua khỏi con dốc cao và đặt chân tới bản Ka Oóc, tiếng róc rách của suối nước xa dần, chỉ còn tiếng xào xạc của gió Xuân và lá rừng. Không khí Xuân vẫn đọng lại ở bản làng là tiếng cười nói, những lá cờ Tổ quốc treo rợp trên đường đi. Tết vẫn còn ở bản, nhưng thanh niên trai tráng đã rời bản lên đường đi mưu sinh.Trong ngôi nhà của chị em sinh đôi Hồ Thị Tý và Hồ Thị Mao (18 tuổi) đang hồi hộp chờ tin công ty tuyển dụng. 2 cô gái liên tục tra cứu thông tin từ điện thoại thông minh. Sau lưng Tý và Mao là 2 chiếc vali màu đen đang căng phồng hành lý. “Đi đâu, biết làm chỗ nào chưa?” – nghe tôi hỏi, một trong 2 cô gái cười và nói: “Có chị làm ở Hà Nội, có chị thì đi Đồng Hới, còn em vào miền Nam làm công nhân, nơi nào cần thì đến”.

Cả 2 chị em sinh đôi có khuôn mặt giống hệt nhau, từ nụ cười tới từng cử chỉ. Ý định rời núi Giăng Màn vào miền Nam đều được 2 chị em đồng lòng. Cả 2 cho rằng, đi vào miền Nam làm có tiền gửi về cho gia đình, bên cạnh đó cũng học thêm được nhiều điều trong cuộc sống, hơn là chỉ ở trên lưng núi Giăng Màn.

Chị Hồ Thị Măng (sinh năm 1997) là người đầu tiên của thế hệ Gen Z rời núi Giăng Màn. Từ tỉnh Bình Dương, thỉnh thoảng cô gái người Bru-Vân Kiều lại trở về thăm quê với trang phục giống người miền xuôi, ánh mắt lanh lẹ hơn, cô nói chuyện hay hơn, cô kể rất nhiều chuyện hay và lạ ở miền xuôi cho người dân bản. Số tiền kiếm được sau thời gian mưu sinh được chị Măng bàn tính với gia đình cách chi tiêu, đầu tư chăn nuôi, trồng cây để đồng tiền tiếp tục sinh lợi. Cái tên Măng được nhiều người trẻ ở lưng núi Giăng Màn nhắc đến và họ nhìn theo bóng cô để tiếp tục rời núi sau kỳ nghỉ Tết.


Chị Hồ Thị Lan cho biết, chồng đi làm ăn xa ở miền xuôi, vài tháng mới trở về núi thăm nhà một lần. Ảnh: Văn Chương

Nâng cốc rượu và nhìn ra cửa sổ, lắng nghe tiếng chim rừng hót líu lo, anh Hồ Tha, Trưởng thôn Ka Oóc nói, thanh niên trong bản đi làm ăn xa, trở về có nhiều tiến bộ nên nhiều gia đình khuyến khích con em đi làm ăn xa. Mấy năm trở lại đây, thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển rừng, người dân địa phương kiếm sống bằng nghề đi đốn, vác keo lai với tiền công 200.000 đồng/ngày. Thế nên, sau Tết, đàn ông xuống thị trấn làm thợ hồ, những thanh niên được đào tạo nghề sẽ đến Đà Nẵng, Quảng Ngãi, hoặc vào tận thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương tìm việc làm ở các khu công nghiệp.

Nghe câu chuyện thanh niên rời núi, tôi chợt nhớ ngày cuối năm đứng tại đầu cầu Ka Định nằm cạnh quốc lộ 12A, nơi được xem là mặt tiền của xã Trọng Hóa và chứng kiến đám cưới lần 1 (phong tục ở đây một đời người đám cưới 3 lần) của đôi trai gái trẻ. Phong cách tổ chức đám cưới vui nhộn như các đám cưới ở miền xuôi, vì toàn bộ thanh niên tới dự đám cưới đều đứng lên, nắm tay nhau đi vòng tròn trong rạp, có lúc ùa lên sân khấu bao quanh cặp đôi cô dâu, chú rể trong tiếng nhạc dập dồn. Những bản nhạc trong đám cưới đều là thể loại nhạc đang thịnh hành trong giới trẻ.

Bí thư Chi bộ bản Ka Oóc Hồ Mai chỉnh trang lại lá cờ Tổ quốc được treo trên cột đèn năng lượng mặt trời do BĐBP lắp đặt trong Chương trình “Ánh sáng đường biên” dọc bản Ka Oóc hồ hởi cho biết: “Xuống phố thì nhiều ánh sáng hơn, mỗi tháng kiếm được 6 đến 7 triệu đồng, nên rồi sẽ có nhiều thanh niên rời núi”. Tôi cũng phấn chấn với niềm vui của người dân vùng núi cao, biên viễn khi chứng kiến lớp trẻ ngày càng năng động, tự tìm cho mình con đường để vươn lên.

Lê Văn Chương