Nhiều cử tri đề nghị kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực dưới nhiều hình thức để đảm bảo tính toàn diện của công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho rằng, thực tế công tác này còn nhiều vướng mắc, hạn chế.
Những vướng mắc, hạn chế, tồn tại trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được TTCP đề cập như: Công tác xây dựng hoàn thiện thể chế trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Một số quy định về quản lý kinh tế – xã hội còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là trên các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đấu thầu; đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp…
Cơ quan Thanh tra Chính phủ. Ảnh: ĐỖ TRUNG
Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra còn cho rằng, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được phát huy toàn diện; một số biện pháp hiệu quả thấp; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, nộp lại quà tặng vẫn còn hạn chế, vướng mắc.
Cùng với đó là công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa có chuyển biến rõ nét; rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra trong nội bộ. Hoạt động thanh tra phát hiện nhiều sai phạm kinh tế, nhưng việc làm rõ động cơ vụ lợi để chuyển cơ quan điều tra kiến nghị khởi tố về các tội tham nhũng còn nhiều khó khăn.
TTCP cũng cho biết, ngoài các thực trạng trên còn có công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong một số vụ án, vụ việc cụ thể còn hạn chế; công tác giám định, định giá tài sản có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn một số trường hợp chậm ban hành kết luận giám định, định giá tài sản làm kéo dài thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc. Trong một số vụ án vẫn xảy ra trường hợp đối tượng bỏ trốn; tương trợ tư pháp hình sự còn gặp khó khăn.
Từ thực trạng này, TTCP đã chỉ đạo các ngành, các cấp, địa phương thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đối với công tác đấu tranh chống tham nhũng. Đặc biệt, chú trọng công tác cán bộ, gắn phòng chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; coi trọng công tác phòng ngừa…; đồng thời có cơ chế bảo vệ, khuyến khích, khen thưởng những người dám nghĩ, dám làm, đối mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.
Theo TTCP, trong thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng đã được xử lý, nhiều tài sản tham nhũng được thu hồi. Các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng thuộc TTCP, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nhất là các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) thuộc Bộ Công an đã thụ lý điều tra 11 vụ đối với 46 bị can; trong đó đã khởi tố mới 5 vụ với 34 bị can. Tài sản thu hồi trong các vụ án thụ lý hơn 924 tỷ đồng, hơn 20.000 cổ phiếu và kê biên 10 bất động sản (trị giá hơn 100 tỷ đồng). Hiện đang điều tra 4 vụ với 18 bị can.
Trong khi đó, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ (Vụ 5) thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã thụ lý, thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố gồm 15 tin báo; các vụ án tham nhũng, chức vụ 13 vụ với 96 bị can. Đã ban hành cáo trạng truy tố 5 vụ với 58 bị can.
ĐỖ TRUNG