Quy định mới về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai

Quy định mới về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai

Luật Đất đai năm 2024: Các hành vi bị cấm và quy định mới

Luật Đất đai năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1-8-2024) quy định 11 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai.

Ngày 4-10-2024, Chính phủ ban hành Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai (gọi tắt là Nghị định 123, có hiệu lực từ ngày 4-10) với nhiều quy định mới mà người sử dụng đất (SDĐ) cần lưu ý.

Xử lý nghiêm hành vi lấn, chiếm và hủy hoại đất

Luật gia Lương Văn Hùng (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, trong thời gian qua, hành vi vi phạm hành chính trong SDĐ thường gặp bao gồm: lấn đất, chiếm đất, và hủy hoại đất. Các hành vi này không chỉ gây khó khăn cho người có quyền SDĐ bị xâm phạm mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự, dân sinh và đoàn kết cộng đồng. Do đó, khoản 1, Điều 11 Luật Đất đai năm 2024 nghiêm cấm các hành vi lấn, chiếm, và hủy hoại đất.

Tại khoản 9, Điều 3 Luật Đất đai năm 2024 quy định rằng, chiếm đất là việc sử dụng đất đã do Nhà nước quản lý mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc sử dụng đất của người SDĐ hợp pháp khác mà chưa được sự đồng ý của người đó.

Theo Điều 3 Luật Đất đai năm 2024, hủy hoại đất được định nghĩa là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất và gây ô nhiễm, dẫn đến mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.

Lấn đất là hành vi mà người SDĐ chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích sử dụng mà không được sự cho phép của cơ quan nhà nước hoặc sự đồng ý của người sử dụng hợp pháp của diện tích đất đó.

Điểm c, khoản 5, Điều 5 Nghị định 123 quy định rằng, trường hợp chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, hoặc góp vốn bằng quyền SDĐ mà không đăng ký biến động đất đai, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với bên nhận chuyển quyền SDĐ.

Luật gia Lương Văn Hùng phân tích rằng, để chế tài các hành vi lấn đất, chiếm đất, và hủy hoại đất, Điều 13 và Điều 14 Nghị định 123 quy định rất cụ thể về mức phạt tiền, biện pháp khắc phục hậu quả, và việc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp vào ngân sách nhà nước.

Mức phạt đối với hành vi lấn và chiếm đất

Cụ thể, khoản 1, Điều 13 Nghị định 123 quy định rằng, phạt từ 3-200 triệu đồng đối với hành vi lấn đất hoặc chiếm đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý, với diện tích từ dưới 0,02 hécta đến 2 hécta trở lên. Đặc biệt, khoản 5, Điều 13 Nghị định 123 quy định phạt từ 10-500 triệu đồng đối với hành vi sử dụng đất mà Nhà nước đã có quyết định giao đất nhưng người được giao đất chưa tiếp nhận thực địa với diện tích từ dưới 0,05 hécta đến 2 hécta trở lên.

Mức phạt đối với hành vi hủy hoại đất

Ngoài ra, khoản 1, Điều 14 Nghị định 123 quy định mức phạt từ 2-100 triệu đồng đối với hành vi hủy hoại đất trong các trường hợp cụ thể. Phạt từ 2-100 triệu đồng đối với hành vi làm suy giảm chất lượng đất bao gồm làm mất hoặc giảm độ dày tầng đất canh tác, thay đổi lớp mặt đất sản xuất nông nghiệp, gây bạc màu và xói mòn đất nông nghiệp dẫn đến mất hoặc giảm khả năng SDĐ.

Không đăng ký biến động cũng bị phạt

Tại khoản 3, Điều 133 Luật Đất đai năm 2024 có quy định, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có biến động về quyền SDĐ, người SDĐ và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải thực hiện đăng ký biến động tại cơ quan có thẩm quyền.

Trong trường hợp thi hành án, thời hạn đăng ký biến động đất sẽ được tính từ ngày bàn giao tài sản thi hành án. Còn trong trường hợp thừa kế quyền SDĐ, thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế.

Luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh), cho biết rằng tại Điều 16 Nghị định 123 quy định mức phạt từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu đối với các trường hợp: thửa đất đang sử dụng mà chưa đăng ký; thửa đất được Nhà nước giao, cho thuê sử dụng mà chưa đăng ký.

Nghị định 123 cũng quy định mức phạt từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện đăng ký biến động đất đai trong các trường hợp cụ thể như chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền SDĐ, tài sản gắn liền với đất.

Đoàn Phú