Trước đây, tại một số lễ hội đặc biệt ở vùng dân tộc thiểu số thường có phong tục cưỡng ép bắt vợ nhưng đến nay hầu như đã chấm dứt, tuy nhiên gần đây theo dõi trên mạng xã hội có nói đến một số lễ hội tổ chức có các hành vi theo lệ xưa
như cưỡng ép bắt vợ. Vậy hành vi này bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Trả lời
– Điều 3 Nghị định 110/2018/NĐ-CP ngày 19/8/2018 của Chính phủ quy định như sau:
“1. Lễ hội truyền thống (bao gồm cả lễ hội tại các di tích lịch sử – văn hóa, lễ hội dân gian) là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân.
2. Lễ hội văn hóa là hoạt động giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa, thể thao tiêu biểu, đặc sắc; tiềm năng du lịch về đất nước, con người Việt Nam.
3. Lễ hội ngành nghề là hoạt động quảng bá về đặc trưng, thế mạnh của các ngành nghề; tôn vinh các tổ chức, nghệ nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn và phát triển ngành nghề.
4. Lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài là những hoạt động giới thiệu văn hóa, kinh tế, xã hội của nước ngoài với công chúng Việt Nam”.
– Điều 5 Nghị định 110/2018/NĐ-CP ngày 19/8/2018 của Chính phủ quy định về nguyên tắc tổ chức lễ hội như sau:
“1. Việc tổ chức lễ hội nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công lao các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành, phát triển đất nước; tuyên truyền giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của di tích, truyền thống tốt đẹp của lễ hội.
2. Lễ hội phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả; phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội; tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa.
3. Nghi lễ của lễ hội phải trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam.
4. Giáo dục, định hướng con người hình thành các hành vi, thái độ, nhận thức cao đẹp; loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích vật chất, lòng tham và các lợi ích cá nhân.
5. Phải thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
6. Không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội.
7. Hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.
– Điểm a Khoản 5 Điều 14 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa quy định như sau:
“5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Phục hồi phong tục, tập quán gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân cách con người và truyền thống văn hóa Việt Nam;
b) Ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội”.
– Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức: “Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân”.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi phục hồi tục lệ xưa sai trái như cưỡng ép bắt vợ thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, đối với tổ chức thì sẽ bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Như Quỳnh
Đỗ Như Quỳnh