Quyết định táo bạo
Hà Việt Huy năm nay 24 tuổi, chàng trai Gen Z đang là chủ trang trại nho hạ đen ở vùng quê nghèo xã Xuân Cao, huyện miền núi Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Huy cho biết, trang trại nho hạ đen này được xây dựng từ năm 2021. Khi đó, em đang là sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội.
Huy chia sẻ, bản thân đến với ngành nông nghiệp bắt nguồn từ lần tình cờ cùng nhóm bạn tham quan Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang, thấy giống nho hạ đen đẹp nên đã tìm hiểu và học cách trồng.
Bỏ phố về quê, chàng trai trẻ Hà Việt Huy thành công với mô hình nho hạ đen (Ảnh: Thanh Tùng).
Đầu năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, Huy về quê tránh dịch. Thời gian này, Huy nảy ra ý tưởng sẽ đem giống nho hạ đen về quê trồng. Quyết định táo bạo này của Huy khiến gia đình và bà con lối xóm ngạc nhiên.
“Là người đầu tiên của huyện Thường Xuân đem giống nho hạ đen về trồng, em đã trải qua không ít khó khăn. Trước đây, người dân quê em quanh năm chỉ biết đến cây keo, ngô, sắn, ai cũng nghĩ nho chỉ trồng ở vùng đất Ninh Thuận, Bình Thuận. Khi nghe em sẽ trồng nho, ai cũng bất ngờ và nghĩ sẽ thất bại. Đặc biệt, bố mẹ em đã ra sức can ngăn”, Huy chia sẻ.
Những quả nho sắp đến vụ thu hoạch (Ảnh: Thanh Tùng).
Thế nhưng, cùng với quyết tâm, Hà Việt Huy dành dụm tiền rồi đặt mua nho về mời bố mẹ ăn thử, đồng thời không ngừng thuyết phục để bố mẹ “rót vốn” để khởi nghiệp.
Tháng 3/2021, sau nhiều lần thuyết phục, ý tưởng của Huy đã được mọi người trong gia đình đồng ý. Để giúp con trai bắt tay công việc, bố mẹ Huy đã vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng, tiến hành xây dựng trang trại.
Có vốn, Huy liên hệ với Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang nhận chuyển giao kỹ thuật trồng nho. Sau đó, Huy liên kết với một người bạn cùng quê, tận dụng mảnh vườn và khoảnh đồi của ông nội để dựng hệ thống mái che, đầu tư trồng gần 500 gốc nho hạ đen.
Biến đất đồi “đẻ” hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Trong vụ đầu tiên khởi nghiệp, Huy và đồng nghiệp thành công ngoài mong đợi. Gần 500 gốc nho cho ra lứa quả đầu tiên sau 6 tháng trồng thử nghiệm. “Vụ thu hoạch đầu tiên, vườn nho cho sản lượng khoảng 7 tạ. Với giá bán 150.000 đồng/kg, trại nho đem về doanh thu hơn 100 triệu đồng”, Huy chia sẻ.
Hàng ngày chàng trai Gen Z thường xuyên chăm sóc vườn nho (Ảnh: Thanh Tùng).
Theo Huy, nho hạ đen là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, mỗi năm thu 2 vụ (tháng 6 và cuối tháng 12). Trong đó vụ chính là thời điểm tháng 6. Một gốc nho có thể thu hoạch trong 7 năm. Để cây cho ra quả đúng thời vụ phải đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao.
“Điều quan trọng nhất là hệ thống mái che vì nho là loại cây ưa ánh sáng nhưng nếu bị sương muối và mưa, cây sẽ chết, héo lá. Thời điểm cây bắt đầu ra quả, người trồng phải theo dõi, đồng thời có chế độ dinh dưỡng hợp lý để cây sinh trưởng tốt, cho ra quả đều đặn”, Hà Việt Huy nói.
Theo chàng trai trẻ, sau khi thử nghiệm thành công, Huy bắt đầu mở rộng quy mô trang trại lên khoảng 7.000m2, với 1.200 gốc nho hạ đen. Trung bình mỗi vụ đạt sản lượng khoảng 8-10 tạ.
Hệ thống mái che được Huy lắp đặt đảm bảo kỹ thuật (Ảnh: Thanh Tùng).
Thị trường mà Huy hướng đến chủ yếu là trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Với giá bán 150.000-160.000 đồng, mỗi năm doanh thu của trang trại đạt khoảng 300-400 triệu đồng.
Không chỉ phát triển kinh tế tốt, trang trại nho hạ đen của Hà Việt Huy còn tạo việc làm cho 2-3 lao động thường xuyên, 3-4 lao động thời vụ với mức thu nhập 180.000-200.000 đồng/ngày.
Huy chia sẻ, năm 2023, em tốt nghiệp Trường Đại học Luật Hà Nội. Thời gian này em đang làm nhân viên online cho một văn phòng luật tại Hà Nội.
Song song với công việc văn phòng, Huy dành thời gian chính cho việc mở rộng mô hình, đồng thời nuôi thêm gà và giun quế để thực hiện mô hình VAC trong thời gian tới. Ngoài ra, Huy đang ấp ủ mở thêm dịch vụ du lịch để du khách và người dân tham quan, trải nghiệm chụp ảnh, hái nho.
Để phát triển mô hình, Hà Việt Huy đã thành lập hợp tác xã trồng nho (Ảnh: Thanh Tùng).
Ông Lê Bá Tiến, Chủ tịch UBND xã Xuân Cao, huyện Thường Xuân, cho biết Hà Việt Huy là người đầu tiên của huyện Thường Xuân trồng giống nho hạ đen, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Đây là gương thanh niên khởi nghiệp điển hình ở địa phương. Không chỉ làm kinh tế giỏi, trang trại của em Hà Việt Huy còn tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Thời gian qua, địa phương đang nỗ lực để hướng sản phẩm nho hạ đen của em Huy trở thành sản phẩm OCOP, mở rộng và phát triển thị trường hơn nữa”, ông Tiến nói.