Biên phòng – Xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La có 14 bản thì hầu hết là các bản đặc biệt khó khăn. Và Buốc Pát là bản khó khăn nhất. Cả bản Buốc Pát có 18 hộ thì toàn bộ đều là hộ nghèo và gần như các hộ này đã từng bị cuốn vào vòng xoáy của cơn bão ma túy. Nhưng 3 năm trở lại đây, khi những người đàn ông trở về sau lầm lỡ với lời hứa đoạn tuyệt với ma túy, những hy vọng đang được thắp lên.
Bài 3: Để ma túy không còn bủa vây bản làng
Từ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, vượt con đường dốc lên thẳng đứng dài hơn 4km bằng xe máy là tới bản Buốc Pát, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu. Nắng chiều vùng biên ải như khiến những dãy núi cao hơn, xanh hơn, những vạt đồi chanh leo như dịu mắt hơn. Có tiếng lao xao từ nhà Mùa A Páo. Thì ra, đám trẻ con của bản tụ tập nô đùa ở đây, còn Mùa A Páo đang tất bật cùng vợ cho đàn gà ăn. Người đàn ông dân tộc Mông này từng có 20 năm nghiện ma túy, phải chấp hành án phạt tù 2 năm vì tội tàng trữ trái phép ma túy. Người con lớn của Páo cũng đang nhận án phạt tù về tội danh vận chuyển trái phép chất ma túy.
Mùa A Páo từng có 20 năm nghiện ma túy, hiện nay đã quyết tâm từ bỏ ma túy, chăm lo phát triển kinh tế gia đình trên chính mảnh đất quê hương. Ảnh: Trọng Đức
3 năm trước, đi tù về, Mùa A Páo được các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập và chính quyền xã vận động tránh xa ma túy. Nghe tuyên truyền, Mùa A Páo đã làm lại cuộc đời, tập trung phát triển kinh tế. Cuộc sống mới đã mở ra cho người đàn ông từng chỉ biết lệ thuộc vào ma túy ngày nào và cũng mở ra tương lai cho cả vợ, con anh. Mùa A Páo chia sẻ, thời gian đi tù, anh cũng được điều trị cai nghiện ma túy. 2 năm trong tù là thời gian Páo vượt qua được những cơn vật vã, sự ham muốn không thể cưỡng lại được đối với ma túy. “Tôi đã không cần đến ma túy để duy trì sự cân bằng của cơ thể và bây giờ, tôi cũng không muốn dính dáng đến ma túy nữa” – Mùa A Páo chia sẻ.
Người đàn ông này cũng vui vẻ kể, sau khi chấp hành xong án phạt tù và trở về địa phương, anh được các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập cùng chính quyền địa phương tới hỗ trợ, giúp đỡ cây, con giống để phát triển kinh tế. Sự nhiệt tình, quan tâm, chia sẻ của các chiến sĩ Biên phòng, của chính quyền, các đoàn thể địa phương đã tháo gỡ những nút thắt túng bấn cho hộ nghèo như anh. “Hiện nay, vợ chồng tôi đang tham gia phát triển kinh tế rất tốt. Mỗi năm, chúng tôi có trên 20 bao thóc, 20 cân ngô, có nương ngô, nương lúa với đàn gà, con dê” – Mùa A Páo bộc bạch.
Ngồi bên bếp lửa giữa nhà, anh Mùa A Dê, Trưởng bản Buốc Pát cho hay, cả bản có 18 nóc nhà với hơn 100 nhân khẩu, nhưng một thời gian, gần như nhà nào cũng có người nghiện, người đi tù. Thanh niên, phụ nữ, người già cũng nghiện, kéo theo rất nhiều hệ lụy. Lý giải vòng xoáy cuốn vào ma túy, theo lời Trưởng bản Mùa A Dê, giáp bên kia là bản Pa Háng, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, Lào, đã bao năm nay là “điểm nóng” về ma túy. Có một thời, bà con ở bản sang Lào làm thuê rồi cứ thế dính dáng đến ma túy, nghiện hút rồi tham gia vận chuyển trái phép chất ma túy.
“Nhưng những năm gần đây, ngoài việc bắt giữ những người vi phạm pháp luật, lực lượng chức năng như Công an, Biên phòng rất tích cực đến tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tác hại của ma túy cho bà con dân bản. Nhiều người trong bản đã nhận thức được là dính dáng vào ma túy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế của mỗi gia đình. Không chỉ là giúp đỡ dân bản Buốc Pát tạo sinh kế, xóa đói nghèo, cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng còn làm rất nhiều việc có ý nghĩa cho dân bản” – Trưởng bản Mùa A Dê cho hay.
Những việc làm có ý nghĩa cho người dân như lời người Trưởng bản Mùa A Dê nói, đó chính là việc Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập tổ chức thực hiện “Bữa ăn cho em” ở bản Buốc Pát. Nhờ sự chăm sóc đặc biệt của những người lính Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, những lứa học trò ăn cơm biên phòng đã 15, 16 tuổi, không chỉ được đi học mà còn hiểu chuyện đời đúng sai, đã nhận thức được hậu quả khủng khiếp của tệ nạn ma túy. “Mưa dầm thấm lâu”, từ ấy, đã có một lớp thanh niên trẻ của Buốc Pát dần nhận ra nỗi sợ và quyết không dính vào ma túy, tù tội.
Các em nhỏ ở bản Buốc Pát vui chơi sau giờ học. Ảnh: Trọng Đức
Thông tin về việc làm ý nghĩa này, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập cho hay, năm 2021, xã Lóng Sập được công nhận là xã vùng II, một số bản là bản vùng II, trong đó có bản Buốc Pát, nên con em của các bản vùng II không được hỗ trợ tiền ăn bán trú, mà thực hiện bán trú dân nuôi. Đồng thời, thực hiện chủ trương của ngành giáo dục không tổ chức các lớp học cấp tiểu học và trung học ở các điểm trường lẻ nên buộc các em ở các bản xa khi học xong bậc học mầm non phải xuống trung tâm xã để học.
Điều đó khiến một số phụ huynh học sinh, nhất là các gia đình khó khăn khó có điều kiện cho con em đi học bán trú vì không thể đưa, đón, bảo đảm cấp dưỡng. Một số gia đình muốn cho con em bỏ học giữa chừng. Vì vậy, đơn vị đã triển khai mô hình “Bữa sáng cho em” ở bản Buốc Pát, vừa là một giải pháp, vừa là một cách làm cụ thể và là mô hình “Dân vận khéo” được đơn vị lựa chọn để triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
Theo chia sẻ của Thiếu tá Phạm Văn Tài, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập: Việc thực hiện các giải pháp chăm lo cho học sinh của Buốc Pát tới trường, không bỏ học giữa chừng, từ đó, từng bước nâng cao dân trí cho lớp công dân tương lai của bản là hết sức cần thiết. Điều đó vừa có ý nghĩa trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, vừa đảm bảo quốc phòng- an ninh ở khu vực biên giới. Đồng thời, đó còn là giải pháp quan trọng củng cố nền “Biên phòng toàn dân” trên địa bàn đơn vị phụ trách.
Thanh Tùng